Nỗi bất an của phụ nữ nội trợ Trung Quốc qua ồn ào ly hôn giữa Vương Lực Hoành và vợ cũ

Liên quan đến vụ ly hôn gần đây giữa Vương Lực Hoành và Lý Tịnh Lôi, nhiều phụ nữ Trung Quốc đồng cảm với chia sẻ của Lý về cuộc sống mắc kẹt trong hôn nhân không hạnh phúc và tình cảnh phụ thuộc tài chính vào chồng.

 Vương Lực Hoành và Lý Tịnh Lôi trong một sự kiện vào năm 2018

Vương Lực Hoành và Lý Tịnh Lôi trong một sự kiện vào năm 2018

Gần đây, phương tiện truyền thông liên tục đưa tin vụ lùm xùm ly hôn của ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Đài Loan (Trung Quốc) Vương Lực Hoành và vợ Lý Tịnh Lôi. Cụ thể, sau khi Vương Lực Hoành thông báo ly hôn vào ngày 15/12, Lý Tịnh Lôi tố chồng cũ lạm dụng tình cảm, ngoại tình, ép buộc cô mang thai. Sau đó, cha ruột Vương Lực Hoành đã lên tiếng tố ngược lại con dâu cũ là kẻ "đào mỏ" và còn đòi chia tài sản gia đình.

Vương Lực Hoành và Lý Tịnh Lôi kết hôn năm 2013, ly thân năm 2019. Vương Lực Hoành, hiện 45 tuổi, là ca sĩ, nhạc sĩ kiêm diễn viên nổi tiếng của làng giải trí Hoa ngữ. Cùng với Châu Kiệt Luận, Vương Lực Hoành được mệnh danh là "Thiên vương châu Á". Anh nổi tiếng với vai trò ca sĩ từ những năm 2000 với các ca khúc như Descendants of the Dragon, Forever's First Day, Forever Love, The Heart's Sun and Moon và từng tham gia đóng các phim như Sắc giới, Lôi đình chiến cảnh, Đại binh tiểu tướng.

Vụ việc của Vương Lực Hoành và Lý Tịnh Lôi không chỉ dừng lại ở câu chuyện ly hôn ồn ào của người nổi tiếng mà còn khiến một bộ phận cụ thể trong xã hội Trung Quốc - những người phụ nữ nội trợ, cảm thấy bất an.

Bất an của phụ nữ làm nội trợ

Nhiều phụ nữ Trung Quốc đồng cảm với chia sẻ của Lý Tịnh Lôi về cuộc sống mắc kẹt trong hôn nhân không hạnh phúc và tình cảnh phụ thuộc tài chính vào chồng. Trong phần đầu tiên của một bài đăng trên mạng xã hội, có đoạn Lý Tịnh Lôi viết về cuộc ly hôn: "Nhiều phụ nữ nội trợ xung quanh tôi không có tiền tiết kiệm hoặc thu nhập của riêng họ. Những phụ nữ này luôn cảm thấy có lỗi và luôn phải chịu sự phán xét của chồng khi sử dụng tiền. Họ không bao giờ dám đề cập đến việc muốn chăm sóc cha mẹ mình".

Lucy Liang, một bà mẹ ở Nam Kinh, người đã dành 8 năm để chăm sóc hai con trai trước khi tái gia nhập lực lượng lao động, cho biết: "Tôi hiểu được tất cả những gì Lý Tịnh Lôi nói việc phụ nữ bị xem nhẹ nhưng tôi vẫn rất ngạc nhiên khi định kiến lạc hậu về giới tính vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc". Liang chia sẻ mặc dù những cuộc khẩu chiến là chuyện thường thấy ở người nổi tiếng, nhưng với nhiều bà mẹ và người vợ như cô, chúng thật sự có sức ảnh hưởng. Cô cho rằng sự việc là một bài học cho phụ nữ rằng họ cần học tập và tự độc lập về tài chính.

Vương Lực Hoành (trái) và Lý Tịnh Lôi (phải) tham gia một buổi hòa nhạc của Giang Huệ vào năm 2015. Ảnh: Getty Image

Vương Lực Hoành (trái) và Lý Tịnh Lôi (phải) tham gia một buổi hòa nhạc của Giang Huệ vào năm 2015. Ảnh: Getty Image

Lý Tịnh Lôi là một phụ nữ Đài Loan từng theo học tại các các trường danh tiếng như Đại học Princeton và Đại học Columbia ở Mỹ, và từng là nhà phân tích tại JP Morgan (một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất trên thế giới), nhưng đã từ bỏ công việc và cuộc sống cá nhân của mình vì chồng, người lớn hơn cô 10 tuổi và muốn có nhiều con, Lý Tịnh Lôi chia sẻ trong một bài đăng. Theo cô, mặc dù phụ nữ ngày nay có trình độ học vấn cao nhưng họ vẫn thường chấp nhận công việc nội trợ không được trả công, một vai trò suốt 24 giờ gồm nhiều nhiệm vụ "làm vợ, làm mẹ, trông trẻ, lái xe và giúp việc".

Lý Tịnh Lôi có với Vương Lực Hoành 3 người con trong cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm, nhưng đổi lại cái cô nhận được là những hành động vô kỷ luật từ chồng, bao gồm cả việc ngoại tình và qua lại với gái bán dâm. Vì chỉ là một phụ nữ nội trợ, cô không bao giờ nhận được đền đáp cho những đóng góp của mình với gia đình trong quá trình ly hôn, Lý Tịnh Lôi cho biết.

Lựa chọn nào cho phụ nữ sau khi kết hôn?

Một phụ nữ nội trợ và con trai tại công viên Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Một phụ nữ nội trợ và con trai tại công viên Bắc Kinh. Ảnh: China Daily

Tuần báo China News Weekly hôm thứ Bảy (18/12) đăng một cuộc thăm dò trên Weibo với câu hỏi liệu các bà nội trợ có nên được trả lương cho công việc của họ hay không. Tính đến chiều thứ Ba, 12.000 người tham gia khảo sát cho biết là có, trong khi chỉ 800 người chọn không.

Trên thực tế, những cuộc tranh luận về vấn đề này ở Trung Quốc thường chỉ xoay quanh hai luồng ý kiến: Hoặc công nhận giá trị lao động không công của phụ nữ nội trợ, hoặc thúc đẩy một môi trường giúp phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi kết hôn và sinh con.

Tờ China Women's News hôm Chủ nhật (19/12) nêu quan điểm: "Việc trở thành một người nội trợ toàn thời gian là lựa chọn cá nhân, nhưng quyết định an toàn nhất vẫn là phụ nữ nên tiếp tục tham gia vào lực lượng lao động và duy trì khả năng cạnh tranh của mình". China Women's News, tờ báo do tổ chức phi chính phủ liên kết với Liên đoàn Phụ nữ Trung Quốc điều hành, lưu ý rằng việc phụ nữ từ bỏ công việc đồng nghĩa với một loạt những bất ổn sẽ xảy ra, từ phụ thuộc về tài chính và tâm trạng vào chồng cho đến cảm giác bất an và bất bình đẳng trong gia đình.

Wei Qijiang, một nam nhà văn, chia sẻ: "Là một người đàn ông, tôi luôn nghĩ rằng phụ nữ không nên hoàn toàn chỉ biết tới gia đình. Họ phải có cuộc sống riêng và giao tiếp với thế giới bên ngoài. Ngay cả khi không kiếm được nhiều tiền, phụ nữ cũng nên có nguồn thu nhập ổn định".

Nguồn: SCMP

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/noi-bat-an-cua-phu-nu-noi-tro-trung-quoc-qua-on-ao-ly-hon-giua-vuong-luc-hoanh-va-vo-cu-20211225111314987.htm