Nổi bật tuần qua: Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Tuần từ ngày 29/7-4/8, trong nước diễn ra các sự kiện nổi bật: Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ; Kon Tum xảy ra động đất 5.0 độ, mạnh nhất từ trước đến nay; dồn sức hỗ trợ người dân bị cô lập tại 'rốn lũ' Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội); điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng; các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử vụ FLC

Đồng chí Tô Lâm được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Sáng 3/8/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII khai mạc tại Hà Nội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp để giới thiệu nhân sự và bầu đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Bộ Chính trị điều hành Hội nghị.

Trước khi bước vào phiên họp, BCH Trung ương Đảng đã dành phút tưởng niệm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị, căn cứ các quy định của Đảng, trên cơ sở định hướng giới thiệu nhân sự của Bộ Chính trị, Trung ương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, thảo luận dân chủ, suy tôn, thống nhất cao với số phiếu tuyệt đối 100% bầu đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu khẳng định kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng mà đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thế hệ lãnh đạo đi trước đã gây dựng; duy trì sự đoàn kết, thống nhất và cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra, tổ chức thành công Đại hội XIV, đưa đất nước vững bước phát triển trong giai đoạn mới.

Trong phiên làm việc buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét Đơn xin thôi giữ các chức vụ của một số đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị điều hành Hội nghị.

Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên: Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên: Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh; Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Tuyên Quang đã vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, các đồng chí đã có Đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công.

Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của các đồng chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Lê Minh Khái thôi giữ chức vụ: Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; đồng ý để các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Nguyễn Xuân Ký, Chẩu Văn Lâm thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 30/7 – 1/8/2024. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Droupadi Murmu, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Jagdeep Dhankhar, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao S. Jaishakar đến chào. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã dâng hoa tại tượng Bác tại công viên G20, phát biểu chính sách tại Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ, dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Ấn Độ, tiếp các doanh nghiệp Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Hội kiến Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Ấn Độ đã đạt những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, quốc phòng an ninh, phát triển cơ sở hạ tầng, đời sống người dân không ngừng được nâng cao; cảm ơn Tổng thống và Chính phủ Ấn Độ về những lời chia buồn, nghĩa cử xúc động trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo xuất sắc của nhân dân Việt Nam, người bạn thân thiết của nhân dân Ấn Độ. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời thăm hỏi và lời mời của Chủ tịch nước Tô Lâm mời Tổng thống Droupadi Murmu thu xếp thăm Việt Nam trong thời gian tới.

Tổng thống Droupadi Murmu nhấn mạnh, Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ truyền thống hữu nghị lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp; đồng thời bày tỏ vui mừng trong những năm qua, quan hệ hai nước đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2016. Trao đổi đoàn, hợp tác giữa hai nước đã phát triển trên tất cả các cấp, các kênh; các lĩnh vực hợp tác đều có bước tiến vượt bậc.

Hai nước đã ra "Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác về: Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ giai đoạn 2024-2028, xây dựng năng lực hải quan giữa hai nước, phát triển nông nghiệp, tư pháp, phát thanh truyền hình, vay tín dụng, văn hóa du lịch và xây dựng cơ sở hạ tầng…

Kon Tum xảy ra động đất 5.0 độ, mạnh nhất từ trước đến nay

Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), tuần qua, ngày 28/7, trận động đất có độ lớn 5.0 độ đã xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay. Trận động đất có độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km, độ rủi ro thiên tai cấp 2 tại khu vực tâm chấn và lân cận. Cũng trong ngày 28/7 có 3 trận động đất liên tiếp có độ lớn lần lượt 4.1, 3.6, 3.3 độ cũng xảy ra tại huyện Kon Plông gây rung lắc.

Viện Vật lý địa cầu thông tin, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Động đất 5.0 -6.0 là động đất đạt ngưỡng độ lớn trung bình, nhưng các địa phương vẫn cần kiểm tra, đánh giá về thiệt hại cho các công trình xây dựng. Dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và gây ra hậu quả lớn. Do đó, việc đánh giá nguy hiểm động đất là cần thiết và cần được cập nhật hằng năm để phục vụ thiết thực cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, thiết kế kháng chấn cho các loại công trình từ trọng điểm đến khu dân cư.

Thống kê từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 65 trận động đất, riêng tại tỉnh Kon Tum đã xảy ra 54 trận động đất có độ lớn từ 2.5 đến 4.0 độ. Các trận động đất còn lại xảy ra tại các tỉnh: Quảng Nam, Yên Bái, Hà Nội, Phú Yên, Tuyên Quang, Điện Biên, Ninh Bình, Thanh Hóa. Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn tại Kon Tum và sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân.

Dồn sức hỗ trợ người dân bị cô lập tại “rốn lũ” Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội)

Tuần qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và các tỉnh Bắc Bộ có mưa lớn, nước các sông vùng núi dâng cao nhanh, đã gây ngập lụt nghiêm trọng tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội), khiến hàng nghìn hộ dân bị cô lập. Hiện nay, nước vẫn rút chậm, nhiều điểm còn ngập sâu và bắt đầu có dấu hiệu ô nhiễm. Tại các vùng bị ngập úng, công tác hỗ trợ đã được thành phố Hà Nội cùng các cấp, ngành và người dân các địa bàn lân cận triển khai từ sớm, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu của người dân nơi đây.

Nước sông Bùi dâng cao khiến thôn Nam Hài (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị cô lập do ngập nặng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Nước sông Bùi dâng cao khiến thôn Nam Hài (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bị cô lập do ngập nặng. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Các tuyến đường vào các thôn thuộc các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến (huyện Chương Mỹ), Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) vẫn đang ngập sâu trong nước lũ, nước ngập đã chuyển màu xanh lục và phảng phất mùi hôi, rác thải. Người dân địa phương đã khẩn trương di chuyển trang thiết bị, hồ sơ, tài liệu, đồ đạc lên trên tầng cao để giảm thiểu thiệt hại; thông báo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, người dân sẵn sàng dọn vệ sinh khi nước rút, đảm bảo các điều kiện tốt nhất khi năm học mới đang tới gần.

Để ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định đời sống, chính quyền các địa phương đã huy động gần 9.000 người dân, cán bộ, chiến sỹ và gần 400 phương tiện của các đơn vị quân đội hỗ trợ người dân di dời người dân và vận chuyển tài sản từ vùng úng ngập đến nơi an toàn; phân luồng giao thông, không để người và phương tiện đi qua khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân; huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vùng úng ngập các nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh, dung dịch khử khuẩn nguồn nước…

Ngày 29/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng Đoàn công tác của thành phố đã đi thăm, động viên và kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại hai huyện Chương Mỹ và Quốc Oai. Sau khi nghe các địa phương báo cáo về tình hình ngập lụt, kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm bố trí nơi ở tạm cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, chăm lo đồ ăn, thức uống, đảm bảo nước sạch cho các hộ dân, đặc biệt quan tâm đến người già, cô đơn, yếu thế, người tàn tật...; chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với các trận mưa tiếp theo, không để bị động trước các tình huống và đề nghị UBND thành phố xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các huyện…

Điểm chuẩn phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT tăng

Sau hơn 10 ngày mở cổng hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 18 - 30/7, các thí sinh đã hoàn thành bước đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học ở tất cả các phương thức tuyển sinh. Năm nay, hệ thống ghi nhận trên 733.000 thí sinh trong cả nước nhập nguyện vọng đăng ký, chiếm khoảng 68% số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2024. Dựa trên dữ liệu thí sinh trên hệ thống, các trường sẽ thực hiện xét tuyển, công bố điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT trước 17 giờ ngày 19/8. Trước đó, các phương thức xét tuyển sớm như xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ… đã được các trường công bố.

Thí sinh tham gia tư vấn nguyện vọng xét tuyển. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Thí sinh tham gia tư vấn nguyện vọng xét tuyển. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phân tích phổ điểm thi, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng và chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều chuyên gia dự báo, điểm chuẩn đại học ở phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ tăng từ 1 - 3 điểm so với năm trước. Phần lớn chỉ tiêu của trường đại học, chiếm khoảng 60% dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, còn lại là xét tuyển thẳng, xét học bạ và điểm thi đánh giá năng lực.

Theo quy định, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, các thí sinh đã đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học trên hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải thanh toán lệ phí để hoàn tất quy trình đăng ký nguyện vọng. Việc nộp lệ phí được thực hiện bằng hình thức trực tuyến qua Cổng dịch vụ quốc gia, với đa dạng kênh thanh toán. Để tránh quá tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia lịch thanh toán lệ phí cho các thí sinh theo từng tỉnh, thành phố.

Các bị cáo nói lời sau cùng tại phiên tòa xét xử vụ FLC

Ngày 29/7, phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án FLC kết thúc phần tranh luận. Trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại tòa. Điều đáng ghi nhận, những lời nói sau cùng này không chỉ thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn, hối cải… mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn tại phiên tòa. Hầu hết các bị cáo khi xin được giảm nhẹ hình phạt đều không quên bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cho các bị cáo khác còn lại trong vụ án được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, được sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bày tỏ sự hối hận và xin lỗi khi để nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp, những người vì tin tưởng bị cáo bị vướng vào vòng lao lý; xin Hội đồng xét xử giảm án cho tất cả các bị cáo trong vụ án. Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án và mong được nhận sự khoan hồng từ các bị cáo; mong Hội đồng xét xử phán xét công tâm.

Tại phiên tòa xét xử, trong quan điểm buộc tội, Viện Kiểm sát không quy kết toàn bộ 4.300 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros là khống, mà xác định trong đó có hơn 1.197 tỷ đồng là vốn thật, còn hơn 3.102 tỷ đồng là vốn góp khống. Toàn bộ số tiền của các nhà đầu tư giao dịch qua 30.403 tài khoản chứng khoán đã được bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân, do vậy có đủ cơ sở xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với bị cáo Trịnh Văn Quyết về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Thao túng thị trường chứng khoán” từ 24-26 năm tù. Hội đồng xét dự kiến ngày 5/8 sẽ tuyên án.

Nhóm PV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/noi-bat-tuan-qua-dong-chi-to-lam-duoc-bau-giu-chuc-tong-bi-thu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-cong-san-viet-nam-20240803115357597.htm