Nổi bật tuần qua: Triển khai các biện pháp ổn định thị trường vàng; cảnh báo về biến thể COVID-19
Tuần từ ngày 12 đến 18/5/2025, trong nước diễn ra một số sự kiện nổi bật: Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; Quốc hội tiếp tục thảo luận một số luật phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính; Đông đảo người dân đón xá lợi Phật trong Đại lễ Vesak 2025; Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; Cảnh báo về biến thể COVID-19 tại Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tượng “Bác Hồ về thăm quê”. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Hướng tới kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Hướng tới Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), trong tuần, ngày 15/5, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao - Du lịch và Bộ Công an tổ chức trọng thể Khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 và Khánh thành công trình Tượng "Bác Hồ về thăm quê" tại Nghệ An.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí nguyên Ủy biên Bộ Chính trị, Ủy biên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng tham dự lễ hội. Dấu ấn đặc biệt trong năm nay là cùng với Chương trình Khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 là khánh thành công trình Tượng "Bác Hồ về thăm quê" do Bộ Công an trao tặng.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Đoàn công tác của Trung ương cùng đại diện lãnh đạo tỉnh đã cắt băng khánh thành Tượng đài "Bác Hồ về thăm quê" tại tỉnh Nghệ An.
Trước đó, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Đền Chung Sơn - Đền thờ Gia tiên Bác Hồ và tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Trong tuần, nhiều hoạt động tưởng niệm, văn hóa nghệ thuật nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng diễn ra xúc động trên khắp cả nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV: Loại bỏ tư duy biên chế suốt đời
Tuần qua, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất); dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phiên thảo luận với 2 dự thảo này được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Cùng với các phiên thảo luận tại hội trường, các đại biểu tham gia thảo luận tại các tổ đại biểu Quốc hội về những nội dung như: dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) phục vụ cho việc sắp xếp, sáp nhập được đông đảo ĐBQH quan tâm.
Làm rõ những vấn đề đặt ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu, việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức đặt ra hai vấn đề lớn: Đầu tiên là xác lập pháp lý cho việc liên thông đội ngũ cán bộ cấp xã với cấp tỉnh trở lên để xây dựng một chế độ công vụ chung của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở, từ đó đáp ứng yêu cầu khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.
Trong đó nổi bật, ngạch công chức không còn là mục tiêu như hiện nay và tiến tới sẽ không còn thi nâng ngạch, người lao động không còn phải trải qua quy trình từ cán sự đến chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp... Đây là vấn đề mới so với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, Bộ sẽ xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá trên cơ sở sử dụng công nghệ, dữ liệu số, công vụ công chức và chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia có nền công nghệ hiện đại; kết hợp giữa KPI với đặc thù của công vụ Việt Nam… để đảm bảo đánh giá thực chất, công khai, minh bạch, chính xác, từ đó loại bỏ tư duy biên chế suốt đời.

Đông đảo người dân và Phật tử chào đón xá lợi Đức Phật được rước về chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Lê Phú
Đông đảo người dân đón xá lợi Phật trong Đại lễ Vesak 2025
Trong tuần qua, đông đảo người dân và Phật tử đã tập trung dọc các tuyến phố Quán Sứ, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chào đón xá lợi Đức Phật được rước về chùa Quán Sứ, Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khuôn khổ Đại lễ Vesak 2025.
Trước đó, sau thời gian tôn trí tại núi Bà Đen (Tây Ninh), xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni được cung rước đến Hà Nội. Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc cung nghinh xá lợi Đức Phật về chùa Quán Sứ là một trong những điểm nhấn tâm linh đặc biệt trong mùa Đại lễ Vesak 2025. Xá lợi đã được an vị tại chính điện để các tăng ni, Phật tử và người dân đến chiêm bái từ ngày 14 đến 16/5.
Chặng đường tiếp theo, xá lợi được cung rước, tôn trí, chiêm bái xá lợi Phật Thích Ca Mâu Ni và Đại lễ Phật đản tại chùa Tam Chúc, phường Ba Sao, thị xã Kim Bảng, Hà Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, ngành báo cáo kết quả thực hiện ổn định thị trường vàng trong tháng 5/2025. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Thủ tướng chỉ đạo triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng
Trong tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 64/CĐ-TTg ngày 13/5/2025 về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều Công điện, Chỉ thị chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, hiệu quả về các giải pháp quản lý thị trường vàng…
Với các giải pháp đồng bộ, đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở biên độ phù hợp, có thời điểm chỉ còn khoảng 1 - 2%.
Tuy nhiên, cùng với những bất cập nội tại chưa được khắc phục triệt để, những diễn biến bất thường, chưa từng có tiền lệ của tình hình địa chính trị thế giới từ đầu năm 2025 đến nay đã đẩy giá vàng quốc tế liên tục tăng cao, giá vàng trong nước biến động mạnh, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới gia tăng.
Để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước và mục tiêu phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tâm lý xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng… không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.

Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN
Bộ Y tế thông tin biến thể phụ XBB.1.16 và dịch COVID-19 tại Việt Nam
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong.
Trên phạm vi toàn cầu, số trường hợp mắc, tử vong do COVID-19 đang có xu hướng giảm; sự gia tăng nhanh số ca nhiễm COVID-19 tăng tại Thái Lan trùng với thời điểm và thời gian ủ bệnh sau ngày Tết truyền thống, nhiều khả năng do có có sự gia tăng tụ tập đông người và sự gia tăng của biến thể phụ XBB.1.16.
Tại Việt Nam, bệnh COVID-19 là bệnh lưu hành; với sự giao lưu, đi lại cao của người dân Việt Nam trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025, không loại trừ khả năng gia tăng các trường hợp mắc trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể sẽ không gia tăng các trường hợp nặng do biến thể của virus COVID-19. Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron đã xuất hiện từ năm 2023, có khả năng lây lan nhanh chóng, nhưng chưa có bằng chứng gây triệu chứng nghiêm trọng hơn và WHO hiện không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu.
Trước tình hình bệnh COVID-19, Bộ Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.