Nơi bến phà xưa
Bến phà Nông Tiến một thời nức tiếng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, người đông như mắc cửi. Người ta vẫn nhớ tới bóng dáng của những thợ lái ca nô, thợ máy, thủy thủ guồng cái phà to bổ chảng gắng sức qua sông, người người cầm trên tay tờ vé tháng đợi lượt lên phà, nơi hai đầu bến là sự sống hồi sinh với chợ Bến Phà, hàng quán nườm nượp. Ký ức vàng son một thời như nhắc nhớ bao kỷ niệm với mỗi người dân thành Tuyên.
“Ngày đàng không bằng gang nước”
28 năm gắn bó với bến phà Nông Tiến, ông Phạm Quốc Đạt, tổ 2, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) vẫn bồi hồi mỗi khi nhớ về quãng thời tuổi trẻ miệt mài gắn bó với nghiệp sông nước. Năm 1967, tròn 19 tuổi, ông được tuyển vào làm thợ lái ca nô. Ban đầu chỉ là bến đất, bến đá nhỏ, chiếc thuyền trên 4 tấn hoàn toàn do sức người chèo lái. Vậy nên cánh lái thuyền, thủy thủ đều được Ty Giao thông vận tải bấy giờ tuyển chọn khá kỹ lưỡng về sức khỏe và kỹ thuật. Chiếc thuyền chòng chành lặn lội đưa biết bao lượt khách sang sông Lô, gắn kết giao thương giữa thị xã Tuyên Quang thời ấy với các nơi đổ về.
Khi phà đưa vào hoạt động, có người lái ca nô, có thợ máy vận hành, có thủy thủ “cô dây, cuốn cáp”, mọi việc được cải tiến hơn trước. Cả tổ 9 người, mỗi người làm việc đủ 8 tiếng lại đổi ca cho người kế tiếp. Ông Vũ Hoàng Hà, tổ 17, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) cười rổn rảng khi kể chuyện mà ông cho là “cổ” lắm với đám trẻ bây giờ. Vận hành máy cần sự phối hợp chặt chẽ giữa người lái và tổ máy, nhưng thời đó bộ đàm và điện thoại là những thứ xa xỉ, làm sao để kết nối giữa hai đầu khiến ông Đạt và ông Hà ăn khớp trong cách vận hành. Khi gióng hồi chuông báo khách lên phà, ông Đạt dùng thanh sắt gõ hai tiếng là ông Hà bắt đầu chạy máy, gõ bốn tiếng tăng tốc, gõ ba tiếng là lùi, gõ một tiếng thì phà dừng hẳn. Tuy “cổ” đấy nhưng vui đáo để.
Mùa nước lặng phà cũng yên ả xuôi theo ý người, nhưng khi mùa nước nổi, nước sông dâng cao, nước sông hung dữ, anh em tổ phà càng phải cứng cáp đảm bảo đưa khách qua sông an toàn. Ông Trần Xuân Lập, tổ 9, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) giữ vai trò thủy thủ phà, sau khi sắp xếp gọn gàng vị trí cho khách, xe cộ, hàng hóa thì chăm chắm đám Puli cáp. Cáp được neo bởi hai trụ vững chắc hai bờ sông. Ông Lập bảo, vững chắc vậy mà có hôm nước lũ dâng cao, đánh đứt cáp, phà bị trôi mãi về mạn soi Lâm, phải đợi cả buổi mới gò được phà về để đưa khách qua sông. Hãi nhất là khi nước dâng cao cây gỗ bị đổ, mảng tre nứa theo sức nước mạnh cứ thế trỗ thẳng vào phà, đánh ầm ầm, ai nấy đều lo sợ, nhưng chúng tôi luôn vững tâm thế để giữ an lòng khách. Chuyến phà nào cũng an toàn cả người, cả hàng hóa là yên tâm lắm.
Phà có sức chứa chừng 24 tấn, tầm cỡ như xe ben “Bò ma” ngày trước thì chỉ chở được một xe là cùng. Còn đối với những xe tải trọng thấp hơn thì có thể chở được khoảng hai xe đầy hàng. Lặng lẽ là vậy, trải qua bao năm tháng bến Phà đã làm tròn vai trò thông thương hàng hóa, kết nối kinh tế thương mại, dịch vụ cho tỉnh một thời.
Năm 1984, chiến tranh biên giới phía Bắc càng trở nên ác liệt, tỉnh ta tiếp tục tập trung đầu tư cho giao thông phục vụ bảo vệ tiền tuyến. Cùng với các công trình giao thông huyết mạch, bến phà Nông Tiến được thay thế cho bến phà Bình Ca. Năm 1986, cầu phao Nông Tiến trên sông Lô được thiết kế, kết nối và đưa vào sử dụng trong mùa khô. Tháng 8-1986, tỉnh khởi công xây dựng cầu Nông Tiến, đánh dấu bước ngoặt cho sự phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh. Tháng 1-1995, cầu Nông Tiến khánh thành, đây là cây cầu vĩnh cửu đầu tiên vượt sông Lô tại tỉnh. Thị xã Tuyên Quang có thêm một tuyến đi Hà Nội. Sự nối tiếp từ những chuyến đò, bến phà, cầu phao rồi là cây cầu vĩnh cửu Nông Tiến, sau đó là những cây cầu Tân Hà, Tứ Quận, Bình Ca, Tình Húc, Kim Xuyên… bắc qua dòng Lô đã nhấn thêm sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh ở từng giai đoạn…
Gánh mưu sinh
Qua bến xưa, lối đá xanh xuống bến nay vẫn còn, trụ cáp Puli vẫn được người dân gìn giữ như nhắc nhớ với con cháu một thời hoàng kim xưa cũ. Bên bến phà xưa, nay là sự mưu sinh của lớp thế hệ trẻ với những nhà hàng nổi trên sông; hàng trăm lồng cá của người dân thuyền chài hai bờ sông đã góp thêm sức sống mạnh mẽ bên bến phà lịch sử.
Nhà hàng nổi 369 của anh Nguyễn Huy Nam được dựng từ năm 2008. Ý nghĩ trẻ, táo bạo giúp gia đình anh trụ vững trên dòng Lô. Anh Nam bảo, ý tưởng muốn tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho khách du lịch khi vừa thưởng thức ẩm thực, vừa được ngắm cảnh đẹp trên bến dưới thuyền của dòng Lô đã khiến vợ chồng anh hào hứng khi quyết định dựng nghiệp trên vùng sông nước này. Thực đơn chủ yếu của quán là các đặc sản của địa phương và cá sông Lô. Chất lượng dần được anh nâng tầm với cá sông Lô chính hiệu, rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP do chính Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huy Tùng của anh sản xuất phục vụ cho quán ăn và một số đơn vị tại Hà Nội, trong tỉnh. Hiện nhà hàng của anh tạo việc làm cho 9 lao động với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Nam bảo, dịch Covid-19 đi qua rồi, giờ là lúc anh phải nghĩ nhiều hơn để đón khách đến với nhà hàng khi thăm cầu Tình Húc và đường dọc sông Lô khánh thành trong thời gian tới. Sự kết nối này sẽ mang lại giá trị cho người kinh doanh như anh, là bởi khách đến thăm thú cầu Tình Húc, soi Tình Húc rồi ngược về mạn bến phà xưa bằng đường thủy, đường hai bờ sông Lô cũng là lúc người ta muốn dừng chân ăn nghỉ, đấy là cơ hội chứ đâu. Anh Nam phấn khởi và tin vào tương lai khi du lịch bắt đầu được kích cầu sau dịch bệnh.
Đường qua bến phà nay thênh thang, qua cây di lăng cổ thụ gần 100 năm tuổi người ta nhớ về ngày xưa ấy với biết bao kỷ niệm cùng cha mẹ gồng gánh củi đuốc về nhà, buôn thúng bán bưng... Họ đã chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thành phố thơ mộng và chính họ cũng đang bắt nhịp với sự phát triển chung đấy. Dự án nuôi cá lồng đặc sản trên sông Lô đã có 16 hộ dân của phường Nông Tiến tham gia với 77 lồng cá đặc sản. Anh Lê Văn Sáng ở tổ 4, phường Nông Tiến phấn khởi nói, trên bến sông xưa, chứng kiến sự gieo neo của đời cha ông, mỗi người con xóm chài tự thấy mình phải nỗ lực hơn, làm nghề gì cũng thế cần áp dụng kỹ thuật, đem cái mới mà xây đắp cuộc sống. May mắn khi dòng Lô được trị thủy, thiên nhiên ưu đãi với dòng nước hiền hòa, trong lành, bên bến xưa họ lập lồng nuôi cá. Anh Sáng nhẩm tính, mỗi hộ có từ 1- 3 lồng nuôi cá, mỗi lồng thả từ 100 đến 300 con tùy diện tích lồng thì sau 2 năm nuôi cá chiên đạt trọng lượng khoảng 2 kg, bán giá từ 500.000 - 650.000 đồng/kg. Cuộc sống người xóm chài không còn cảnh gieo neo nơi con nước, trẻ nhỏ được học hành đủ đầy, mai này xây dựng quê hương mình giàu đẹp…
Việc đầu tư, xây dựng, hoàn thiện hạ tầng giao thông được tỉnh đặc biệt chú trọng, là động lực phát triển. Những cây cầu uy nghi mọc lên, những bến nước, con đò, bến phà xưa giờ là hoài niệm. Người già kể cho bọn trẻ nghe về bến phà xưa cũ, như nhắc nhở về một thời gian khó nhưng đầy khát vọng sống, đấy là niềm tin để chúng ta có được thành quả như hôm nay…
Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/noi-ben-pha-xua-133319.html