Nội bộ Áo và Slovakia chia rẽ vì các biện pháp trừng phạt Nga
Tần suất các gói trừng phạt Nga tăng dần theo thời gian, song chúng được cho là không có nhiều tác động đến Moscow và thường gây tranh cãi giữa các nước thành viên EU.
Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, EU đã triển khai nhiều gói trừng phạt Nga trong đó nhằm vào một số hoạt động xuất khẩu quan trọng của Nga như xuất khẩu dầu mỏ.
Tại Áo, các biện pháp trừng phạt Nga dường như ngày càng chia rẽ dân số, vốn đã bị chia rẽ về cách chính phủ xử lý đại dịch Covid-19. Trong khi người Áo nhìn chung ủng hộ các biện pháp trừng phạt, thì các cử tri của Đảng Tự do (FPO) cực hữu lại giữ vững lập trường phản đối.
Theo một cuộc khảo sát, chỉ có 44% cử tri ủng hộ các biện pháp trừng phạt hoặc muốn thắt chặt chúng, trong khi 34% muốn nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt. Thậm chí, 59% cử tri của Đảng Tự do đồng ý sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nếu có cơ hội và 20% khác sẽ nới lỏng chúng. Theo một cuộc khảo sát khác của EU, dù có khoảng 60% người Áo ủng hộ các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của EU là 74%.
Trong khi đó, tại Slovakia, Chính phủ và Ủy ban Olympic nước này đang bất đồng về việc liệu các vận động viên Nga và Belarus có được phép tham gia Thế vận hội Paris sắp tới hay không.
Trong khi Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục nước này đều phản đối sự tham gia của Nga và Belarus, thì Ủy ban Olympic Slovakia lại có quan điểm ngược lại và cho rằng, việc từ chối sự tham gia của các vận động viên trong các sự kiện thể thao dựa trên quốc tịch của họ là không đúng. Ủng hộ sự tham gia của các vận động viên Nga và Belarus tại Thế vận hội, thành viên Hội đồng Quốc gia về Đảng Dân chủ Xã hội Smer (Smer-SD) Richard Takac cho rằng, thể thao là phi chính trị. Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao cuối cùng, không được mang dấu hiệu của sự thù hận, thù địch, thiếu tôn trọng hoặc phân biệt đối xử./.