Nơi bóng đá sợ... thành công

Quảng Ninh là địa phương có những điều kiện đặc biệt thuận lợi để phát triển bóng đá, thế nhưng, đây cũng là tỉnh không thực sự hứng thú với môn thể thao vua. Trước khi đứng trước nguy cơ giải thể ở thời điểm hiện tại, CLB Than Quảng Ninh từng một giai đoạn dài bị xem là lẩn trốn V.League.

Nơi bóng đá sợ… thành công

Nói đến sợ thành công, V.League trước đây chứng kiến không ít trường hợp né thứ hạng cao để tránh phải tham dự các cúp châu lục. Lý do chủ yếu vẫn là kinh phí. Nhiều CLB không sẵn sàng, và cũng không đủ điều kiện cho quân đi thi đấu ở khắp châu Á. Tuy nhiên, riêng Than Quảng Ninh còn sợ thành công ở một “đẳng cấp” khác. Họ từng có cả một thập niên chỉ chơi ở giải hạng Nhất Quốc gia cho dù sở hữu nhiều tài năng. Kịch bản của Than Quảng Ninh lặp đi lặp lại trong nhiều mùa giải, họ đá cực hay ở giai đoạn đầu mùa trước khi tụt dần về cuối, đảm bảo nằm ngoài top 3 của giải đấu, tránh việc phải lên hạng.

Từ thủa đầu thành lập đội bóng, Quảng Ninh đã chứng minh điều này. Năm 1956, khu ủy Hồng Quảng đã tập hợp một số thanh niên biết chơi bóng đá để thành lập Đội bóng đá Thanh niên Hồng Quảng. Đến năm 1967, khi Hồng Quảng và Hải Ninh sáp nhập thành tỉnh Quảng Ninh thì đội bóng này đổi tên thành Thanh niên Quảng Ninh.

Đây là giai đoạn CLB Quảng Ninh được chơi ở giải A1 (tương đương V.League hiện nay). Họ đạt thành tích cao ở một số giải đấu, như: Vô địch giải chân đất miền Bắc, vô địch hạng B được lên thi đấu ở hạng A vào năm 1962; vô địch hạng A miền Bắc và vô địch giải Tổng Công đoàn Việt Nam. Về sau, Quảng Ninh lên xuống hạng như cơm bữa, bởi lẽ họ chưa bao giờ đặt nặng thành tích trong bóng đá.

Than Quảng Ninh đứng trước bờ vực giải thể là điều đã được dự báo từ nhiều năm trước.

Có thể nói, bóng đá Quảng Ninh lên xuống đều như đồ thị hình sin. Đỉnh điểm như năm 2000, Than Quảng Ninh lên hạng Nhất rồi xuống liền 2 hạng trong 2 năm liên tiếp. Đến năm 2006, Than Quảng Ninh trở lại giải hạng Nhất và trở thành khách quen của giải đấu này. Trong lịch sử giải hạng Nhất, có lẽ chỉ có Đắk Lắk và Huế góp mặt trong nhiều mùa giải hơn Than Quảng Ninh. Đây là thời điểm V.League phát triển mạnh mẽ với các ông bầu nhiều tiền, nhiều tham vọng và đam mê, nhưng Quảng Ninh với tiềm lực của ngành than - khoáng sản lại không thực sự mặn mà với bóng đá chuyên nghiệp.

Tung hoành ở V.League

Mãi đến năm 2013, Than Quảng Ninh chính thức giành quyền lên V.League với ngôi Á quân ở giải hạng Nhất. Ngay trong mùa giải đầu tiên ở V.League, Than Quảng Ninh đã cho thấy tiềm năng của mình. Cho dù chỉ là một đội bóng non trẻ, nhưng các cầu thủ đất mỏ đã xuất sắc về đích ở vị trí thứ 6.

Cuối năm 2014, CLB Than Quảng Ninh được bàn giao cho Công ty CP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang. Ban đầu, người hâm mộ Quảng Ninh rất kỳ vọng vào cuộc bàn giao này và tin tưởng đội bóng của họ sẽ nhanh chóng lọt vào top các đội mạnh nhất V.League. Tuy nhiên, Than Quảng Ninh không được vận hành theo mô hình con nhà giàu như người ta thường nghĩ.

Điểm nhấn của Than Quảng Ninh trong giai đoạn này là chuyển giao được thế hệ quản lý từ hành chính tới chuyên môn và biến một tập thể “trung bình khá về sức khỏe tài chính” thành một đội bóng mà ai nhìn vào cũng tưởng là ghê gớm. Chủ tịch Phạm Thanh Hùng từng định mời Toshiya Miura về làm HLV trưởng với mức lương lên đến 20.000 USD/1 tháng nhưng không thành công.

Sau đó, sự xuất hiện của HLV Phan Thanh Hùng đánh dấu thành công lớn nhất trong nhiệm kỳ quản trị bóng đá chuyên nghiệp duy nhất của Quảng Ninh: Xây dựng một đội bóng giàu bản sắc gồm rất nhiều cầu thủ có đẳng cấp nhưng không được đánh giá đúng mực. Quảng Ninh có bộ khung ổn định nhất V-League, với tiền vệ cánh tạt bóng hay nhất Việt Nam (Nghiêm Xuân Tú), tiền vệ trung tâm chuyển đổi trạng thái thực sự đầu tiên của Việt Nam (Phạm Nguyên Sa), tiền vệ tấn công chạy ra chiến thuật hay nhất nhì V.League (Nguyễn Hải Huy) và cầu thủ có bộ kỹ năng cơ bản hoàn thiện nhất bóng đá Việt Nam hiện đại (Mạc Hồng Quân).

Chính bộ khung đó và tài năng của HLV Phan Thanh Hùng biến Than Quảng Ninh trở thành một thế lực tại V.League. Cho dù không tham gia vào cuộc đua vô địch cuối mùa, nhưng đội bóng đất mỏ luôn nằm trong top đầu của giải đấu. Trong 6 mùa giải liên tiếp từ năm 2015 đến năm 2020, Than Quảng Ninh chỉ có 1 mùa giải văng ra khỏi top 4 (năm 2018) và họ cũng không văng quá xa khi về đích ở vị trí thứ 5.

Tuy vậy, năm 2018 chính là thời điểm đánh dấu một “cái gì đó không ổn” ở Quảng Ninh. Vũ Minh Tuấn - tượng đài bóng đá đất Mỏ - hết hợp đồng. Giá lót tay của Minh Tuấn là 6 tỷ và ở vị thế của Tuấn, anh muốn nhận toàn bộ số tiền này ngay lập tức để ở lại. Thế nhưng, Than Quảng Ninh không thể đáp ứng và cay đắng nhìn anh cập bến FLC Thanh Hóa. Lần đầu tiên, giới mộ điệu cảm thấy đội bóng này không thực sự giàu có như họ tưởng.

Những năm tiếp theo, các cuộc chia tay đến thường xuyên hơn với Than Quảng Ninh, mà đỉnh điểm là sự ra đi của HLV Phan Thanh Hùng vào năm 2020. Câu chuyện nợ lương, nợ tiền lót tay cầu thủ sau đó cũng vỡ lỡ, và những chuyện cay đắng mà Than Quảng Ninh đang phải chịu hiện nay là hệ quả không thể khác của một đội bóng giàu tiềm năng nhưng không được quan tâm, đầu tư đúng mức.

27/27 đội đồng ý hủy giải V.League 2021

Trong cuộc họp trực tuyến chiều 24/8, toàn bộ 27 đội bóng chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam đồng thuận phương án hủy V.League 1 và V.League 2 mùa giải 2021. Trước đó, ban chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã đồng ý hủy bỏ mùa giải 2021 và đề nghị Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) họp bàn tìm phương án hợp lý nhất với các CLB.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc họp chiều 24/8 chỉ đi đến kết luận hủy giải. Hiện tại, VPF và các CLB vẫn chưa thống nhất được các vấn đề quan trọng khác, bao gồm việc có công nhận HAGL vô địch hay không, có đội xuống hạng hay không và các CLB nào sẽ đại diện cho Việt Nam thi đấu tại các cúp châu Á ở mùa giải 2022. Ngoài ra, thời gian dự kiến bắt đầu mùa giải 2022 cũng chưa được thống nhất. Các CLB hy vọng nếu dịch bệnh được kiểm soát, V.League 1 và V.League 2 mùa giải 2022 sẽ bắt đầu từ tháng 2.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-thao/noi-bong-da-so-thanh-cong-i625551/