Nỗi buồn đầu tháng: Vừa mới nhận lương đã hết tiền, tại sao vậy?
Không ít người trẻ thường đau đầu với câu hỏi 'vì sao vừa mới cầm lương hôm trước, hôm sau đã cạn túi'.
Mong chờ mỏi mòn mãi mới đến ngày cuối tháng để nhận lương, nhưng "anh" lương về chưa kịp nhảy múa hát ca, bạn đã lại than thở chẳng còn đồng nào để sống vào những ngày tiếp theo nữa. Câu hỏi "tiền đi đâu hết thế nhỉ?" cứ thế quanh quẩn mà không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Sau đây là 3 lý do phổ biến dẫn đến hết tiền ngay khi vừa có lương mà nhiều người gặp phải:
Hội chứng "sắm đủ thứ" ngay khi lương về
Kỳ lương về là khoảng thời gian thần tiên nhất của một đời người, là khoảnh khắc từ chó lên voi, từ người nông dân bước chân lên làm địa chủ, là lúc tinh thần thăng hoa nỗi buồn rũ bỏ. Thời khắc ấy, chúng ta cảm thấy thực sự yêu bản thân và sẵn sàng làm mọi điều vì chính mình. Thế là rút ví ra tiêu thôi!
Ăn uống thịnh soạn với bạn bè, shopping như thể chỉ còn một ngày nữa là mọi cửa hàng sẽ biến mất khỏi Trái đất, đi spa chăm sóc sắc đẹp sau cả mấy chục ngày bị sếp hành, “giời hành” vừa qua.
Thay vì vạch sẵn kế hoạch ngân sách chi tiêu, mua sắm chi tiết và rải rác cả tháng, nhiều người lại chăm chăm nghĩ cách tiêu tiền ngay khi nhận được tin nhắn "ting ting" từ ngân hàng. Trong khi một lố hóa đơn vẫn đang xếp hàng chờ được sự quan tâm chăm sóc từ quỹ tiền tệ lương tháng, việc tiêu pha quá nhiều cho nhu cầu cá nhân sẽ bóp nghẹt những đồng lương yếu ớt đáng thương của bạn.
Vòng lặp vay mượn - trả nợ
Người trẻ, nhất là các bạn trẻ tuổi đôi mươi lương trên độ 7 con số thường có cách chi tiêu khá là hào phóng. Ỷ làm ra tiền, lương cũng nhiều, thế là tiêu không biết đến ngày mai, sau đó khi hết tiền là hồn nhiên đi vay mượn.
Chẳng ai thích vay mượn cả, nhưng cái nhịp tiêu khi đã vào guồng thì khó mà kìm hãm. Nhìn thấy cái gì cũng muốn mua muốn hưởng ngay được, cộng thêm cái tâm lý "mình làm ra tiền cơ mà, vay rồi cuối tháng trả chứ mất đi đâu", thế là nhắm mắt ngửa tay đi vay tiền tiêu.
Tất yếu, đến cuối tháng hụt ngay một khoản mấy triệu bạc đã vay mượn từ trước. Cứ thế, vì ngân sách bị tiêu lẹm ngay từ đầu tháng nên đến cuối tháng lại hết tiền và cần "viện trợ". Dần dần, nếu không thoát ra được, bạn sẽ chỉ đi làm để trả nợ.
Thói quen “quẹt thẻ”
Bạn thường biết đến chuyện cất tiền trong thẻ ngân hàng để ít phải tiêu tiền mặt nhưng sự phổ biến của hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng khiến bạn tiêu tiền trong thẻ còn nhanh và nhiều hơn tiền mặt.
Bởi vì thẻ tín dụng đóng vai trò như cái ví thứ 2 của bạn, cũng là chủ nợ đeo đuổi bạn dai dẳng nhất (lúc nào nó cũng ở bên bạn mà). Cầm cái thẻ quyền lực trên tay, lại thêm tâm lý không muốn nhìn thấy tài khoản chính của bản thân bị tụt mất mấy số, thế là vô tư quẹt không biết đến ngày mai.
Đó là chưa kể tiền trong tài khoản thường nhiều hơn hẳn tiền mặt nên bạn dễ có xu hướng thanh toán món đồ có giá trị cao hơn hẳn.
4 cách đơn giản để giải quyết tình trạng “vừa lãnh lương đã hết tiền”
Nhận lương để dành ngay một khoản
Khi đến kỳ lương tiền còn đang rủng rỉnh đầy túi bạn nên dành một khoản để tiết kiệm (nếu được có thể trích 10% số tiền trên tổng số lương của bạn). Tích tiểu thành đại, chẳng mấy chốc số tiền bạn dành dụm được sẽ không bõ công bạn nhịn tiêu trong bao nhiêu ngày.
Hạn chế việc vay nợ
Cứ đầu tháng, công tác trả nợ đã làm bạn thâm hụt một số tiền lớn, khiến bạn sau khi trả tiền nhà, điện nước và các khoản sinh hoạt khác là lại ngửa tay đi vay tiền. Đây là một thói quen xấu và khiến bạn không kiểm soát được chi phí chi tiêu của mình. Học cách chi tiêu khoa học, tiêu số tiền đúng với khả năng và không nên vay quá nhiều tiền và nhiều lần.
Học cách chi tiêu hợp lý bằng tiền mặt
Nên rút tiền mặt theo các khoản cần tiêu, số còn dư bạn sẽ kiểm soát được từng tờ ngay cả tiền lẻ.
Giảm lướt web vào thời gian rảnh
Cắt giảm thời gian lướt web trong ngày để nhìn ngắm các món đồ đang được sale hoặc giảm giá. Học cách chi tiêu theo nhu cầu thay vì sở thích sẽ giúp bạn cân bằng được cuộc sống của mình mà không tốn quá nhiều tiền vào các chi phí vô bổ không cần thiết.