'Nỗi buồn' di tích
Tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, Quảng Nam) nằm cách Trung tâm TP Tam Kỳ chừng 4km. Tưởng chừng 'bài toán địa lý' sẽ được hóa giải, đưa di tích trở thành một trong những địa điểm tham quan về những dấu vết lịch sử. Nhưng đâu đó, những vết tích thời gian đang từng ngày để lại khiến tháp Chăm Khương Mỹ vẫn phải nằm đó, chịu đựng những nỗi buồn tháng năm.
Di tích cổ kính hơn nghìn năm tuổi
Trái ngược với Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) với quần thể di tích được đông đảo người dân và du khách biết đến ở Quảng Nam, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn nằm ẩn mình bên cạnh Quốc lộ 1A đoạn qua TP Tam Kỳ. Di tích tháp cổ được xây dựng vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X và được công nhận là di tích quốc gia năm 1989. Tháp được xây dựng với cụm 3 tháp gồm: tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam và xếp theo trục Bắc - Nam.
Hơn nghìn năm tuổi, di tích tháp Chăm Khương Mỹ vẫn đứng hiên ngang với những hoa văn cổ kính vẫn tồn tại qua thời gian, qua bão bom đạn lửa của thời chiến. Để rồi sau này, tháp cổ được quy hoạch với tường rào bao quanh, khuôn viên với lối đi trải gạch và trồng hoa 2 bên đường. Bên trong khuôn viên tháp, được xây dựng một nhà trưng bày các di tích cổ, bên cạnh là nhà vệ sinh và phía trước là một nhà nhỏ dành cho bảo vệ. Nhìn chung, tháp đã đáp ứng được các yêu cầu trong việc trở thành một khu tham quan, du lịch.
Điều đặc biệt của tháp Chăm Khương Mỹ nằm ở chỗ, những tháp Chăm khác ở Quảng Nam như Chiên Đàn, Mỹ Sơn đều thờ cả ba vị thần của Bà la môn giáo Brahma, Vishnu, Shiva thì Khương Mỹ được xây dựng để thờ riêng thần Vishnu. Vishnu là một vị thần Bảo hộ, điều hiếm thấy trong việc xây dựng thờ cúng tại các đền tháp khác.
Cấu trúc của tháp Chăm Khương Mỹ được xây dựng độc đáo với phần mái tháp có 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng là chóp tháp được làm từ sa thạch và có cửa ra vào ở hướng Đông. Mỗi tháp có một cửa ra vào và 5 cửa giả, trên các cửa là các hình vòm cuốn có dáng vòng cung được trang trí hoa văn thảo mộc cách điệu. Trên đỉnh của mỗi vòm cuốn là một tổ hợp các cành lá hình bồ đề được uốn nắn.
Khác với các tháp Chăm từ Bình Định trở vào Nam, có dáng hình khỏe khoắn, mạnh mẽ, tháp Chăm Khương Mỹ được người xưa xây dựng với những hình tượng nhẹ nhàng, thanh mảnh, mềm mại. Qua hàng nghìn năm, tháp vẫn luôn “ôm” trong mình những giá trị lịch sử khiến các nhà nghiên cứu học luôn tò mò. Nhiều cuộc khảo cổ đã được tổ chức, nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng trong đó, chưa ai có thể trả lời được câu hỏi chính rằng người Chăm xưa đã xây dựng cụm tháp như thế nào?
Tháp Chăm Khương Mỹ cũng như bao tháp cổ khác, được xây dựng bề thế với những viên gạch được xếp chồng lên nhau và kết dính bằng một cách đặc biệt nào đó khi không sử dụng xi măng hay vôi. Ở tháp Chăm Khương Mỹ, những viên gạch cũng được đúc kết một cách đặc biệt với trọng lượng bằng 1,3 viên gạch bình thường hiện nay. Gạch có độ bền cao, chịu được va đập mạnh và hơn hết được thử nghiệm với độ thoát nước tốt hơn nhiều loại gạch khác. Với những điều bí ẩn về cách xây dựng của người xưa, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn tồn tại nhiều giá trị độc đáo.
Tuy các cổ vật quý hiếm đã được chuyển ra trưng bày tại bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng, nhưng nhiều điều bí ẩn nằm sâu trong tháp vẫn tiếp tục khiến giới nghiên cứu mê mẫn tìm tòi để giáp đáp những câu hỏi. Nhưng rồi chỉ dừng lại ở đó, nhiều năm trôi qua, các giá trị của tháp Chăm Khương Mỹ vẫn im lìm như cái cách tháp Chăm tuy nằm cạnh thành phố Tam Kỳ nhưng như đang dần bị lãng quên…
Di tích “cô đơn”
Nằm chỉ cách Trung tâm TP Tam Kỳ chỉ chừng 4km, nhưng tháp Chăm Khương Mỹ vẫn chịu cảnh lẻ loi ở bên rìa thành phố. Di tích không xô bồ, nhộn nhịp, chỉ có bóng dáng vài người dân xung quanh tháp qua lại. Người bảo vệ di tích cho biết, không quá 1.000 người/năm đến thăm di tích và chủ yếu là các đoàn các em học sinh đi theo diện do trường tổ chức. Ngoài ra, du khách tham quan tháp cũng chỉ lai vãng đâu đó vài người.
Hàng nghìn năm trôi qua, tháp Chăm Khương Mỹ vẫn đứng sừng sững trường tồn, ôm trọn những giá trị lịch sử như những mảng rêu phong và địa y bám đầy thành tháp cổ. Tuy được xây dựng kiên cố, chắc chắn, nhưng không thể khẳng định di tích mãi sẽ trường tồn cùng thời gian. Nhiều phần của di tích đã xuống cấp, những viên gạch với kết cấu bí ẩn của người xưa cũng dần được thay thế để đảm bảo an toàn cho di tích. Nhiều cuộc trùng tu đã được thực hiện, rồi lại rộ lên câu chuyện “muối hóa” di tích. Do vậy, việc bảo tồn di tích luôn là vấn đề lớn được đặt ra với những nhà chức trách.
Bên cạnh bài toán bảo tồn di tích, việc phát huy những giá trị văn hóa, giá trị lịch sử cũng chưa thể vẹn toàn. Bởi lẽ, tuy ẩn chứa những điều bí ẩn về một nền văn minh cổ, mang lại sức hút lớn cho giới nghiên cứu, nhưng những điều mà tháp Chăm Khương Mỹ đem lại cho những du khách tham quan, chưa thể đáp ứng đối với một thời đại mưu cầu sự giải trí cao.
Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương cho biết, nếu các sản phẩm được sáng tác theo nghệ thuật Java cổ. Thì các tác phẩm tại tháp Chăm Khương Mỹ đơn giản hơn về mật độ chi tiết nhân vật, phối cảnh. Tuy nhiên, tháp Chăm Khương Mỹ lại mở ra một “thế giới” mới với nghệ thuật điêu khắc kể chuyện của người xưa.
Những nét khắc trên tường đá thô cứng của người xưa, vẫn rất mềm mại và tỉ mỉ, đưa những giá trị lịch sử của văn hóa Chăm Pa cổ xưa mãi vẫn trường tồn với thời gian. Để rồi đến tận bây giờ, nhiều cuộc triển khai nghiên cứu, khai quật của di tích tháp Chăm Khương Mỹ (từ 1989 đến nay) vẫn đem lại nhiều giá trị, giải đáp cho nhiều câu hỏi của các nhà nghiên cứu. Tuy vậy, những điều mà di tích tháp Chăm Khương Mỹ đem lại, vẫn chỉ dừng lại ở giá trị khoa học, lịch sử, nên so với những di tích Chăm cổ khác, tháp vẫn còn “cô đơn”.
Một vị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ, dù tháp Khương Mỹ hay gần đó là Chiên Đàn, dù không gặp các vấn đề về địa lý, nhưng chưa thể tạo ra sự đột phá cho các di tích phía Nam.
Những câu chuyện xoay quanh việc bảo tồn di tích và phát huy những giá trị lịch sử là những vấn đề luôn được đặt ra không chỉ riêng của tháp Chăm Khương Mỹ. Nhưng xét về những giá trị thì mỗi di tích cổ xưa còn tồn tại, luôn cần những sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ, ẩn chứa trong đó là những câu chuyện về văn hóa, nghệ thuật… đang còn ẩn trong lòng tháp, vẫn luôn cần được giải đáp và truyền đến những thế hệ sau…
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/noi-buon-di-tich-696178.html