Nỗi buồn… giá thanh long cao
Thời điểm này, khi hàng mùa chưa dứt, hàng điện đang chớm sang, người trồng thanh long trong tỉnh lại lo nỗi lo không mới, lại băn khoăn tiến thoái không rành. Rằng có nên dốc sức, dồn tiền để chăm sóc cây, đánh đèn một chuyến, phục vụ hàng giáng sinh hay tết dương lịch không? Hay là để vườn thanh long đó, đi làm chuyện khác, kiếm thu nhập khác chắc ăn hơn, vì biết đâu đến lúc đó thanh long không được giá thì chắc chắn, nợ chồng thêm nợ… Sự lưỡng lự ấy là có nguyên nhân. Chuyện là mấy tháng qua, giá thanh long đứng ở mức cao, đều qua mốc 20.000 đồng/kg; đặc biệt dạo cuối tháng 9, đầu tháng 10 đã tăng lên mốc 30.000 đồng/kg. Nguyên nhân của giá cao như vậy là do ít hàng. Và nguyên nhân của ít hàng, không phải vì sâu bệnh… mà là các hộ dân không làm. Qua hỏi thăm các hộ dân trồng thanh long ở một số vùng chuyên canh thì họ cho biết như thế, vì biết thị trường Trung Quốc đóng cửa, vì sợ thêm rủi ro và còn vì không còn vốn đầu tư để tái sản xuất, sau cú sốc thị trường, do dịch Covid-19. Đó là một thực tế đã kéo dài cho đến nay. Hiện tại, chính xác là ngày 1/11, thanh long loại 1 có giá 23.000 đồng/kg, loại 2 là 22.000 đồng/kg, loại 3 là 21.000 đồng/kg… Với hàng mùa, mức giá này được xem là thiên đường của nhà nông. Nhưng cũng không đơn giản, vì quá trình tuyển lựa gay gắt như trái có nấm đồng tiền, bị xanh lem, mỏng tai, yếu tai, đỏ tai hay vàng tai đều bị loại.
Nỗi buồn… giá thanh long cao
Thu hoạch thanh long. Ảnh: N.Lân
Những ngày này, dạo qua các vùng chuyên canh thanh long, ngay cả những vùng có ưu thế là trồng sau, khí hậu thời tiết phù hợp, ít sâu bệnh như Tuy Phong, Bắc Bình, có nhiều vườn thanh long qua cảm nhận thấy rằng không được quan tâm chăm sóc. Vả lại, nhiều diện tích thanh long đã có nhiều năm tuổi, dễ bị dịch bệnh tấn công và lại không được chăm sóc liên tục nên cây càng khó có sức để tiếp tục cho một vụ mùa mới. Đó là lý do nữa khiến các hộ dân băn khoăn trước một mùa chong đèn mà những tín hiệu giá cao của hiện tại không nói lên được điều gì trong mùa vụ tới.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long, trong tháng 10, các thị trường xuất khẩu đã hoạt động bình thường trở lại rõ nét hơn so tháng 9. Một số doanh nghiệp chưa thực hiện được đơn hàng của các đối tác. Ở khía cạnh khác, thống kê từ Sở Công Thương cho thấy, tháng 10, các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều có kim ngạch tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng nông sản ước đạt 0,9 triệu USD, tăng 11,64% so tháng 9 và chính mặt hàng thanh long góp phần lớn vào kết quả trên. Đây là tín hiệu mọi hoạt động đang dần ổn định lại sau dịch bệnh, vì vậy các tổ chức tín dụng quan tâm trong xét cấp vốn và các hộ dân cần tính toán mùa vụ chong đèn thanh long, để vừa góp phần cung cấp hàng hóa, vừa vực dậy vườn thanh long sau thời gian “nghỉ ngơi” mà nguy cơ mất sức lại rất cao.
Hảo Chi