Nỗi buồn từ đề thi Văn

Chỉ cần một cái click chuột là sẽ có hàng ngàn bài văn mẫu đã giải sẵn trên mạng. Tất cả đều có nội dung liên quan đến các yêu cầu mà đề văn tốt nghiệp THPT 2022 đã nêu.

Tôi định không viết gì về chuyện đề thi môn Ngữ văn năm nay, nhưng rồi giáo viên và người quen biết cứ hỏi, cứ giục; đành nói đôi điều và chỉ là chuyện buồn.

Rất nhiều giáo viên và học sinh sung sướng, phấn khởi vì đã dạy và học ôn trúng tủ bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Tôi mừng cho giáo viên và học sinh mà thấy buồn đến tận xương tủy.

Thí sinh trao đổi lại bài thi. (Ảnh minh họa)

Thí sinh trao đổi lại bài thi. (Ảnh minh họa)

Nếu ta gõ vào Google mấy yêu cầu sau thì sẽ có rất nhiều kết quả, trong đó phần lớn là dàn ý soạn sẵn và các bài văn mẫu xoay quanh bài thơ Sóng và 3 khổ thơ đã nêu trong đề. Ví dụ: Phân tích bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có 176.671 kết quả; Cảm nhận về bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh: 21.581 kết quả; Cảm nhận về đoạn thơ: “Trước muôn trùng… còn thức”: 26.471 kết quả; Phân tích vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh có 66.874 kết quả...

Nghĩa là chỉ cần một cái click chuột là sẽ có hàng ngàn bài văn mẫu đã giải sẵn trên mạng. Tất cả đều có nội dung liên quan đến các yêu cầu mà đề văn đã nêu. Tất cả các nội dung ấy đều có thể chép lại để nộp và đều ổn. Đáp án thì mù mờ, chung chung, viết thế nào cũng được, cho bao nhiêu điểm cũng xong… Và nghĩa là các thầy cô giám khảo chỉ chấm lại chính văn của mình, của tác giả các bài văn mẫu trên mạng.

Thử hỏi có bao nhiêu học sinh thực sự nêu được cảm nhận và ý kiến của riêng mình về nội dung mà đề nêu lên? Mà không chỉ với bài thơ Sóng, tất cả các văn bản trong SGK đều đã được “băm vằm”, “mổ xẻ” rất kĩ, từ một câu đến một khổ, một chi tiết, một nhân vật, một đoạn hay cả bài… đều đã có lời giải sẵn. Lỗi không phải do văn mẫu. Có cầu thì sẽ có cung. Muốn triệt tiêu, hạn chế văn mẫu thì phải đổi mới ra đề; không hỏi lại các văn bản đã học, thay bằng ngữ liệu mới như định hướng chương trình 2018 đã nêu.

Có người cho rằng, đọc hiểu chỉ nên đặt ra với học sinh tiểu học, do vậy chỉ nên dạy và kiểm tra đọc hiểu ở tiểu học. Tôi không nghĩ thế. Các loại văn bản ngày càng đa dạng. Mức độ, yêu cầu đọc hiểu với mỗi đối tượng người đọc cũng rất khác nhau. Chỉ riêng với văn bản văn học, cách viết của các nhà văn rất phong phú và biến đổi liên tục. Thành tựu nghiên cứu cũng nêu lên nhiều cách đọc, cách tiếp nhận văn bản với các thể loại khác nhau.

Lại nữa, đọc 1 tác phẩm không giống đọc 1 tác giả; cách đọc một bài khác với cách đọc một tập… Cùng 1 bài thơ, câu thơ, mấy dòng trên faceboook hay một đoạn văn trong bài viết mà đôi khi người lớn, thậm chí với nhà này nhà nọ… còn hiểu khác nhau, huống nữa là với học sinh.

Không phải ngẫu nhiên đọc hiểu được coi là 1 trong 3 yêu cầu cần đánh giá mà OECD chủ trương thông qua Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) đối với tuổi 15. Mà họ cũng chỉ coi đó là trình độ đọc tối thiểu thôi (reading literacy). Vì thế ở cấp THPT các nước phát triển vẫn tiếp tục dạy đọc hiểu theo thể loại và kiểu văn bản…

Suy rộng ra, tôi nghĩ ngay cả những người làm chuyên môn, các GS.TS thật, vẫn còn phải tiếp tục học cách đọc, nhất là các văn bản văn học, nói gì đến học sinh.

Vấn đề là: Nên quan niệm đọc hiểu như thế nào cho đúng và đặc biệt là kiểm tra, đánh giá đọc hiểu sao cho phù hợp với mỗi đối tượng người học. Ví dụ, với học sinh tiểu học thì hỏi về đọc hiểu chỉ đơn giản, chỉ yêu cầu nắm được thông tin tường minh, hiển ngôn. Với học sinh trung học cơ sở thì nâng cao hơn yêu cầu đọc hiểu, cả về nội dung và hình thức; cả ý nghĩa tường minh và ý nghĩa còn chìm khuất trong văn bản. Đến THPT tiếp tục nâng cao các yêu cầu đọc hiểu hơn nữa…

Đọc hiểu là nền tảng để dạy cách cảm thụ, thưởng thức, nhận xét và đánh giá tác phẩm văn học. Những rung động thẩm mỹ tinh tế của người đọc cần dựa trên cơ sở hiểu biết có căn cứ… nếu không chỉ là “sự thích thú đau khổ”. Như thế, vấn đề là cần hiểu đúng về đọc hiểu; từ đó phân hóa, phân cấp được các yêu cầu đọc hiểu sao cho phù hợp, khoa học… chứ không phải là chỉ cần dạy và kiểm tra đọc hiểu ở tiểu học.

Quan trọng hơn nữa là cần biết cách nêu câu hỏi (yêu cầu) về đọc hiểu. Cách nêu câu hỏi sẽ quyết định chất lượng của đề văn. Với cấp học trên, nhất là thi tú tài, không nên hỏi vụn vặt, quá đơn giản, sơ sài, chỉ chép lại văn bản; những yêu cầu mà 1 học sinh tiểu học cũng làm được. Thậm chí hỏi những câu vô nghĩa, hỏi chẳng để làm gì, không đúng các yêu cầu của đọc hiểu văn bản, bỏ qua các đặc điểm thể loại…như thế thì phản tác dụng và chỉ thấy đọc hiểu là… buồn cười.

Rất tiếc là hiện nay cách hỏi trong các đề thi, kiểm tra từ địa phương đến Trung ương, ngay cả đề thi trong các kì thi quốc gia quan trọng nhất, loại câu hỏi đọc hiểu này còn khá phổ biến; cách ra đề nghị luận văn học thì vẫn chưa có gì đổi mới. Hiện trạng đó làm cho dư luận hiểu sai về yêu cầu đọc hiểu văn bản; giáo viên và học sinh giỏi chán nản vì bị cào bằng; việc dạy và học Ngữ văn nói chung và đọc hiểu nói riêng tiếp tục không đúng hướng… Đó cũng lại là một nỗi buồn khủng khiếp!./.

Đỗ Ngọc Thống

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/noi-buon-tu-de-thi-van-872889.vov