Nội các J. Biden và hình ảnh nước Mỹ dưới thời Obama
Nội các Joe Biden thiết lập có rất nhiều phụ nữ giữ các chức vụ quan trọng, điểm chung giữa họ là đã từng phục vụ dưới thời Obama!
Nội các tân Tổng thống Joe Biden cơ bản đã sắp xếp xong, một ê kíp không mới bao gồm nhiều nhân vật quen thuộc đã từng sát cánh Biden khi ông là phó Tổng thống dưới trướng B. Obama.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ có nữ tướng nắm lực lượng thống lĩnh lực lượng vũ trang mạnh nhất hành tinh - bà Michele Flournoy. Tuy là “phái yếu” nhưng chính sách của Michele không hề “mềm”.
Khi phục vụ chính quyền Obama với tư cách là cố vấn chính sách cho Bộ quốc phòng, bà Michele Flournoy là người đề xuất chính sách cứng rắn dẹp loạn ở Afghanistan, cũng là bà đã đề nghị tấn công Lybia!
Như vậy, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần này không phải là người có tư tưởng ôn hòa. Rất có thể các vấn đề ở Trung Đông sẽ được xới lên. Lầu Năm Góc sẽ trở lại với vị trí quyền lực vốn có đã bị mất hút khi ông Trump làm Tổng thống.
Obama đã từng thất bại ê chề ở Trung Đông khi điều quân đội tiêu diệt IS mà quên rằng IS chỉ là một hiện tượng của bất ổn - còn bản chất của vấn đề là xung đột sắc tộc tôn giáo, lợi ích và sự can dự quá sâu của phương Tây.
Ở mặt trận tài chính tiền tệ, thêm một phụ nữ được chọn ngồi vào ghế Bộ trưởng Tài chính - nếu đúng như nguồn tin riêng của Reuters thì Jannet Yellen sẽ là người phá vỡ rào cản giới tính suốt 231 năm trong lịch sử Mỹ để nắm tay hòm chìa khóa cho Chính phủ.
Bà Yellen từng là Chủ tịch FED dưới thời Obama, tuy vậy bà không phải là doanh nhân thường xuyên đụng chạm với thị trường, thay vào đó Yellen là người có thiên hướng nghiên cứu hàn lâm, thông thạo nhiều học thuyết kinh tế.
Tuy nhiên, việc chọn một cựu lãnh đạo FED làm Bộ trưởng Tài chính là một hàm ý, trước tiên đó là một hiện tượng phi truyền thống. Bản thân Yellen có mối quan hệ mật thiết với FED - tổ chức ngoài nội các, thường hục hặc với Tổng thống.
Hơn nữa, bà Yellen được lòng giới tài chính phố Wall và cộng đồng kinh tế, nhất là sau khi FED duy trì lãi suất gần mức 0 trong gần 10 năm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008.
Như vậy, đây là lựa chọn vô cùng khôn ngoan của J. Biden, trước tiên làm hài lòng giới nhà giàu và hợp ý “đồng chí” B. Obama. Sau đó là dung hòa được tất cả các yêu cầu của đảng Dân chủ và tiến tới tạo lập một liên minh ôn hòa trong Chính phủ.
Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, Cục tình báo Liên bang (CIA) do một bóng hồng lãnh đạo tối cao - bà Avril Haines - từng làm việc với ông Biden dưới thời Tổng thống Obama và là người dẫn dắt nhóm chuyển giao về chính sách ngoại giao, an ninh quốc gia của ông Biden.
Như thường lệ, người đứng đầu CIA luôn nắm quyền lực ngầm rất đáng lưu tâm, tổ chức này biết rất kỹ lai lịch của Tổng thống và thành viên nội các. Đây cũng là lựa chọn an toàn cho Biden khi bản thân gia đình ông đã gặp khá nhiều rắc rối vì đoạn Email tiết lộ công việc của con trai.
Mặc dù Joe Biden đã trả lời truyền thông rằng: “Chính quyền mới không phải nhiệm kỳ 3 của Obama”. Song, nhiều nhân vật cốt cán trong nội các đều ít nhiều chịu ảnh hưởng của đường lối Obama.
Trong lịch sử Mỹ, chỉ có Obama là “kẻ ngoại lệ” - thông thường các Tổng thống sẽ rút về ở ẩn sau khi rời khỏi Bạch Ốc, nhưng Obama đã chọn quan điểm can dự, mặc dù đã thất bại trong việc ủng hộ bà Hilary 4 năm trước, nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua Obama liên tiếp chống Trump để dọn đường cho đảng Dân chủ lên nắm quyền!
Dĩ nhiên, các vấn đề mà Obama đối mặt hoàn toàn khác hiện nay, nhưng về cơ bản đặc sắc chính trị của phe Dân chủ - trong đối nội lẫn đối ngoại là ưa thích dùng quyền lực nhà nước để kiểm soát kinh tế, xã hội; tác động ra bên ngoài bằng công cụ đa phương.
Như vậy, nước Mỹ sẽ trở lại với hình ảnh “người cầm quyền uy nghi” - đối lập với một nước Mỹ đầy “cá tính - ngẫu hứng” như Trump đã từng lèo lái.