Nội các mới, thách thức mới của ông Jokowi
Bất chấp sự đồng thuận nói chung về các vấn đề chính sách vốn là nền tảng cho việc nối lại quan hệ hữu nghị gần đây bên trong giới tinh hoa Jakarta, những đối nghịch giữa các phe phái báo trước sự rạn nứt trong liên minh cầm quyền của ông Jokowi. Đã có những dấu hiệu cho thấy các phe phái tự xác định vị thế trước khi cuộc bầu cử năm 2024 diễn ra.
Nội các mới được Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) bổ nhiệm có những tác động cả về kinh tế lẫn chính trị đối với Indonesia. Thành phần nội các nhấn mạnh tính liên tục trong các quan điểm kinh tế chiến lược của ông Jokowi và chỉ thể hiện những hình ảnh ngày càng phong phú liên quan đến các quan điểm đó.
Điểm đáng kể nhất của nội các mới là việc bổ nhiệm đối thủ trong cuộc tranh cử Tổng thống của ông Joko Widodo, đó là ông Prabowo Subianto làm Bộ trưởng Quốc phòng cũng như việc bổ nhiệm một bộ trưởng thứ hai thuộc đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) của ông Prabowo.
Nhiều nhà phân tích chính trị đặt câu hỏi: Liệu việc đưa ông Prabowo và đảng Phong trào Indonesia vĩ đại vào nội các có đồng nghĩa với việc sẽ có một phe đối lập kém hiệu quả hơn trong quốc hội hay không? Mối lo ngại này gia tăng bởi các tuyên bố ban đầu của đảng Dân chủ Indonesia rằng họ cũng sẽ ủng hộ chính quyền ông Widodo trong quốc hội, dù họ không có một vị bộ trưởng nào.
Tuy nhiên, việc đưa đảng Phong trào Indonesia vĩ đại vào chính phủ đang góp phần làm rõ thực tế này với công chúng - cụ thể là đã và đang không có phe đối lập thực sự trong chính phủ hiện tại. Các phương tiện truyền thông xã hội và các bài bình luận đa dạng bắt đầu đề cập nhiều hơn đến ý tưởng về một giới tinh hoa thống nhất và công khai hoặc ngầm khiến giới tinh hoa chống lại những thành phần khác. Trên phương tiện truyền thông xã hội, các nhóm ủng hộ bỏ phiếu trắng đã bắt đầu lan truyền các thông báo truyền đi chủ đề “Chọn ai cũng như nhau”.
Quan điểm cho rằng giới tinh hoa chính trị đều giống nhau được dựa trên thực tế rằng chỉ có đảng Công lý thịnh vượng Hồi giáo và đảng Ủy nhiệm quốc gia ít nhiều do Hồi giáo lãnh đạo hiện tạo nên phe đối lập trong Quốc hội, còn lại những người phát ngôn của đảng Dân chủ Indonesia đều tuyên bố sẽ ủng hộ ông Widodo. Nhìn vào thành phần nội các cũng có thể thấy giới tinh hoa thống nhất. Tất cả các chính đảng ủng hộ ông Widodo và giành được ghế trong Quốc hội đều có nhân sự trong các bộ.
Quân đội có 4 tướng đã nghỉ hưu được bổ nhiệm vào các bộ và 1 tướng Moeldoko, được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng của Tổng thống và 1 đại tướng cảnh sát được bổ nhiệm vào bộ. Giới kinh doanh cũng có đại diện là các nhân vật thuộc ngành tài nguyên thiên nhiên, người cấp cao nhất trong số này là Luhut Binsar Pandjaitan, giữ chức Bộ trưởng Điều phối tài nguyên và đầu tư. Một thế hệ doanh nhân trẻ cũng được mời vào nội các, đáng chú ý nhất là Erick Thohir, hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và đầu tư, và Nadiem Makarim, người sáng lập Gojek Indonesia.
Việc bổ nhiệm luật sư và chính khách Mahfud MD làm Bộ trưởng Chính trị, Luật và Nhân quyền ngoài việc mang lại cho ông này sự an ủi trước tin đồn được bổ nhiệm vào ghế Phó Tổng thống, cũng là để cho thấy trong chính quyền có đại diện của tầng lớp tri thức phi đảng phái hậu chính quyền mới.
Thế nhưng, nội các mới tuy bên ngoài được cho là thể hiện sự hợp nhất các thành phần tinh hoa, tuy nhiên những biểu hiện về cuộc cạnh tranh ý thức hệ trong nền chính trị Indonesia cũng đã le lói. Và chủ yếu đến từ bên ngoài các đảng chủ lưu cũng như có nguồn gốc sâu xa từ những vấn đề cố hữu.
Đầu tiên là do thách thức ý thức hệ từ các nhóm quân sự của Hồi giáo chính trị, liên quan đến đòi hỏi luật Hồi giáo phải có uy thế và các giáo sĩ có vai trò lãnh đạo thông qua đòi hỏi về một nhà nước Hồi giáo hoặc thậm chí là một vương quốc Hồi giáo. Các nhóm này bao gồm Liên minh 213, nhóm Hizb ut-Tahrir và cả một số đảng viên đảng Công lý thịnh vượng.
Các dòng Hồi giáo chính trị có những quan điểm này đã tồn tại ở Indonesia từ trước khi nước này giành độc lập. Việc bổ nhiệm trong nội các tân Bộ trưởng Tôn giáo là một tướng quân đội đã cho thấy Tổng thống ưu tiên đối phó với chủ nghĩa cực đoan. Tân Bộ trưởng Nội vụ, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Tito Karnavian cũng đã đưa ra những tuyên bố tương tự. Ông này cũng là cựu chỉ huy Biệt đội chống khủng bố Densus 88, đơn vị cảnh sát được giao nhiệm vụ truy lùng các nhóm thánh chiến.
Nguồn gốc thứ hai dẫn đến cuộc cạnh tranh ý thức hệ là những gì thể hiện trong các cuộc biểu tình của sinh viên vào tuần cuối tháng 9 và đều nhận được sự tán thành của các nhóm ủng hộ phong trào bỏ phiếu trắng và tạo ra một sự lựa chọn chính trị mới. Mặc dù chưa thể đưa ra kết luận gì về các phong trào sinh viên ở nhiều thành phố nhưng rõ ràng là ở một số thành phố, các nhóm đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức các cuộc biểu tình là các nhóm xã hội dân sự và các nhóm từng bỏ phiếu trắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Trong khi điều dẫn tới các cuộc biểu tình là việc Hạ viện thông qua dự luật làm suy yếu Ủy ban Xóa bỏ tham nhũng thì các cuộc biểu tình của sinh viên được thực hiện ít nhiều đồng đều khắp Indonesia lại đưa ra các yêu cầu khác. Những yêu cầu này bao gồm phản đối các luật xâm phạm đời sống tình dục riêng tư của người dân và luật làm tăng thêm quyền bắt giữ những người chỉ trích chính phủ. Họ cũng kêu gọi thông qua một đạo luật chống bạo hành gia đình và bạo lực tình dục mà Hạ viện đang do dự.
Họ phản đối Luật Lao động mới đe dọa giảm các khoản tiền thôi việc và điều này sẽ củng cố chính sách của chính phủ từ năm 2012 chấm dứt việc xét duyệt mức lương tối thiểu hằng năm... Những yêu cầu này thể hiện yếu tố cốt lõi của một cách tiếp cận chính trị rất khác với cách tiếp cận của chính phủ hiện tại hoặc bất kỳ đảng nào trong Hạ viện.
Đó là những thách thức không hề nhỏ đối với Tổng thống Joko Widodo và nội các mới của ông.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/noi-cac-moi-thach-thuc-moi-cua-ong-jokowi-574563/