Nơi cánh cửa không bao giờ khép...
Nói chuyện tệ nạn xã hội, hơn nữa lại là chuyện nghiện các chất ma túy vào dịp Tết thật không hợp cảnh. Nhưng nghĩ cho cùng thì cũng chẳng mấy thời điểm trong năm lòng người lại dễ mở, dễ bao dung và vị tha hơn lúc này...
Đồng chí Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La mở đầu câu chuyện với chúng tôi:
- Giáp Tết, nhiều gia đình lên thăm người thân đang cai nghiện tại cơ sở, nhưng cũng có trường hợp cả năm không có người thân thăm hỏi. Học viên đến nơi này với nhiều mặc cảm, khép nép, thu mình. Vì thế, công tác chuẩn bị Tết phải thật chu đáo, tránh để học viên có cảm giác “mất Tết”.
Ngày Tết, chúng tôi cũng tổ chức gói bánh chưng, bữa cơm tất niên và nhiều hoạt động vui chơi, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cho học viên. Chúng tôi phải cắt cử nhau quản lý, duy trì các hoạt động nên có những đồng chí nhiều năm liền lo Tết cho học viên mà không đón Tết cùng gia đình. Nhìn chung, những ngày này, cán bộ quản lý các cấp ở cơ sở đều vất vả hơn ngày thường do học viên cai nghiện nhớ nhà, nhớ người thân nên dễ nảy sinh tâm lý bất thường, hành động bột phát. Vậy nên, chúng tôi cứ đùa nhau “mong cho Tết ngắn thôi”.
Gần đến giờ ăn trưa, chúng tôi cùng các cán bộ đứng chờ học viên cai nghiện đi lao động trị liệu về. Mọi người xếp thành hai hàng ngay ngắn, đi lại trật tự. Từ xa, thấy cán bộ quản lý, ai cũng chào to: “Em chào thầy, cô!”. Trong hàng người xếp dài ấy có nhiều mái đầu bạc xen lẫn đầu xanh. Tò mò khi thấy có người lạ vào cơ sở, những bước chân của học viên dường như chậm hơn. “Mọi người tiếp tục di chuyển nhanh về nhà ăn”, tiếng hô của đồng chí Trịnh Kế Phúc, Trưởng phòng Quản lý học viên đã kéo Cà Văn Binh, sinh năm 1991 ở xã Pi Toong, huyện Mường La trở lại nhịp bước.
Nhiều năm trước, Binh đi làm ăn xa, nghe bạn bè rủ rê rồi cứ thế trượt dài với “cái chết trắng”. Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là Tết thứ hai, Binh đón Tết tại cơ sở. Ăn trưa xong, Binh lại cùng học viên buồng A7, khu học viên nam A dọn dẹp phòng, tỉa tót cây đào trước cửa, chuẩn bị mâm ngũ quả nho nhỏ để thắp hương những ngày Tết. “Bố mẹ tôi chia tay khi tôi còn nhỏ, từ đó chỉ còn 3 anh em bao bọc lẫn nhau. Nỗi nhớ nhà, nỗi lo cho người anh trai bị bệnh thần kinh đã khiến tôi càng quyết tâm để sang năm có thể trở về. Các thầy, cô đã dặn dò, càng nhớ nhà mình càng phải vững tinh thần. Tinh thần vững rồi thì làm gì cũng được” - Cà Văn Binh chia sẻ.
Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La gồm một điểm chính và hai điểm vệ tinh, tổng số gần 1.900 học viên. Sau thời gian cắt cơn, giải độc, học viên được tham gia lao động trị liệu, học chữ, học nghề. 27 năm công tác tại đây, bác sĩ Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Y tế - nơi đầu tiên tiếp nhận người nghiện, cảm thấy buồn vì lượng học viên "nhiều quá", người nghiện có độ tuổi ngày càng trẻ, trung bình 25-35 tuổi, nhiều trường hợp chỉ hơn 10 tuổi... Nguyên nhân cũng rất nhiều, nhưng phần lớn là do không nhận thức được tác hại của ma túy và không làm chủ được bản thân.
Việc cắt cơn tùy thuộc vào người nghiện sử dụng loại ma túy gì. Ma túy truyền thống thì phức tạp và biểu hiện nặng, ma túy tổng hợp thì cơn nhẹ hơn nhưng kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh. Bác sĩ Trần Mạnh Thắng và các đồng nghiệp phải làm việc 24/24 giờ, ngoài khám, chữa bệnh còn phải trực cấp cứu vì nhiều trường hợp nhiễm HIV/AIDS, viêm gan B, viêm gan C, lao, phổi... do tác hại của việc sử dụng ma túy.
Tiếp xúc hằng ngày và có thể nói là “cùng ăn, cùng ở” với học viên cai nghiện nên các cán bộ công tác tại đây đều có chung suy nghĩ, sự đồng cảm, chia sẻ với học viên không may bị nghiện ma túy. "Khi tỉnh táo, họ nhận ra lỗi lầm, rất quyết tâm sửa sai. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nhìn họ bằng ánh mắt, suy nghĩ thiếu thiện cảm. Đó là một nguyên nhân khiến người nghiện ma túy sau khi cai nghiện gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng, thậm chí tái nghiện... Đối với chúng tôi, cánh cửa tại các cơ sở điều trị cũng như "cánh cửa" tinh thần, trách nhiệm không bao giờ khép lại với những người muốn làm lại cuộc đời...", một cán bộ Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La chia sẻ.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-canh-cua-khong-bao-gio-khep-811846