Nội chiến Syria tác động thế nào đến các bên ở Trung Đông?

Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau gần một thập niên tạm lắng và khả năng sẽ tác động đến các nhân tố chính ở Trung Đông như Iran, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ,...

Nội chiến Syria nóng trở lại từ cuối tuần rồi khi một liên minh phiến quân mới bất ngờ phát động một cuộc tấn công lớn, giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở TP Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria.

Đến ngày 2-12, các phiến quân - gồm tổ chức Hay’et Tahrir al-Sham (HTS - có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda) cùng với các nhóm phiến quân ôn hòa được Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác hậu thuẫn - đã giành quyền kiểm soát TP Aleppo và một số khu vực khác.

 Phiến quân tiến vào miền bắc Syria hôm 1-12. Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau gần một thập niên tạm lắng. Ảnh: AFP

Phiến quân tiến vào miền bắc Syria hôm 1-12. Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau gần một thập niên tạm lắng. Ảnh: AFP

Tại sao phe nổi dậy Syria chọn tấn công thời điểm này?

Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc nội chiến Syria cách đây gần một thập niên, TP Aleppo bị chia cắt giữa khu vực do chính phủ kiểm soát và khu vực của phe nổi dậy. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của không quân Nga và nhóm vũ trang Hezbollah (Lebanon), chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có thể giành lại quyền kiểm soát toàn bộ TP vào cuối năm 2016.

Kể từ đó, nội chiến Syria gần như đóng băng, với việc phe nổi dậy bị cô lập chủ yếu tại tỉnh Idlib, giáp với tỉnh Aleppo.

Rõ ràng, giờ đây, phe nổi dậy đã tận dụng việc Israel làm suy yếu đáng kể “trục kháng chiến” của Iran, đặc biệt là Hezbollah. Với việc Hezbollah đang suy yếu và Nga bị phân tâm do cuộc chiến ở Ukraine, sự hỗ trợ dành cho chính quyền Syria trở nên mong manh hơn.

Theo chuyên gia, dù tình hình hiện tại không có nghĩa là Nga và Hezbollah sẽ ngưng giúp đỡ chính phủ ông Assad vì cả hai đều có lợi ích sâu sắc ở Syria, nhưng lực lượng của Nga và Hezbollah ở Syria hiện tại không mạnh mẽ như giai đoạn 2015-2016.

Ngày 2-12, khoảng 300 chiến binh Iraq được Iran hậu thuẫn đã vượt biên vào Syria để giúp chính phủ Syria chống lại quân nổi dậy.

Liệu phe nổi dậy có tiến xa hơn?

Giờ đây, tình hình đã thay đổi và Syria một lần nữa trở thành vùng chiến sự nóng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng chưa có gì chắc chắn về tiềm năng tiến công của phe nổi dậy, theo theo trang Council on Foreign Relations.

Cho đến nay, lực lượng nổi dậy đã giành quyền kiểm soát Aleppo và đang tiến về Hama và các thành phố khác.

Tại Aleppo, lực lượng chính phủ Syria đã rút lui nên việc các nhóm nổi dậy có thể củng cố chiến thắng hay không phụ thuộc vào phản ứng của chính quyền Syria, Nga, Hezbollah và bất kỳ nhóm nào khác mà Iran có thể triển khai để hỗ trợ chính phủ Syria.

Nga hiện đang tập trung toàn lực vào cuộc chiến tại Ukraine, nhưng vẫn duy trì lực lượng ở Syria, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công, cảnh sát quân sự và binh sĩ được triển khai tại khoảng 20 căn cứ.

Hỗ trợ quân sự chủ yếu của Nga dành cho chính quyền ông Assad trước đây là các cuộc ném bom vào khu vực của phe nổi dậy, trong khi Hezbollah hỗ trợ trên mặt đất. Nhiều khả năng Nga sẽ tiếp tục sử dụng căn cứ không quân Hmeimim ở phía tây bắc Syria để thực hiện chiến lược tương tự.

Tuy nhiên, chỉ riêng sức mạnh không quân có lẽ sẽ không đủ để đánh bại phe nổi dậy. Với việc lực lượng chính phủ không thể hoặc không sẵn sàng chiến đấu chống lại phe nổi dậy và Hezbollah không thể huy động lực lượng như trước, Nga có thể rơi vào tình thế khó khăn tại Syria.

 Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường một vụ tấn công ở TP Idlib, tỉnh Idlib (Syria) ngày 1-12. Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau gần một thập niên tạm lắng. Ảnh: REUTERS

Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường một vụ tấn công ở TP Idlib, tỉnh Idlib (Syria) ngày 1-12. Nội chiến Syria bùng phát mạnh trở lại sau gần một thập niên tạm lắng. Ảnh: REUTERS

Tác động của nội chiến Syria tới các nhân tố trong khu vực

Đối với Iran, ngay sau thông tin về tình hình nội chiến Syria, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã thay đổi lịch trình công du để bay đến thủ đô Damacus (Syria), gặp Tổng thống Assad - động thái cho thấy Tehran cực kỳ quan tâm đến tình hình Syria.

Iran đã đầu tư sâu vào Syria với hàng chục căn cứ quân sự và các cơ sở khác vì Damacus đóng vai trò quan trọng đối với sự hỗ trợ của Tehran dành cho Hezbollah, từ tuyến đường vận chuyển vũ khí, nơi sản xuất vũ khí, đến các trung tâm chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Vị thế chiến lược của Iran trong khu vực đang bị suy yếu, và cuộc tấn công của phe nổi dậy vào Aleppo làm tình thế thêm nguy cấp.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây đã tìm cách bình thường hóa quan hệ với Syria – một bước ngoặt lớn so với trước đây khi Ankara kêu gọi ông Assad từ chức và kiểm soát một phần lãnh thổ ở tây bắc Syria.

Nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận thấy có khả năng thay đổi chính trị tại Syria, Ankara có thể sẽ tăng cường hỗ trợ các nhóm Hồi giáo ở Syria tạo dựng vị thế. Điều này cũng có thể hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc quản lý các vấn đề liên quan người Kurd và thúc đẩy việc hồi hương những người tị nạn Syria đang cư trú tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Còn với Israel, việc phá vỡ liên minh Iran-Syria sẽ có lợi cho an ninh Tel Aviv vì điều đó làm suy yếu tuyến vận chuyển vũ khí cho Hezbollah. Tuy nhiên, một sự thay đổi lớn trong cục diện tại Syria, có thể tạo ra những thách thức mới, đặc biệt nếu các nhóm được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nổi lên nắm quyền.

Hiện tại, Mỹ duy trì khoảng 900 binh sĩ tại Syria, tập trung ở căn cứ al-Tanf, với nhiệm vụ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong việc kiềm chế tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Dù tình hình ở Syria có biến động, sứ mệnh của lực lượng Mỹ dường như không thay đổi. Tuy nhiên, sự gia tăng ảnh hưởng của các nhóm cực đoan trong cuộc nổi dậy có thể khiến nhiệm vụ kiềm chế IS trở nên cấp bách hơn.

Câu hỏi liệu lực lượng Mỹ có tiếp tục hiện diện tại Syria sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức ngày 20-1 vẫn còn bỏ ngỏ. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã hai lần tuyên bố rút quân nhưng cuối cùng quyết định giữ lại một phần lực lượng sau khi cân nhắc từ các cố vấn.

Phản ứng quốc tế đối với nội chiến Syria

Ngày 2-12, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian điện đàm với ông Assad, cam kết sẽ cung cấp “mọi sự hỗ trợ cần thiết” để chính phủ Syria đẩy lùi lực lượng nổi dậy.

Nga cũng tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ chính quyền ông Assad. "Chúng tôi sẽ đề ra các biện pháp nhằm ổn định tình hình ở Syria" - phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói về nội chiến Syria.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm cho biết Trung Quốc "rất quan ngại" trước tình hình căng thẳng ở Syria, nhấn mạnh rằng với tư cách là "người bạn" của Damascus, Bắc Kinh sẵn sàng thực hiện các bước tích cực để ngăn chặn tình hình leo thang.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan nói rằng những diễn biến tại Syria nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc chính phủ Syria hòa giải với người dân và phe phiến quân.

Ông Fidan nói thêm rằng Ankara sẵn sàng hỗ trợ các cuộc đối thoại nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải này.

Mỹ, quốc gia ủng hộ Israel và phe phái do người Kurd lãnh đạo ở Syria, được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), chưa công khai ủng hộ bất kỳ bên nào trong các cuộc đụng độ hiện nay.

"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Syria và kêu gọi tất cả các bên hạ nhiệt căng thẳng, bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng để ngăn chặn tình trạng di dời và gián đoạn việc tiếp cận nhân đạo" - theo tuyên bố chung của Mỹ, Pháp, Đức và Anh ngày 1-12.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/noi-chien-syria-tac-dong-the-nao-den-cac-ben-o-trung-dong-post822763.html