Nơi chốn con người
Một tay trùm làm hàng giả, hàng lậu ở An Giang vừa chi 20 tỷ đồng để 'điều chuyển' giám đốc Công an tỉnh này đi nơi khác cho chúng dễ bề làm ăn! Các 'bố già' mafia trên thế giới cài cắm, mua chuộc sử dụng 'cớm bẩn' trong đường dây không gì lạ. Nhưng việc tung cả triệu đô la (cho một đám cò cuốc) nhằm tìm cách thông qua quy trình tổ chức cán bộ để 'thuyên chuyển công tác' người đứng đầu lực lượng công an vốn là khắc tinh tội phạm, thì có lẽ lần đầu mới thấy.
Vô số góc độ để bình bàn về vụ này. Nhưng với tôi, đây là câu chuyện thú vị, nhìn dưới góc độ nơi chốn trong tâm lý và cảm xúc con người. Về những thứ thay đổi và không thể thay đổi. Tại thời điểm xã hội đang quá nhiều náo hoạt, hý lộng như giờ đây.
Các bài giảng về tội phạm học tới đây chắc phải bổ sung thêm. Chẳng hạn như vì sao tay trùm kia không chịu chuyển địa bàn hoạt động sang nơi khác như bao kẻ vẫn làm, mà cứ khư khư "ngồi" một chỗ dù đã có dấu hiệu bị điều tra? Do quá tin vào sức mạnh đồng tiền, hay chỉ gắn bó với một nơi chốn thân thuộc mà không thể dời chân? "Sự tráo trở của phương pháp" (tên một cuốn tiểu thuyết) ở đây là gì, cho dù là một thứ phương pháp dị thường?
Câu chuyện trên, dù không phổ quát, nhưng nói thêm một điều về thói quen con người luôn định vị một nơi chốn cho chính mình. Nơi chốn ấy, có thể là một vùng đất gắn bó, nhìn rộng ra có thể là một kiểu nhận thức, thói quen, một nghề nghiệp, một trường cảm xúc riêng... Sự mặc định về điều đó dường như khó thay đổi.
Trong "Trăm năm cô đơn" (Marquez), ngôi làng Macondo có lẽ sẽ chấm dứt lịch sử đau buồn của nó khi José Arcadio Buendia, người khai khẩn mảnh đất này muốn rời bỏ nơi chốn đó mà đi. Bởi "một khi chúng ta chưa có người thân chết để chôn dưới đất thì chúng ta vẫn cứ là những kẻ không quê hương bản quán". Nhưng rồi định mệnh đã trói buộc những con người trong dòng họ cô đơn đó ở lại.
Còn giờ đây, với "hộ chiếu vắc xin" trong tay, trước mắt là bầu trời đang dần mở cửa khi dịch bệnh có dấu hiệu vãn hồi, các công dân thế giới lại sắp sửa hành trình bay lượn của mình. Gần hai năm bị "giam cầm", vật vã chết sống với thứ virus corona độc địa hẳn không đủ sức làm thay đổi nhiều thói quen đã mặc định. Cho dù nơi chốn quen thuộc hơn cả của chúng ta giờ đây chính là không gian mạng xã hội, là thế giới số vô tận. Thật, ảo khó lường.
Ông Đại tá giám đốc Công an tỉnh An Giang mới 45 tuổi có bằng Tiến sĩ chuyên ngành và có cái tên rất lạ: Nơi - Đinh Văn Nơi. Ông hẳn cũng có nơi chốn của mình, tất nhiên. Đó là quê nhà Cần Thơ. Đó là mảnh đất ông đang nhiệt tâm tòng sự An Giang. Và một nơi chốn cao hơn thuộc về con người, với ông Nơi và những người đang giữ trọng trách như ông mà người dân có quyền đặt hy vọng, đó là tiếp tục công tâm, quyết liệt đấu tranh tiệt trừ tội phạm, bất kể áp lực nào.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-chon-con-nguoi-post1319841.tpo