Nỗi cô đơn của nam phạm nhân từng sa chân, bán ma túy
Bố mất vì bệnh tật, mẹ bỏ qua biên giới lấy chồng, Lục Văn Thành, SN 1989 ở thị trấn Trùng Khánh, Cao Bằng trở thành đứa trẻ mồ côi khi mới gần 10 tuổi. Sống dựa vào người thân, Thành cứ thế lớn lên như con thú hoang không người dạy bảo bởi chỗ ở của anh ta cũng không cố định hẳn bên nội hay bên ngoại. Chính vì thế mà việc anh ta đi bán lẻ ma túy cũng không được người nhà biết tới.
Tuổi thơ buồn tủi
Trò chuyện với chúng tôi, ban đầu Thành giữ thái độ dè dặt và có chút ngần ngại. Nhưng chỉ một lúc sau, anh ta đã có vẻ thoải mái hơn, nhất là khi nhắc về quãng thời gian trước khi bị bắt. Thành bảo đó là khoảng thời gian thoải mái nhất bởi vừa có tiền để tiêu xài vừa thích đi đâu thì đi không ai quản lý. “Trước đó thì cũng không ai quản lý tôi đâu nhưng khi ấy còn nhỏ, chưa kiếm được tiền để tiêu”, Thành kể.
Thành tự cho rằng mình lớn lên chẳng khác nào đứa trẻ mồ côi. Bố Thành là một người lao động bình thường, chân chất hiền lành, lấy sức khỏe làm vốn liếng để mưu sinh. Ngoài làm nương, làm rẫy ra, thời gian nông nhàn, ông lại cùng người trong khu sang Trung Quốc làm thuê. Thành bảo ngày đó còn nhỏ không để ý lắm, chỉ nghe nói bố sang đó đi trồng chuối và cũng đi cấy gặt, làm công việc nhà nông như ở nhà. Mẹ Thành cũng đi cùng với chồng, sang đó làm thuê. Những khi ấy, Thành được gửi cho ông bà, chú dì chăm sóc.
Nhắc lại ngày đó, Thành bảo ngày bé quá thì không nhớ lắm song cũng mơ hồ nhớ rằng, cũng có lần được bố mẹ cho sang bên đó sống cùng. Sau này phải đi học thì Thành không theo sang đó nữa. Thế nhưng cũng chỉ học đến lớp 4 là Thành nghỉ học. “Bố tôi mất vì bệnh tật, cũng không biết là bệnh gì. Tôi chỉ nhớ là bà bảo bố ốm mấy hôm rồi, một sáng mọi người gọi thì không tỉnh dậy nữa. Mẹ buồn chán nhưng vẫn sang Trung Quốc làm thuê, về ăn Tết một lần rồi không trở về nữa”, Thành kể.
Trở thành đứa trẻ “không cha, không mẹ”, Thành bỏ học ở nhà lông bông và giống như một đứa trẻ không người quản lý, Thành cứ đi về giữa các gia đình người thân hai bên nội ngoại. Vì không ở cố định tại nhà ai nên người thân của anh ta cũng không biết cháu mình đang làm gì. Theo lời Thành kể thì một phần vì các gia đình không sống cùng khu phố, điều kiện kinh tế cũng không dư dả, ngày thường còn phải lo kiếm sống nên chỉ biết qua những lần Thành xuất hiện. Thành bảo nhiều khi đi chơi lang thang, thấy đói bụng thì tạt vào nhà ai gần đó, có khi ăn xong lại sang nhà khác ngủ.
Hỏi Thành có người yêu chưa, nam phạm nhân này lặng im một lúc rồi thủng thẳng: “cũng vài lần thích thích nhưng các cô ấy không yêu đâu vì mình nghèo mà”.
Theo lời Thành kể thì khi đã lớn lên rồi, Thành có ý thức hơn về bản thân nên cũng không thường xuyên đến nhà người thân “xin ăn” như trước nữa. Thành cũng biết dọn dẹp nơi ở của mình cho dù căn nhà của bố mẹ đã cũ nát và chẳng mấy khi có người nào đặt chân đến ngoài anh ta. Thành bảo anh ta cũng từng có ý định kiếm một việc làm để có thu nhập chính đáng nhưng cuộc sống không đơn giản chỉ là bỏ sức lao động sẽ nhận được tiền công như suy nghĩ của anh ta. “Tôi cũng từng qua biên giới đi làm thuê, cũng từng là nhân viên chạy bàn ở nhà hàng, quán ăn nhưng thu nhập chẳng đủ sống nên tôi…”, Thành ngập ngừng kể.
Rồi Thành bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy khi giao du với mấy con nghiện. Anh ta bảo lúc đầu chỉ là mua giúp, sau này mới mua về bán lẻ và khi bị bắt thì Thành đã biết mua ma túy về chia lẻ bán cho con nghiện. Và bản án 15 năm tù là cái giá mà Thành phải trả cho việc làm phạm pháp của mình.
Đường về còn quá xa
Kể lại những ngày còn tự do, Thành bảo, anh ta từng qua Trung Quốc với mục đích vừa làm thuê kiếm tiền vừa tìm mẹ. Khi biết mẹ đã có chồng và không thể về với Thành được nữa vì còn vướng bận 2 đứa con nhỏ thì Thành quay về nước. Anh ta quyết định sẽ không sang đó làm thuê nữa và kể từ đó, hễ bạn bè rủ đi đâu là Thành đồng ý. Theo chân họ, Thành đã xuống Thái Nguyên làm thuê rồi dạt lên Lạng Sơn làm cửu vạn. Thành cũng từng có mặt ở Sa Pa và chính trong quãng thời gian ấy, Thành có thêm bạn là những người nghiện ma túy.
Thành bảo cuộc sống nay đây mai đó dạy cho anh ta khôn lên và biết lo cho bản thân hơn. Bằng chứng là ngày đầu Thành mua ma túy hộ bạn vì nể nhưng sau đó đã biết tìm chỗ mua giá thấp, bán giá cao để hưởng lợi. Và cao hơn nữa là việc anh ta đã rất tinh quái khi mua một cục về chia lẻ để bán, lấy lời chi tiêu cá nhân. Hỏi Thành có dùng ma túy lần nào không, không thử để biết nhỡ bị lừa thì sao, Thành cười bảo, không sợ vì toàn mối quen biết nên không sợ mua phải hàng giả. Vả lại hàng thật hay giả thì đã có bạn nghiện sử dụng đánh giá rồi, anh ta không muốn liều mình với cái thứ chết người đó. “Tôi không đủ can đảm để thử mặc dù cũng được bạn chèo kéo. Chỉ cần một lần chứng kiến cảnh họ lên cơn nghiện thôi cũng đủ ám ảnh rồi”, Thành tâm sự. Hỏi anh ta biết tác hại của ma túy như thế sao còn tiếp tay cho cái ác, nam thanh niên này im lặng một lúc rồi thành thực: “Tôi cũng muốn dừng lắm nhưng tôi sợ con nghiện gây khó dễ”.
Về trại giam Quyết Tiến cải tạo, Thành nằm trong số những phạm nhân trẻ nhưng có hoàn cảnh đặc biệt bởi từ ngày đi tù đến nay đã 5 năm rồi chưa một lần được người thân thăm gặp. Thành bảo, ngày đầu vào trại không dám nói chuyện với ai vì tự ti nhưng dần dần cũng được bạn tù quan tâm, giúp đỡ. Nhiều người còn chia sẻ với Thành những món đồ được người thân gửi tới. Thành bảo những khi ấy cũng tủi thân lắm nhưng cũng chỉ buồn một lúc lại cảm thấy bình thường vì chuyện đó đã quen rồi. “Em cải tạo ở đội khâu bóng, công việc cũng bình thường không nặng nhọc gì, mỗi tội là phải ngồi nhiều”, Thành kể.
Nam thanh niên này bộc bạch rằng, lúc đầu cũng khá ngạc nhiên về bản thân mình bởi từ bé đến giờ chưa biết thế nào là cây kim sợi chỉ. Lúc mới giao về đội, Thành lo lắm, cả đêm không ngủ được. Thành bảo, nhiều lúc cứ tần ngần, muốn xin cán bộ sang đội khác lao động, chẳng hạn như đội trồng rau hay quét dọn nhưng rồi vì sợ nên không dám nói ra suy nghĩ của mình. Tới khi bắt tay vào làm, mất vài buổi tay chân lóng ngóng vì chưa quen, đến lúc quen rồi, Thành lại thấy thích thú. Thành bảo nhiều lúc khâu những miếng da đen trắng vào nhau để hoàn thành một quả bóng, anh ta lại liên tưởng nó như những mảnh ghép tối sáng trong cuộc đời mình. Thành bảo nhiều lúc cứ suy nghĩ lẩn thẩn như thế và giờ đây chỉ có một mong muốn là cải tạo thật tốt để sớm trở về.
Nói về dự định của mình, nam phạm nhân này bảo sau này ra trại sẽ kiếm một công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe của mình. Nếu không được, Thành sẽ ở nhà lao động sản xuất và dẽ dành dụm tiền để vài năm đi thăm mẹ một lần.
Nói đến chuyện lập gia đình, Thành cười bẽn lẽn. Anh ta bảo từng có bạn gái nhưng chỉ yêu nhau được một thời gian thì cô người yêu đi lấy chồng vì bố mẹ không đồng ý. “Tuổi thanh xuân của em một phần bỏ phí vào những ngày lang thang rồi, phần nữa thì bỏ lại nơi trại giam này nên em không có dự định gì nhiều ngoài việc sau này có một việc làm để sống được. Còn chuyện hôn nhân, lấy ai hay không lấy thì cứ kệ thôi. Cái gì đến khắc nó đến”, Thành tâm sự.
Lần đầu tiên anh ta xưng em với chúng tôi một cách nhẹ nhàng như thể trong suy nghĩ của Thành đã biết chấp nhận rằng mọi chuyện không thể cưỡng cầu. Và hẳn là trong suy nghĩ của anh ta, cuộc đời sau này dù có thế nào chăng nữa thì chỉ có kiếm tiền một cách chính đáng sẽ không bao giờ phải hối tiếc.