Nổi cộm sai phạm trong việc sử dụng diện tích đất tại nhiều dự án
Vừa qua, các vấn đề bức xúc tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai tại nhiều địa phương, dự án. Nguyên nhân xuất phát do chủ đầu tư cố ý làm trái quy định và sự lỏng lẻo từ các cấp quản lý địa bàn.
Điển hình trong thời gian vừa qua là tỉnh Khánh Hòa với lợi thế về du lịch, đây luôn là “miếng bánh” béo bở đối với các doanh nghiệp BĐS khi thực hiện các dự án nghỉ dưỡng. Vậy nên chỉ cần có sự ưu ái là doanh nghiệp có thể dễ dàng “thâu tóm” lô đất rộng vài Hecta ngay cạnh những bãi biển xinh đẹp. Khoảng 5 năm đã thu hút hàng loạt các DA với số vốn đầu tư đăng ký ban đầu lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tại TP Cam Ranh, có nhiều doanh nghiệp được Thanh tra Chính phủ xếp vào diện được ưu đãi đầu tư xuất hiện vi phạm về chuyển đổi đất công sang mục khác. Điển hình trong đó là Dự án Khu thương mại dịch vụ và khách sạn Đông Hải, tại phường Cam Ranh, TP Cam Ranh; Chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đông Hải được cấp Giấy CNĐT lần đầu ngày 27/1/2014. Diện tích thuê đất là 8.852m2, hiện dự án vẫn đang triển khai chưa hoàn thiện. Diện tích đất thực hiện dự án và tài sản trên đất thuộc sở hữu nhà nước do Trung tâm Văn Hóa – Thể thao TP Cam Ranh quản lý.
Dự án bị TTCP chỉ rõ sai phạm khi UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn CĐT không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là vi phạm quy định tại Điều 54 Luật đầu tư 2005. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cho CĐT thuê đất thực hiện dự án trái với Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và không có trong Kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2025 của TP Cam Ranh là vi phạm pháp luật.
Tương tự một trường hợp khác là Dự án Trồng rừng, nuôi rong biển, kết hợp du lịch sinh thái đảo Hòn Rùa, tại đảo Hòn Rùa, TP Nha Trang; Chủ đầu tư: Công TNHH Dư lịch sinh thái Hòn Rùa. Giấy CNĐT lần đầu ngày 28/11/2013 có diện tích đất thuê 131.164m2.
Dự án vi phạm khi UBND tỉnh Khánh Hòa lựa chọn chủ đầu tư không thông qua đấu thầu dự án. Bên cạnh đó dự án thuê diện tích 14,175 ha và mặt nước, trong đó có đất, bãi đá, mặt nước biển liền kề với diện tích đảo Hòn Rùa khi chưa có sự chấp thuận của Bộ, ngành liên quan là vi phạm Luật đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013.
TTCP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi lại đất đã giao, cho thuê đối với các dự án trên. Ngoài ra, kiểm điểm các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hay tại một địa phương khác cũng rất “nổi tiếng” trong công tác quản lý đất đai như Bắc Giang cũng nổi cộm lên không ít các vi phạm về việc sở hữu diện tích đất làm dự án.
Kết luận Thanh tra số 2125/TB-TTCP do Thanh tra Chính phủ ban hành ngày 4/12/2020 về công tác quản lý, sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng của tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2006-2017 cũng chỉ rõ nhiều doanh nghiệp trong thời gian triển khai dự án cũng xuất hiện vi phạm về việc sở hữu diện tích đất.
Có thể kể đến như Công ty Phát triển hạ tầng KCN Bắc Giang cho các đơn vị thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc thuộc quy hoạch Trung tâm điều hành không phải là đất cho thuê, nhưng không thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích, cơ cấu sử dụng đất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, gồm Bưu điện tỉnh có 2.146m2; Ngân hàng NN&PTNT tỉnh có 2.956m2; Công an tỉnh có 3.510m2. Vi phạm quy định của Luật đất đai.
UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi 9.160m2 đất cho Công ty TNHH thương mại dịch vụ KK Bắc Giang thuê để thực hiện Dự án xây dựng chợ Hoàng Ninh là không phù hợp với Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1384/QĐ-BXD ngày 31/8/2004 của Bộ xây dựng mặc dù trên thực tế khu đất đã xây dựng các dãy nhà liền kề từ 4-6 tầng.
Hay tại dự án Khu đô thị phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; Khu đô thị An Huy thị trấn Cao Thượng, huyện Tân yên đã vi phạm điểm a, Khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 do UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận đầu tư Dự án khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đối mục đích sử dụng đất lúa tại 2 dự án trên.
Các dự án trên đề bị kiến nghị thu hồi hoặc kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Lấy đất lâm trường làm “của riêng”
Ngày 21/8/2020, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có đất nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su; Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại.
Ngày 22/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8752/VPCP-V.I về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan thực hiện Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP.
Cụ thể, phê duyệt quy hoạch dự án viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh Hằng vào diện tích 66,17ha đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (là đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho công ty được giữ lại sau cổ phần hóa), dự án không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hòa Bình.
Cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với diện tích 263,42ha chồng lấn lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và UBND các huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân nhận khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và TP Hòa Bình 280,94ha (tổng diện tích là 544,36ha), trái quy định tại Mục đ, Khoản 2, Điều 41, Nghị định số 181/NĐ-CP (Nhà nước không cấp GCNQSDĐ cho người nhận khoán đất trong các nông, lâm trường).
Quyết định cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ tại khu đất có diện tích 13.147,1m2 tại huyện Lương Sơn, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, Điều 48, Luật Đất đai năm 2003, Điều 43 và 63 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.
TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm, khuyết điểm thuộc phạm vi trách nhiệm nêu tại kết luận thanh tra; theo thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các quyết định thu hồi đất đối với các tập đoàn, tổng công ty trên địa bàn để cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án… đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; xử lý đối với các vi phạm, kiên quyết thu hồi đối với diện tích không đúng quy hoạch, sử dụng sai mục đích… chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, môi trường…
Cũng trong năm 2020, theo Báo cáo tổng kết của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN-MT), công tác thanh tra, kiểm tra về TN-MT đã được triển khai. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, đồng thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, kẽ hở của chính sách để sửa đổi, hoàn thiện.
Báo cáo tổng kết cho thấy, năm 2020, toàn ngành đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483ha đất và phối hợp với các lực lượng liên quan như cảnh sát môi trường... phát hiện xử lý gần 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với năm 2019), xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76,28 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn ngành đã kiến nghị thu hồi gần 22.550ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng.
Hải Đăng
Xem thêm: Lập Tổ công tác hỗ trợ triển khai Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành