Nơi cơn bão đi qua
Bão số 3, có tên quốc tế Yagi, là cơn bão có cường độ lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Những nơi cơn bão đi qua đã để lại hậu quả vô cùng nặng nề về người và tài sản. Những ánh mắt ngơ ngác, thất thần của người con mất mẹ, chồng mất vợ, cha mất con, những gia tài bao năm tích lũy bỗng biến mất chỉ sau một đêm. Còn nỗi đau nào hơn thế!
Những tiếng kêu từ vùng lụt
Hòa Bình là tỉnh miền núi nằm ở cửa ngõ Tây Bắc của Tổ quốc, tiếp giáp Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Tuy không phải là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 nhưng hoàn lưu bão gây ra sạt lở đồi núi, chia cắt giao thông, nước lũ dâng cao khiến nhiều địa phương bị cô lập, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiệt hại về tài sản, hoa màu thì có thể khắc phục trong ngày một, ngày hai, thiệt hại về người sẽ là nỗi đau dai dẳng với người ở lại. Còn nỗi đau nào lớn hơn mất mát người thân, mất đi người con, người cháu ruột thịt như trường hợp anh Xa Văn Sộm, sinh năm 1973, ở xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
Đêm 7/9, người dân xóm Chầm đang trong giấc ngủ bỗng nghe tiếng nổ chát chúa. Một lượng đất đá khổng lồ sau nhà bất ngờ ập xuống đã khiến 4 người trong một gia đình tại xóm Chầm tử vong. Nỗi đau đớn, xót xa, bàng hoàng xen lẫn sự lo lắng bao trùm bản nhỏ này. Người dân địa phương chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy.
Khu vực xảy ra sự cố sạt lở đất bị cô lập bởi dòng nước xiết, người trong bản không thể ra ngoài, người bên ngoài không thể tiếp cận để cứu hộ. 7 giờ ngày 8/9, chúng tôi xuất phát từ TP Hòa Bình nhưng phải đến 12g30 mới tiếp cận được nơi xảy ra vụ việc thương tâm tại xóm Chầm. Do mưa lớn kéo dài, đường tỉnh 433 xuất hiện hàng chục điểm sạt lở nghiêm trọng, nhiều cây đổ chắn ngang đường khiến giao thông ách tắc cục bộ. Ngầm tràn Suối Láo (xã Cao Sơn) và ngầm Chầm (xã Tân Minh) bị ngập sâu, phải hơn 9 giờ xe ô tô gầm cao mới có thể đi qua được ngầm Suối Láo. Các đoàn cứu nạn, cứu hộ của tỉnh Hòa Bình và huyện Đà Bắc xếp hàng dài hàng trăm mét đợi thông đường. Ở hiện trường, qua kết nối điện thoại, Chủ tịch UBND xã Tân Minh Quách Công Khang thông tin, lúc 5 giờ 10 phút các lực lượng đã giải cứu được ông Xa Văn Sộm, còn vợ là bà Xa Thị Xây, con gái Xa Thị Xuyến và 2 cháu ngoại của ông là Hà Hiểu Minh và Hà Hồng Diễm đến hơn 7 giờ mới tìm thấy thi thể.
Đi làm ở Hà Nội, nghe thông tin về bão số 3, lòng chị Hà Thị Lan như lửa đốt. Lo lắng ở quê xảy ra thiên tai, chị không thể nào chợp mắt. Hơn 3 giờ ngày 8/9, nhận tin dữ gia đình anh họ Xa Văn Sộm gặp tai ương, chị như ngất đi. Nhờ người quen chạy xe đưa về nhà từ tờ mờ sáng nhưng cũng phải đến gần 13 giờ chị mới về đến quê. "Nhà anh chị ấy xây cách xa taluy mà lại xảy ra cơ sự thế này. Giờ chị dâu và các cháu mất hết, anh Sộm sẽ sống làm sao!” - chị Lan khóc nghẹn.
Giữa trưa, mưa vẫn chưa ngớt, không khí tang thương bao trùm xóm Chầm. Hiện trường vụ sạt lở đất là một ngôi nhà xây bị sập đổ hoàn toàn, trôi xuống sát lề đường. Phía taluy sau ngôi nhà là vết sạt trượt khá rộng còn màu đỏ, vàng của đất đã "no nước”. Ở phía ngôi nhà xây đối diện là nhà của gia đình chị Xa Thị Tăm, em ruột ông Xa Văn Sộm. Từ sáng sớm, ông Sộm được lực lượng tại chỗ sơ cứu tại gia đình em gái. Chỉ sau một đêm, người đàn ông đột ngột mất đi những người thân, đôi mắt thất thần, khóc không nên lời. Nỗi đau tột cùng ập đến người đàn ông ở tuổi ngũ tuần này.
Nỗi đau của ông Sộm cùng là nỗi đau của những người dân ở bản Tày này. Nhiều đời sinh sống, chưa bao giờ họ phải chứng kiến nỗi mất mát lớn như vậy. Chị Xa Thị Tăm là người đầu tiên phát hiện vụ việc. Chưa hết bàng hoàng, chị nhớ lại: Lúc đấy khoảng 12 giờ đêm, tôi nghe tiếng gió thổi mạnh nên bật dậy chạy ra mở cửa. Khi đến cửa thì nghe tiếng nổ rầm và tiếng kêu cứu của anh Sộm. Tôi vội chạy gọi hàng xóm và báo cho trưởng xóm đến cứu.
Trưởng xóm Chầm Lường Văn Hoàn đã tri hô người dân đến giải cứu nhưng khi đó mất điện, trời mưa to, gió lớn nên rất khó khăn. Ông thông tin: Việc cứu nạn gặp nhiều khó khăn vì nhà bị sập hoàn toàn, nguy cơ tiếp tục sập xuống nguy hiểm cho người ứng cứu. Chúng tôi phải chặt cây làm chống, mượn kích ô tô để tiến hành giải cứu các nạn nhân. Từ trước đến nay, xóm chưa xảy ra sạt lở đất vào nhà dân, chủ yếu sạt lở taluy đường giao thông. Trước cơn bão số 3, xóm đã tuyên truyền, vận động hơn 20 hộ có nguy cơ sạt lở đất di dời đến nơi an toàn.
Đảm bảo an toàn cho hộ dân có nguy cơ sạt lở
Với địa hình đồi núi, nguy cơ sạt lở đất tại xóm Chầm cũng như nhiều xóm khác trên địa bàn xã Tân Minh thực sự đáng báo động. Gia đình anh Lường Văn Tuân cạnh nhà ông Sộm bày tỏ: Qua vụ sạt lở, gia đình tôi rất lo lắng. Phía sau nhà tôi cũng có một số điểm sạt lở. Mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ gia đình di dời đến nơi ở an toàn hơn.
Đồng chí Quách Công Khang cho biết: Trước cơn bão số 3, xã rà soát, thống kê trên địa bàn có 32 hộ trong vùng nguy cơ sạt lở cao và đã vận động hơn 150 hộ, trên 560 nhân khẩu về lánh nạn tại nhà người thân, nhà văn hóa xã, trường học. Đối với vụ sạt lở thương tâm, ngay khi nhận được tin báo, xã đã chỉ đạo xóm huy động lực lượng tại chỗ tới cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, huy động các lực lượng Công an, quân sự... ứng trực tại trụ sở UBND xã đến hiện trường. Tuy nhiên, quá trình di chuyển gặp nhiều khó khăn do mưa bão lớn, sạt lở đường, lực lượng phải đi bộ khoảng 5-6 km mới tới nơi. Theo UBND xã Tân Minh, ảnh hưởng cơn bão số 3, trên địa bàn xã đã sạt lở đất hơn 40 điểm thuộc đường tỉnh 433, đường liên xóm; sạt lở đất vào nhà, sập nhà bếp 25 nhà; thiệt hại trên 20 ha hoa màu, cây lâm nghiệp. Đồng chí Lường Văn Thi, Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc cho biết: Cơn bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề tại huyện. Trong đó, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường giao thông, đặc biệt là sạt lở vào hộ dân tại xóm Chầm, xã Tân Minh gây thương vong lớn. Trước mắt, huyện chỉ đạo xã, xóm huy động các lực lượng khắc phục hậu quả, lo hậu sự cho gia đình nạn nhân. Sắp tới, huyện sẽ kêu gọi, huy động sự đóng góp của nhà hảo tâm, doanh nghiệp hỗ trợ gia đình bị nạn tại xóm Chầm để ổn định cuộc sống.
Nơi cơn bão đi qua đã để lại hậu quả nặng nề về người và tài sản. Theo số liệu của cơ quan chức năng, tính đến ngày 10/9, toàn tỉnh Hòa Bình có 4 người chết, 1 người bị thương do bị sạt lở, vùi lấp đất tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc; 146 hộ/nhà bị ảnh hưởng; 1.228 hộ phải di dời đến nơi an toàn. Tổng diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp bị thiệt hại là 1.488,9 ha; sạt lở, sụt lún 11 điểm trên các tuyến giao thông ở các huyện; sạt lở taluy dương tại 7 vị trí với tổng khối lượng khoảng 2.800 m3 và sạt lở taluy âm tại 4 vị trí với chiều dài khoảng 26m trên các tuyến đường tỉnh... Cùng với cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình, lực lượng Công an toàn tỉnh đã nỗ lực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Qua đó xuất hiện nhiều hình ảnh đẹp người chiến sĩ Công an quả cảm, vì nước, vì dân, quên thân phục vụ.
Vượt dòng nước xiết cứu thai phụ
Đó là hình ảnh các chiến sỹ Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình dũng cảm, bất chấp nguy hiểm lao xuống dòng nước xiết cứu giúp vợ chồng người dân ở thôn Đồng Kẹ, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Câu chuyện xảy ra vào khoảng 22 giờ 30 phút ngày 7/9. Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, lưu lượng nước khu vực gầm thôn Đồng Kẹ dâng lên rất nhanh, chỉ sau ít phút đã cô lập hoàn toàn người dân Đồng Kẹ, trong đó có vợ chồng anh Nguyễn Văn Khang, sinh năm 1992 và chị Đinh Thị Trinh, sinh năm 1997.
Đang trong quá trình làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, giúp nhân dân di dời tài sản, tổ công tác Công an huyện Lương Sơn nghe tiếng kêu cứu thất thanh của người dân ngay tại khu vực gần ngầm thôn Đồng Kẹ, xã Cao Dương, huyện Lương Sơn. Sau khi tiếp cận hiện trường, tổ công tác xác định có cặp vợ chồng đang bị cô lập giữa dòng nước lũ chảy xiết, cách khu vực an toàn khoảng 200m. Đáng chú ý, người phụ nữ đang mang thai tháng thứ 6, nếu không triển khai ngay biện pháp giải cứu thì tính mạng có nguy cơ bị đe dọa. Ngay lập tức, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Dũng - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Lương Sơn phân công nhiệm vụ các đồng chí tổ công tác, đồng thời huy động lực lượng an ninh, trật tự tại cơ sở có mặt tại hiện trường để giải cứu. Quan sát hiện trường, tổ công tác nhận định, dòng nước lũ chảy xiết, cuộn đỏ dâng cao khiến việc tiếp cận khu vực nạn nhân gặp nạn rất khó khăn, chỉ sơ suất nhỏ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, đêm đã khuya, nước chảy xiết khiến địa chất bị đứt gãy, tổ công tác vừa khảo sát, nắm tình hình địa bàn, vừa sử dụng loa động viên người dân ổn định tinh thần. Ngay sau đó, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Dũng cùng 3 cán bộ, chiến sĩ dũng cảm lao xuống dòng nước xiết, sử dụng các trang thiết bị bảo hộ tiếp cận khu vực nạn nhân. Mặc cho cơ thể sây sát, đau nhức do va chạm các vật lạ và dòng nước xiết liên tục dồn về, các anh không nản chí. Tính mạng người dân đang bị đe dọa càng tiếp thêm sức mạnh cho các thành viên tổ công tác quyết tâm giải cứu thành công. Sau hơn 1 giờ nỗ lực cứu nạn, việc giải cứu đã hoàn thành và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng và nhân dân. Hành động dũng cảm, bất chấp nguy hiểm lao xuống dòng nước xiết cứu người của cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lương Sơn gây xúc động mạnh trong cộng đồng mạng và nhân dân địa phương.
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả do cơ bão gây ra, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình đã tập trung cao độ, không chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống bão, bố trí trực 100% quân số và có phương án bố trí các trang thiết bị sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đặc biệt, theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến của cơn bão, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với lực lượng quân đội, các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong công tác ứng phó với cơn bão. Bảo đảm nhân lực, trang thiết bị vật tư y tế phục vụ các hoạt động ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả do mưa bão khi có yêu cầu.
CSGT toàn tỉnh tập trung lực lượng, phương tiện để hướng dẫn, phân luồng, kiểm soát giao thông, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục chính, phối hợp tham mưu đề xuất cấm tàu thuyền di chuyển trên sông; tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, chốt chặn những vị trí, tuyến đường nguy hiểm bị ảnh hưởng bởi mưa bão, tuyệt đối không để người dân di chuyển qua các tuyến đường bị ngập lụt sâu, nước chảy xiết, sạt lở đất... Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, tham mưu, phối hợp cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng quân đội triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn, sơ tán, di dời người dân và phương tiện, tài sản, nhất là các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lồng bè, công trình xây dựng ven sông, trên lòng hồ thủy điện sông Đà...; sẵn sàng bố trí lực lượng, phương tiện, kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/noi-con-bao-di-qua-i744076/