Nơi còn lưu giữ 17 đạo sắc phong quý

vhds.baothanhhoa.vn

Đó là Đền thờ tướng quân Phan Độc Giác tại thôn Cẩm Tú (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn), người có công giúp nước, giúp dân chống lại giặc ngoại xâm, được người dân dựng thờ, tôn làm Thành hoàng làng. Năm 1993 đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Thời Lê, thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng được gọi là trại Hoàng Đường thuộc huyện Đông Sơn, Châu Ái, đến thờ Nguyễn Cẩm Tú thuộc tổng Thạch Khê, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Thần phả Phúc Thần trại Hoàng Đường, Độc Giác sinh ra tại quê ngoại là trại Hoàng Đường, thuở niên thiếu Phan Độc Giác có sức khỏe khác thường, văn tự tinh thông, võ nghệ siêu quần. Đặc biệt, trên đầu ông có một sừng thịt, tiếng nói như chuông. Trai tráng trại Hoàng Đường và lân cận tôn thờ và gọi là Thần tướng…

Bấy giờ, ngoài biên ải giặc Chiêm lăm le xâm lược nước ta, nhà vua sai sứ giả đi khắp nơi chọn tướng tài ra giúp nước, về đến Đông Sơn, quan huyện mật báo sứ thần đến trại Hoàng Đường triệu Phan Độc Giác về triều yết kiến.

Trong cuộc thi văn võ, ông tỏ ra là người lỗi lạc, tài giỏi. Vua tin dùng, trao cho ông một vạn quân, một thớt voi ra trận. Sau khi dẹp xong giặc, ông được nhà vua ban thưởng vàng, bạc mỗi thứ 1.000 cân và 1.000 quan tiền, phong ông làmThống đốc tướng quân và phong tước Hùng dũng Quận công…. Số tiền vàng, bạc vua ban ông phân phát và thưởng cho dân trại Hoàng Đường làm vốn mua ruộng, tu sửa nhà cửa.

Ông làm quan được 10 năm, rồi lại tiếp tục xông pha trận mạc. Ông mất ngày 10-3 âm lịch, nhớ công lao to lớn của ông, nhà vua phong ông là Vạn cổ phúc thần dữ đồng hưu, cho phép dân Hoàng Đường trại lập đền để thờ.

Trải qua các triều đại phong kiến, ông được vua ban 21 đạo sắc phong, hiện còn giữ được 17 đạo sắc phong, bao gồm: 1 đạo thời vua Lê Gia Tông, 1 đạo thời Vĩnh Khánh, 1 đạo thời Vĩnh Thịnh, 1 đạo thời Chính Hòa, 7 đạo thời Cảnh Hưng, 3 đạo thời vua Thiệu Trị, 1 đạo thời vua Tự Đức, 1 đạo thời vua Đồng Khánh, 1 đạo thời vua Duy Tân… cùng một số hiện vật quý khác.

Ông Lê Như Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn cho biết, trước sự xuống cấp của di tích, cuối năm 2019, xã có làm tờ trình về việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa đền thờ cụ Phan Độc Giác, với tổng vốn đầu tư 900 triệu đồng.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/diem-den-xu-thanh/noi-con-luu-giu-17-dao-sac-phong-quy/20005.htm