Nơi cuộc sống hồi sinh...
Tốt nghiệp ĐH với bao dự định, hoài bão cho một giai đoạn mới thì bất ngờ chàng trai Lại Huy Quốc ở Thái Bình phát hiện ra mình mắc căn bệnh về máu không thể chữa được. Cú sốc này càng khiến tình trạng bệnh của Quốc trở nên trầm trọng, anh nằm liệt giường suốt 3 tháng và tinh thần trở nên kiệt quệ.
Thời điểm ấy, anh chưa hề biết đến khái niệm bệnh Hemophilia (máu khó đông) là như thế nào nên vô cùng hoang mang khi thấy mình chảy máu khớp gối ròng ròng, không thể đi lại được. Lại thêm thông tin đây là bệnh mà mình phải chung sống cả đời, không thể khỏi được nên anh càng thấy bế tắc, mọi thứ đi vào ngõ cụt. Và thực tế lúc đó, dường như mọi cánh cửa đều đóng lại với anh: Bệnh tình thì nặng, đi xin việc thì không đâu nhận làm.
Thế rồi khi điều trị tại Viện Huyết học - truyền máu Trung ương, anh đã được GS-TS khoa học Đỗ Trung Phấn, khi đó là Viện trưởng đã nhận vào làm tình nguyện tại Trung tâm Hemophilia. Ở đây anh được điều trị miễn phí, đồng thời với chuyên ngành theo học tại Học viện Bưu chính Viễn thông, anh đã hỗ trợ các bác sĩ viết phần mềm quản lý và phân tích số liệu về tình hình người bệnh Hemophilia.
Được điều trị đầy đủ, sức khỏe anh dần dần hồi phục, sau hơn 1 năm anh có thể tự đi lại bình thường. Anh cũng được cung cấp các thông tin về bệnh, cách chăm sóc, sống chung với bệnh. Nỗi sợ hãi qua đi, niềm tin lại trở lại với anh.
Với anh, suốt 18 năm gắn bó với Trung tâm Hemophilia (từ năm 2001) đến nay khi đã ở tuổi 39, “nếu như chỉ nói lời cảm ơn với các bác sĩ thì thực sự không thể đủ”. Bởi vì nơi đây không chỉ chữa trị để anh có cuộc sống gần như bình thường, có sức khỏe tốt mà còn cho anh cơ hội làm việc đầu tiên cũng ở đây.
Sau khi sức khỏe tốt hơn, anh xin được việc và bắt đầu đi làm. Anh tranh thủ sắp xếp thời gian vừa điều trị, vừa đi làm. Với sự nỗ lực vươn lên cùng sự tuân thủ nghiêm ngặt liệu trình điều trị, anh Lại Huy Quốc đã có được những thành công nhất định trong công việc và cuộc sống. Anh trở thành một chuyên gia Marketing; đã từng làm ở nhiều Cty lớn và giữ những vị trí quan trọng như: Trưởng phòng Thương mại điện tử ở một số Cty lớn về máy tính. Bên cạnh đó, anh đã lập gia đình với một người phụ nữ luôn thấu hiểu, chia sẻ với bệnh của mình.
Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với 2 đứa con khỏe mạnh; một công việc và cuộc sống ổn định, vui vẻ. Đó là những thành quả của sự nỗ lực không ngừng với người bệnh Hemophilia như anh. Trong câu chuyện với các con, anh vẫn thường nhắc lại sự biết ơn các bác sỹ của Trung tâm Hemophilia-nơi khởi đầu cuộc sống của mình.
Anh Quốc cho rằng, với bệnh nhân Hemophilia, khi có đủ thông tin, người bệnh chỉ cần có ý thức trong điều trị và chăm sóc bản thân mình sẽ có cuộc sống bình thường. Với sự phát triển chung của y học, với những cố gắng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị, hỗ trợ người bệnh của các thầy thuốc thì người bệnh Hemophilia sẽ có cuộc sống tốt đẹp.
Nhớ lại ngày nhỏ anh thường xuyên bị chảy máu lâu cầm nhưng không biết lý do vì sao. Có những lần anh bị chảy máu ổ bụng, chảy máu dạ dày nhưng cũng chỉ được tiêm Vitamin K hoặc khi mất nhiều máu lắm mới được truyền máu. Không được điều trị đúng bệnh nên anh đã 2 lần suýt chết vào năm 9 tuổi và năm 11 tuổi. Lúc ấy thấy con lịm dần đi, hơi thở chỉ còn thoi thóp, mọi người trong gia đình chỉ biết chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng thật may mắn anh đã sống lại. Mãi đến năm 21 tuổi anh mới có cơ hội được biết bệnh của mình và điều trị.
Theo TS Nguyễn Thị Mai, GĐ Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương, bệnh máu khó đông là một bệnh chảy máu di truyền gây ra do giảm hoặc bất thường chức năng yếu tố VIII (Hemophilia A) hoặc yếu tố IX (Hemophilia B).
Đặc điểm nổi bật của bệnh là chảy máu khó cầm ở bất kì vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ. Chảy máu cơ khớp tái phát nhiều lần dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ. Chảy máu ở người bệnh Hemophilia cần được điều trị bằng bổ sung các yếu tố đông máu bị thiếu hụt càng sớm càng tốt để giảm thiểu các biến chứng lâu dài.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/noi-cuoc-song-hoi-sinh-159982.html