Nối dài mạch sống cho tranh Hàng Trống

Bằng đam mê, nỗ lực và tình yêu văn hóa dân gian, nhóm S-River đang nung nấu kế hoạch 'hồi sinh' tranh Hàng Trống qua dự án số hóa hoa văn, màu sắc cổ mang tên 'Họa Sắc Việt'. Trước nguy cơ thất truyền, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên cố giữ nghề xưa thì Họa Sắc Việt chính là ước mơ, khát vọng, cách tiếp cận mới của người trẻ trong việc duy trì, bảo tồn truyền thống, đặc biệt là tranh Hàng Trống – món ăn tinh thần một thời của người dân Bắc Bộ mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Dòng tranh hiếm hoi của bậc trí thức

Trong số các dòng tranh dân gian Việt Nam, chỉ có tranh Hàng Trống là dành cho các bậc trí thức, chủ yếu phục vụ đời sống ở kinh thành. Nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê lý giải: Thứ nhất tranh Hàng Trống thường đi kèm chữ Nho, chữ Hán - Nôm. Muốn xem và hiểu tranh Hàng Trống thì phải đọc được chữ Hán, thậm chí phải rất giỏi chữ Hán mới đọc được chữ Nôm. Rõ ràng phải là người có học, có tri thức thì mới hiểu tranh được. Thứ hai, mỗi bức tranh Hàng Trống đều có ít nhất 2 tầng văn hóa, hình tượng. Phải là người học rộng hiểu cao mới thấy được các tầng ý nghĩa trong tranh.

 Tranh Hương Chủ (giữa) và câu đối Phúc - Thọ (hai bên) (tranh dân gian Hàng Trống)

Tranh Hương Chủ (giữa) và câu đối Phúc - Thọ (hai bên) (tranh dân gian Hàng Trống)

Tranh Hàng Trống chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hóa, tôn giáo của vùng miền, dân tộc. Đây là kết quả của sự giao thoa văn hóa giữa Phật giáo, Nho giáo, loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa hàng ngày, cũng là sản phẩm của tài nghệ, lòng yêu nghệ thuật, sự thành tín của những con người đã tạo nên một dòng tranh dân gian mang đậm nét Thăng Long – Hà Nội.

Bộ Tứ bình của dòng tranh Hàng Trống

Bộ Tứ bình của dòng tranh Hàng Trống

Tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên trong lịch sử văn hóa Việt Nam vẽ đề tài đời sống xã hội mà những dòng tranh dân gian khác không có, cũng bởi thế mà nội dung tranh có đổi mới. Mang hơi thở của cuộc sống ở đầu thế kỷ XX, tranh Hàng Trống đã tạo được dấu ấn về sự tiến bộ của nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam.

Khác với tranh Đông Hồ hay Kim Hoàng, tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in trên ván nét đen lấy hình, còn màu là thuốc nước với các gam màu tươi sáng (chủ yếu là lam, hồng, da cam), tô bằng bút lông. Màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù so với các dòng tranh dân gian khác. Dù chỉ có sáu màu cơ bản nhưng có lẽ do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh cũng rực rỡ, phóng khoáng hơn hẳn.

Tranh Hàng Trống sử dụng giấy và màu ngoại nhập khổ rộng, sắc tươi. Có những bộ tranh khổ to và dài, thường bồi dày, hai đầu trên dưới lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị.

 Lý ngư vọng nguyệt

Lý ngư vọng nguyệt

Có tranh là thấy Tết

Gần như tất cả các dòng tranh dân gian ở Việt Nam, gồm tranh Hàng Trống, thường có hai loại: tranh thờ và tranh chúc tụng. Trong đó, tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh. Còn tranh chúc tụng mang thông điệp chúc năm mới phồn vinh, hạnh phúc, gia đình vui vẻ, quốc gia thịnh trị, dân cư no ấm nên được ưa chuộng nhất trong dịp Tết.

Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, chỉ trong dịp Tết thì việc in ấn, phát hành tranh mới trở nên rộng rãi, phổ biến trong quần chúng nhân dân. Xưa kia, các gia đình làm tranh ở vùng Thường Tín, Hà Đông, Sơn Tây... thường in tranh vào những tháng nông nhàn, tới Tết mới đem vào Hà Nội bán, tập trung chủ yếu ở chợ bán tranh Tết trên phố Hàng Trống. Vì lý do ấy mà tranh dân gian còn có tên gọi khác là tranh Tết.

Hai bộ tranh Tứ bình của dòng tranh Hàng Trống

Hai bộ tranh Tứ bình của dòng tranh Hàng Trống

Thời kỳ phát triển hoàng kim, tranh Hàng Trống còn là món ăn tinh thần của nhân dân đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán mỗi năm, thậm chí sức ảnh hưởng của nó còn lan rộng tới cả miền núi xa xôi, hẻo lánh.

Ông Khuê tâm sự, vì đây là dòng tranh của trí thức nên có những bức tranh càng ngắm càng thấy hay, có tranh còn khiến ông rưng rưng. Ông xúc động chia sẻ, khi xem tranh “Hương Chủ” (tranh trang hoàng, thờ cúng tổ tiên, thường thể hiện hầu như đầy đủ khung cảnh bàn thờ trong gia đình – pv), hai bên là hai chữ Phúc, Thọ, ông đã rơi nước mắt khi cảm nhận được tranh Hương Chủ là món quà xuân mà nghệ sĩ dân gian tặng cho người nghèo đón Tết. “Chỉ cần có bức tranh này thì gia đình cũng ấm cúng đón xuân rồi”, ông nhận định.

Tiếp nối truyền thống chứ không tiếc nuối quá khứ

Vốn quý giá và mang nhiều giá trị đẹp đẽ, nhân văn như vậy nhưng tranh Hàng Trống đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Nếu ở làng tranh dân gian Đông Hồ còn có vài ba gia đình còn giữ nghề thì với tranh Hàng Trống, còn sót lại duy nhất người nghệ nhân già Lê Đình Nghiên, cũng đã ở ngưỡng tuổi xế bóng.

 Phương pháp tạo hoa văn tranh Hàng Trống mới trên nền hoa văn cổ

Phương pháp tạo hoa văn tranh Hàng Trống mới trên nền hoa văn cổ

Lên ý tưởng kết hợp tranh Hàng Trống với thiết kế đồ họa vừa để bảo tồn, vừa tiếp tục duy trì những giá trị văn hóa truyền thống dưới một dạng thức khác trong đời sống đương đại, nhóm S-River gồm 10 thành viên trẻ, hầu hết là những người làm việc trong lĩnh vực thiết kế đã cùng nhau thực hiện dự án “Họa Sắc Việt” trong ngót nghét 5 năm trời. Đây là dự án đầu tiên cung cấp tư liệu về màu sắc, hoa văn tranh Hàng Trống đã được tổng hợp mã hóa sang dạng vector, có thể ứng dụng vào thiết kế hiện đại tại Việt Nam.

Nhà thiết kế Trịnh Thu Trang (sáng lập nhóm S-River, giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) chia sẻ, muốn tranh Hàng Trống không chỉ tồn tại dưới dạng tranh thờ, dùng trong ngày Tết mà sẽ biến đổi sang dạng thức mới đó là những họa tiết ứng dụng và có thể tiếp nối mạch sống nó từng có. “Tôi muốn tranh Hàng Trống được duy trì một cách tự nhiên bởi lòng yêu mến thực sự người ta dành cho nó chứ không phải vì sự tiếc nuối quá khứ”, chị Trang nói.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng mãi tới năm 2013, chị Trang mới có duyên tiếp xúc trực tiếp với tranh Hàng Trống trong một lần tình cờ gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên.

Những sản phẩm mẫu về việc sử dụng hoa văn tranh Hàng Trống trên các thiết kế mỹ thuật ứng dụng

Những sản phẩm mẫu về việc sử dụng hoa văn tranh Hàng Trống trên các thiết kế mỹ thuật ứng dụng

Ban đầu, chị sưu tập tranh Hàng Trống để tạo lập một kho tư liệu màu sắc, họa tiết phục vụ riêng cho công việc thiết kế của mình. Nhưng càng nghiên cứu, càng hiểu tranh Hàng Trống đẹp thế nào, chị càng đau đáu lo lắng một ngày dòng tranh này sẽ lụi tàn, rồi biến mất. Chị đã tìm cách giữ lại những giá trị truyền thống của tranh Hàng Trống nhưng chưa có phương án nào khả thi, mãi đến năm 2016, những ý tưởng sơ khai của Họa Sắc Việt bắt đầu được nhen nhúm hình thành.

Trang tâm sự, ngoài kho nguyên liệu hoa văn, màu sắc cổ, nhóm S-River còn muốn chia sẻ phương pháp thực hiện để mọi người tham khảo và có thể làm những nghiên cứu khác, giúp tạo cảm hứng cho những người làm nghề thiết kế. S-River cũng mong muốn nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng, có thể là việc mã hóa hoa văn, họa tiết ở các dòng tranh dân gian khác mà nhóm không có đủ điều kiện, thời gian để nghiên cứu.

Nhóm S-River khẳng định, họ không cố gắng bê nguyên truyền thống để đặt vào thực tại. Điều họ làm là chắt lọc chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của giới thiết kế đồ họa, nhà thiết kế thời trang, nội thất hay các nghệ sĩ khác.

 Mô hình mẫu cho thấy các hoa văn, màu sắc “bóc tách” từ tranh Hàng Trống là kho nguyên liệu phong phú để thiết kế các sản phẩm

Mô hình mẫu cho thấy các hoa văn, màu sắc “bóc tách” từ tranh Hàng Trống là kho nguyên liệu phong phú để thiết kế các sản phẩm

“Đó là cách chúng tôi làm để những giá trị dân gian xưa “sống lại”, để chúng không chỉ vĩnh viễn nằm yên trong các bảo tàng, mà ở bất cứ đâu trong đời sống người ta đều dễ dàng bắt gặp” – trưởng nhóm S-River tâm niệm.

Dù chưa thể khẳng định những dự án “hồi sinh” văn hóa dân gian thành công đến đâu nhưng sự nỗ lực, tâm huyết của người trẻ trong bảo tồn, tiếp nối giá trị truyền thống là điều đáng ghi nhận, khuyến khích và hoan nghênh. Dựa vào tính chất trang trí, thẩm mỹ để “kéo dài” đời sống của dòng tranh vốn chỉ “rộ” vào dịp Tết - gắn với thú chơi tranh của người xưa – mang lại cho nó những diện mạo mới, cách thể hiện mới, dự án Họa Sắc Việt của S-River đáng để mong chờ.

Minh Phương

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/van-hoa/nghe-thuat-sang-tac/noi-dai-mach-song-cho-tranh-hang-trong-33994