Nối dài những câu chuyện ấm áp nghĩa tình sau bão lũ
Mưa lũ kéo dài, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam vốn thiếu thốn lại càng trở nên khó khăn bội phần. Tuy nhiên, khi phát hiện trong các túi hàng cứu trợ có tiền, vàng, thay vì giữ lại làm tài sản riêng cho mình, họ đã tìm cách trả lại người để quên. Cứ thế, những con người tuy nghèo về vật chất nhưng đầy lòng tự trọng và tấm lòng lương thiện đã viết dài thêm câu chuyện nhân văn, ấm áp tình người…
Những con người ngay thẳng
Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị chia sẻ: Do ảnh hưởng của mưa bão nên cuộc sống của nhân dân trong địa bàn biên giới do đơn vị phụ trách vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, đồng bào Vân Kiều nơi đây tuy nghèo vật chất mà giàu lòng nhân ái và tự trọng. Điều ấy đã chứng tỏ qua những câu chuyện người dân phát hiện có tiền, vàng trong túi quần áo cứu trợ nhưng đã liên hệ với đồn Biên phòng, chính quyền địa phương để trả lại tài sản cho người bỏ quên. Điển hình như trường hợp ông Hồ A Tia là người Vân Kiều, trú tại bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa. Gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nên tháng 10-2020 được cứu trợ lương thực và quần áo cũ. Khi vợ chồng ông mang ra mặc thì phát hiện trong túi áo hàng cứu trợ có 10 triệu đồng. Hay trường hợp của ông Hồ Mới, ở thôn Ba Lòng, xã Ba Tầng cũng phát hiện trong số quần áo cũ được cho có 1 khuyên đeo tai bằng vàng. Không chút đắn đo, ông Hồ Mới đã thông báo với Đồn Biên phòng Ba Tầng để nhờ cán bộ Biên phòng tìm cách trả lại cho người để quên.
Câu chuyện phát hiện tiền, vàng trong đồ từ thiện không chỉ xảy ra ở xã Ba Tầng mà còn ở nhiều nơi khác. Như trường hợp gia đình ông Ăm Muôn (ở thôn A Sóc Lìa, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) phát hiện nhẫn và khuyên tai bằng vàng trong túi áo quần cũ do các đoàn cứu trợ mang tặng. Gia đình anh Hồ Văn Biên (thôn Tà Lang, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cũng tìm thấy trong túi quần cũ được đoàn cứu trợ tặng trước đó số tiền 3 triệu đồng. Bà Hồ Thị Tiêu (ở thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông) cũng phát hiện một chiếc nhẫn vàng gắn ngọc xanh trong quần áo cũ của đoàn thiện nguyện. Nếu là người tham lam, ông Hồ A Tia, Hồ Mới, Ăn Muôn, Hồ Văn Biên, bà Hồ Thị Tiêu hoàn toàn có thể im lặng, giữ số tiền, vàng đó cho gia đình. Nhưng tất cả đều không làm vậy mà họ mong muốn tìm được chủ nhân để trả lại.
Lấy tử tế để đáp lại tử tế
Ngày 3-11, UBND xã Ba Tầng đã tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng "Gương người tốt, việc tốt năm 2020" cho ông Hồ A Tia. Buổi tuyên dương tổ chức ở trụ sở UBND xã, với sự tham dự của đông đảo người dân và cán bộ địa phương. Đây không phải “phần quà” duy nhất để biểu dương “việc tử tế” ông Hồ A Tia đã làm. Qua kiểm tra, xã Ba Tầng xác định số quần áo ông A Tia được đoàn cứu trợ xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội) trao tặng nên tìm cách liên lạc. Sau đó, chính quyền xã Hát Môn đã tìm được người phụ nữ bỏ quên số tiền trên.
Lãnh đạo xã Hát Môn cho hay, chị này gửi tặng lại gia đình ông A Tia 2 triệu đồng và UBND xã Hát Môn gửi tặng thêm 8 triệu đồng để chia sẻ phần nào khó khăn của gia đình ông. Ông A Tia cho biết rất vui khi được mạnh thường quân và UBND xã Hát Môn gửi tặng 10 triệu đồng. Với số tiền này, vợ chồng ông mua cho mẹ già chiếc chăn bông, may cho con mỗi đứa một bộ quần áo mới và hai vợ chồng sẽ mua tôn về lợp lại mái nhà cũ để tránh mưa nắng. Số tiền còn lại dùng để phát triển kinh tế. Ông A Tia rất cảm ơn các mạnh thường quân đã giúp đỡ gia đình ông trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn này.
Sáng 2-11, hai học sinh lớp 5 của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Vĩnh Hà (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) là Hồ Thị Khuê và Hồ Thị Thanh Hoài đã phát hiện số tiền 5 triệu đồng trong túi áo khoác cũ của đoàn từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng. 2 em đã nhanh chóng mang tiền đến văn phòng nhà trường để nhờ liên hệ trả lại chủ nhân của tài sản trên. Được biết, Khuê và Hoài đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tuy nhiên, 2 em luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên trong học tập, 4 năm liền đều là học sinh giỏi. Đến chiều cùng ngày, thầy hiệu trưởng đã liên hệ được với đoàn từ thiện ở thành phố Hồ Chí Minh và truyền đạt lại nguyện vọng của các em. Cảm kích trước hành động đẹp của Hồ Thị Khuê và Hồ Thị Thanh Hoài, đoàn từ thiện đã tặng lại mỗi em 500.000 đồng. 4 triệu đồng còn lại, đoàn hỗ trợ nhà trường để mua dụng cụ học tập cho các học sinh khó khăn khác.
Anh Nguyễn Cao Tùng (ngụ xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) là cha của em Nguyễn Trần Sa Ny (5 tuổi) và Hồ Hà My (8 tuổi, con riêng của vợ) bị thương trong vụ sạt lở thương tâm ở thôn 1, xã Trà Leng. Khi ấy, anh Tùng đang đi làm công nhân ở xã Phước Hiệp (huyện Phước Sơn) thì nghe tin thôn 1, xã Trà Leng bị sạt lở, nhiều người mất tích. Nóng ruột, anh đi bộ, cắt rừng để về nhà. 3 giờ chiều ngày 30-10, khi gần về đến nhà thì anh nghe tin vợ con bị thương và được đưa xuống bệnh viện ở thành phố Tam Kỳ chữa trị. Nghe vậy, anh quay trở lại, tìm cách đón xe để tìm vợ con thì gặp 1 đoàn từ thiện. Khi biết hoàn cảnh của anh, mọi người đưa cho anh 1 triệu đồng, nhưng anh vừa khóc, vừa nói: “Em không nhận tiền, em chỉ cần xin xe đi thôi”. Đoàn từ thiện bảo anh đợi 30 phút, phát xong quà từ thiện sẽ cho đi nhờ về thành phố Tam Kỳ, thế nhưng, người đàn ông ấy đã không thể chờ đợi thêm nên tiếp tục đi bộ ra đường quốc lộ đi nhờ xe về thành phố Tam Kỳ.
Clip ghi lại cảnh anh Nguyễn Cao Tùng vừa khóc, vừa nói: “Em không nhận tiền, em chỉ cần xin xe đi thôi” được cộng đồng mạng chia sẻ lại rất nhiều. Từ đây, nhiều mạnh thường quân đã tìm đến tận nơi để giúp đỡ gia đình anh. Ngày 3-11, Câu lạc bộ Nhịp Sống Trẻ đã tìm đến Bệnh viện Tam Kỳ, thay mặt các nhà hảo tâm, gửi tặng gia đình anh 1 chiếc xe máy trị giá 21 triệu đồng. Sau những ngày tang thương, cuối cùng, nụ cười đã xuất hiện trên môi người con xã Trà Leng này.