Nối dài sức sống trăm năm nghệ thuật Đờn ca tài tử
Qua hơn một thế kỷ với bao thăng trầm lịch sử, Đờn ca tài tử đã và đang khẳng định vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Nổi bật trong dòng chảy văn hóa vùng đất phía Nam, loại hình nghệ thuật này đang đứng trước nhiều thách thức, cần phải được nhìn nhận lại một cách thấu đáo để không bị mai một theo thời gian.
Đẩy mạnh phong trào từ các câu lạc bộ
Trên địa bàn thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 200 câu lạc bộ Đờn ca tài tử đang hoạt động với trên 2.500 người tham gia ở hầu hết 24 quận, huyện, duy trì sinh hoạt và biểu diễn phục vụ nhân dân.
Theo thông lệ, vào ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Ngũ Cung của Trung tâm Văn hóa Quận 8 tổ chức sinh hoạt, giao lưu với khán giả bằng những bài tổ, ca cổ được yêu thích. Bà Thái Thị Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Ngũ Cung cho biết: Quận 8 hiện được xem là địa phương có hoạt động nghệ thuật đờn ca tài tử sôi nổi nhất của thành phố, tập hợp hầu hết những nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực này như Ba Tu, Tấn Nhì, Bạch Huệ,… Không chỉ là địa điểm để giao lưu, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa Quận 8 còn chú ý rèn luyện chuyên môn, hướng dẫn các thành viên ca cho chuẩn, đờn cho hay, đồng điệu để nâng cao chất lượng nghệ thuật.
Tương tự, mỗi dịp cuối tuần, nhóm bạn trẻ của Câu lạc bộ Giai điệu phương Nam đều có mặt tại Nhà văn hóa sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh ngồi quây quần cùng thầy để đờn hát, tập luyện những điệu lý, câu hò. Hết điệu Nam Ai rồi đến Xàng Xê, hết điệu Tây Thi sang Chiêu Quân,… Bạn Trần Phương Linh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, nhóm hoạt động đã hơn 7 năm, với hơn 30 thành viên là sinh viên đến từ các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn Thành phố. Bên cạnh việc giới thiệu bộ môn nghệ thuật này vào trường học, nhóm còn kết hợp tổ chức các buổi biểu diễn tại phố đi bộ Nguyễn Huệ để phổ biến và khơi gợi tình yêu nghệ thuật Đờn ca tài tử đến mọi lứa tuổi.
Nhằm lan tỏa phong trào luyện tập, duy trì loại hình Đờn ca tài tử, các địa phương ở Thành phố tăng cường tổ chức nhiều sân chơi, cuộc thi, liên quan đến môn nghệ thuật hơn 100 năm tuổi này. Cuối tháng 9 vừa qua, Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh đã tổ chức liên hoan Đờn ca Tài tử - Cải lương lần V năm 2020. Với hơn 200 nghệ nhân, 100 tiết mục của 20 câu lạc bộ Đờn ca tài tử đến từ các phường trên địa bàn quận, liên hoan đã mang đến một sức sống mới, hy vọng mới về phong trào Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố.
Với nhiều trích đoạn dự thi phong phú, đa dạng, các tiểu phẩm được đầu tư, dàn dựng nghiêm túc tạo sự hứng khởi cho thí sinh và khán giả tham dự. Qua 4 kỳ tổ chức thành công, liên hoan ngày càng nhận được sự chú ý của các câu lạc bộ và người dân trên địa bàn quận nói riêng và Thành phố nói chung. Từ đó có thể thấy bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử đang được gìn giữ và ngày càng phát triển, là lực lượng nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những câu lạc bộ Đờn ca tài tử trên địa bàn Thành phố dù đã tồn tại nhiều năm nhưng chủ yếu đều sinh hoạt theo lối tự phát, “chắp vá”, thiếu bài bản. Theo ông Phạm Thái Bình, Phòng Nghệ thuật dân gian, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng tham gia câu lạc bộ đờn ca tài tử ở các quận, huyện đông đảo nhưng số lượng người am tường cấu trúc bản nhạc tài tử không nhiều. Chủ yếu các nghệ nhân chỉ biết ca làn điệu vọng cổ thông qua hình thức truyền nghề mà chưa được đào tạo căn cơ, bài bản.
Từ thực tế tại địa phương, bà Thái Thị Hạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử Ngũ Cung cho biết, lực lượng trẻ kế thừa, thực hành các kỹ năng nghệ thuật Đờn ca tài tử còn hạn chế trong khi lực lượng nghệ nhân "lão làng" đang ngày càng mai một. Tương tự, theo các nghệ nhân, hiện số lượng các bài ca tài tử dành cho thế hệ trẻ đang rơi vào thực trạng khan hiếm, thay vì không có những sáng tác mới, các em phải chọn ca những bài, bản của người lớn già dặn, không hồn nhiên. Do đó, nhiều em học được nửa chừng thường dẫn đến tình trạng chán nản vì không theo kịp những bài ca có nội dung xa rời tâm lý lứa tuổi.
Tạo sức sống mới cho nghệ thuật Đờn ca tài tử
Trong những năm qua, các cơ quan quản lý của Thành phố Hồ Chí Minh luôn tích cực thực hiện các biện pháp nhằm bảo tồn, thúc đẩy hoạt động Đờn ca tài tử. Theo đó, Thành phố đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2018 - 2020”.
Ủy ban nhân dân Thành phố cũng chú trọng vấn đề phát huy các hình thức hoạt động và cách thức truyền nghề, thi đua sáng tạo, tranh tài nghệ thuật của loại hình này nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cho nghệ nhân, đồng thời sáng tạo ra các giá trị mới cho Đờn ca tài tử. Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, Sở đã ký kết với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh về biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp phát triển du lịch, trong đó có một số hoạt động trọng tâm như trình diễn nghệ thuật tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1), kết hợp giữa các đơn vị nghệ thuật công lập và các nghệ sĩ ngoài công lập, tổ chức các chuyến đi về nguồn cho nghệ nhân, nhạc sỹ nhằm mục tiêu giới thiệu, quảng bá, tuyên truyền về Đờn ca tài tử Nam bộ, góp phần nuôi dưỡng tình yêu, niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này đến nhiều đối tượng khán giả thuộc mọi tầng lớp xã hội, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Dưới góc độ chuyên môn, Tiến sỹ Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó trưởng khoa sau Đại học, Giảng viên trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc có những giải pháp phù hợp hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử trong cuộc sống hiện đại, giao lưu và hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay là cần thiết. Chính vì vậy, cần tăng cường truyền dạy, đào tạo để có lực lượng kế thừa và gìn giữ được tinh hoa của nghệ thuật Đờn ca tài tử. Đây là giải pháp quan trọng và tiên quyết trong bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật dân tộc.
Đồng quan điểm, nghệ sỹ ưu tú Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi tổ chức truyền dạy Đờn ca tài tử, cần khuyến khích hình thức kế thừa dân gian, có sự tham gia hỗ trợ, định hướng của ngành chức năng để Đờn ca tài tử được giữ gìn đúng cách. Ngoài việc dạy kỹ năng đờn và ca, hình thức kế thừa dân gian nên quan tâm giúp người học hiểu lịch sử hình thành và phát triển của Đờn ca tài tử, hoàn cảnh ra đời các điệu thức, tác giả bài bản Đờn ca tài tử…
Liên quan đến giải pháp tăng cường bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử, nhiều nhà nghiên cứu đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ những nghệ nhân ưu tú khó khăn, những nghệ nhân tham gia truyền dạy bài bản Đờn ca tài tử ở cộng đồng. Đồng thời, chú trọng việc biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử, tạo điểm nhấn trong hành trình của du khách về phương Nam. Song song đó, các địa phương, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch cũng cần có sự đầu tư bài bản hơn, chú ý tạo không gian trình diễn đờn ca tài tử phù hợp, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong lời giới thiệu, thuyết minh trong chương trình biểu diễn để du khách hiểu rõ hơn nét độc đáo, sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.