Nỗi đau án trong gia đình

Theo báo cáo của Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an năm 2019, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.200 vụ giết người. Trong đó, hơn 90% số vụ do các nguyên nhân xã hội và 18 - 20% số vụ là người thân trong gia đình sát hại nhau.

Báo động đỏ về đạo đức xã hội

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Giết người” liên quan đến 3 người con gái đốt nhà mẹ đẻ ở huyện Yên Mỹ. Sau sự việc, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa, bởi trước đó cũng có không ít vụ án đau lòng trong gia đình như vậy xảy ra.

Một phép thử trên thanh tìm kiếm của Google cho thấy với cụm từ “con giết mẹ” có 14.500.000 kết quả trong 0,44 giây; với cụm từ “con giết cha” cho 8.240.000 kết quả trong 0,41 giây và “con giết cha mẹ” cho 9.190.000 kết quả trong 0,35 giây. Những con số kinh hoàng đó khiến nhiều người cảm thấy bất an và là báo động đỏ về sự xuống cấp, băng hoại đạo đức, văn hóa ứng xử của một số người trong xã hội hiện nay.

Xét về góc độ tâm lý, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do sự kết nối bằng huyết thống và hôn nhân đã trở nên lỏng lẻo. Một số người đề cao cái tôi cá nhân hơn là nghĩ đến mối quan hệ chung giữa con người với nhau. Họ sống vì lợi ích cá nhân, đặt lợi ích bản thân lên trên hết, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh dẫn đến sự lạnh nhạt, vô trách nhiệm với nhau giữa các thành viên trong gia đình...

Trên một nền tảng như thế, nếu phát sinh va chạm, xích mích..., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, mâu thuẫn bất chấp việc gây tổn thương cho chính người thân và không quan tâm đến nỗi đau của người khác.

Làm gì để ngăn ngừa?

Trước thực tế trên, việc phòng ngừa các vụ án cần xem là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Cũng chính vì thế, các vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức làm người, giá trị gia đình, truyền thống hiếu hạnh của người Việt Nam đã được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4, ngày 8/11, tại phiên thảo luận ở hội trường quan tâm tới tình trạng phạm tội liên quan tới gia đình, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn cho rằng, thời gian qua, công tác phòng ngừa tội phạm từng bước được triển khai theo chiều sâu; hầu hết các loại tội phạm đều giảm. Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gây bức xúc trong dư luận xã hội tiếp tục có chiều hướng gia tăng, nổi lên là tội giết người.

Theo đó, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu ra 4 đề nghị. Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Công an đánh giá nguyên nhân dẫn đến gia tăng cả về số vụ và đối tượng giết người, nhất là các vụ việc mà nạn nhân là người thân trong gia đình, để có các biện pháp hữu hiệu hơn nữa trong đấu tranh phòng ngừa, đánh giá về chế tài xử phạt đối với tội giết người trong các quy định pháp luật hiện hành liệu đã đủ sức răn đe loại tội phạm nguy hiểm này hay chưa.

Thứ hai, Chính phủ cần có các biện pháp quyết liệt, căn cơ, phòng ngừa các loại tội phạm do nguyên nhân xã hội nói chung và nguyên nhân mâu thuẫn gia đình nói riêng; phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã chính quy trong việc đảm bảo an ninh, trật tự tại cơ sở; có biện pháp thống kê những đối tượng có nguy cơ phạm tội, những vụ việc tranh chấp đã được các tổ chức hòa giải tại cơ sở thực hiện hòa giải nhưng không thành.

Thứ ba, chỉ đạo các địa phương cần phát huy tối đa vai trò của các tổ chức hòa giải tại cơ sở, quan tâm giải quyết những mâu thuẫn nhỏ trong xã hội, kịp thời hòa giải ngay từ ban đầu để ngăn ngừa việc sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân và các nhà trường, các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao nhận thức cho các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, hội viên không chỉ về pháp luật mà còn định hướng về tu dưỡng đạo đức, nhân cách. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về pháp luật sâu rộng của người mỗi người dân, mỗi thành viên trong gia đình bằng nhiều hình thức. Đặc biệt là quan tâm hơn nữa công tác giáo dục con em, thế hệ trẻ coi trọng tình cảm gia đình, phát huy những truyền thống tốt đẹp, đạo đức, chuẩn mực của con người Việt Nam. Do đó, rất cần sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội để ngăn ngừa loại tội phạm nguy hiểm này.

Ở góc độ tâm lý, trước các vụ án trong gia đình, TS. Hoàng Trung Học - Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục đã từng phân tích: “Chúng ta không thể chọn được nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn được cách ứng xử trong các mối quan hệ ở nơi mình sinh ra”. Tri thức có thể học hỏi dần dần nhưng đạo đức con người phải được rèn giũa từ thuở lọt lòng, từ trong gia đình đến toàn xã hội. Do đó, nếu mỗi người có ý thức tự trang bị cho mình những kỹ năng mềm trong ứng xử và giải quyết xung đột, mâu thuẫn; toàn xã hội chung tay củng cố giá trị gia đình, đạo hiếu gắn chặt với các thiết chế pháp luật…, thì có thể tin rằng các vụ án đau lòng liên quan đến gia đình, tình thân sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/noi-dau-an-trong-gia-dinh-post458405.html