Nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai đối với gia đình nữ tiếp viên hàng không đưa ra cảnh báo đầu tiên ngày 11/9
'Mọi người sẽ gọi đó là một ngày kỷ niệm, một ngày tưởng nhớ', Harry Ong, anh trai của Betty Ong - người đầu tiên cảnh báo chính quyền về các vụ không tặc 11/9, nói. 'Đối với chúng tôi, đó chỉ là sự tiếp nối của 20 năm đau thương.'
Vào sáng 11/9/2021, Betty Ann Ong đang trên chuyến bay khởi hành từ Boston đến Los Angeles để gặp em gái mình trước khi bắt đầu một kỳ nghỉ ở Hawaii.
Nhưng chỉ vài phút ngắn ngủi sau khi cất cánh, năm tên không tặc đã chiếm quyền kiểm soát máy bay. Thay vì bay theo phía Tây Nam, chiếc Boeing 767 đã quay về hướng Thành phố New York.
Với 14 năm kinh nghiệm làm tiếp viên hàng không cho hãng American Airlines, Ong đã hành động theo bản năng khi cơn hỗn loạn xảy ra. Ở phía sau chuyến bay số hiệu 11, người phụ nữ 45 tuổi đã bí mật gọi điện cho nhân viên mặt đất tại Raleigh, Bắc Carolina, và mô tả tình hình lúc đó.
"Phi công trong buồng lái không trả lời," cô bình tĩnh nói. "Có người đã bị đâm trong khoang hạng thương gia và - tôi nghĩ rằng họ xịt hơi cay, chúng tôi không thở được. Tôi nghĩ chúng tôi đang bị không tặc."
Ong trở thành người đầu tiên cảnh báo cho các nhà chức trách về những sự kiện chết chóc sẽ xảy ra vào ngày hôm đó. Trong 20 phút tiếp theo, cô chuyển tiếp thông tin quan trọng về danh tính của những kẻ không tặc và chỉ đạo các kiểm soát viên không lưu cho hạ cánh mọi máy bay bay qua Hoa Kỳ.
Sau đó, đường dây điện thoại đột nhiên im lặng khi Chuyến bay 11 của American Airlines đâm vào tòa tháp phía Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới, toàn bộ 81 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Hai thập kỷ đã trôi qua kể từ khi xảy ra các vụ tấn công khiến gần 3.000 người thiệt mạng và gây rúng động toàn thế giới. Nhưng đối với gia đình Ong, đó là ngày 11/9 đau buồn và ám ảnh nhất.
Betty Ann Ong sinh năm 1956 tại San Francisco, là con út trong gia đình có 4 người con. Vì có nhiều hạn chế ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, gia đình Ong chủ yếu sống ở khu phố Tàu. Vì Betty khao khát được khám phá thế giới bên ngoài nên Harry đã định hướng em gái mình trở thành tiếp viên hàng không vào năm 1987.
Ong mô tả em gái của mình, người đã đính hôn vào thời điểm sự kiện 11/9 xảy ra, là "kẻ pha trò của gia đình", là nhân vật luôn khiến mọi người cười đến đau cả bụng. Nhưng Betty cũng có một tính cách mạnh mẽ khác thường.
Vào những năm 1980, Betty làm việc tại cửa hàng tạp hóa của bố mẹ cô ở Khu phố Tàu tại San Francisco, nơi đầy rẫy bạo lực giữa các băng đảng thời bấy giờ. Một ngày nọ, Harry nhớ lại, một nhóm côn đồ đã xông vào cửa hàng và yêu cầu Betty phải giao nộp tiền cho bọn họ. Tuy nhiên, cô yêu cầu họ rời đi trong cơn bực tức. Có người đã rút súng và chĩa vào cô. Cô không hề sợ hãi và nao núng, một lần nữa đề nghị nhóm cướp rời đi. Cuối cùng, họ đã nghe theo Betty.
“Cô ấy không chút sợ sệt nào,” Harry nhấn mạnh. "Tôi tin rằng đó là lý do tại sao Betty thực hiện cuộc gọi đó. Em tôi đã rất can đảm và bình tĩnh mặc dù em biết có người đã bị đâm và khí cay đang lan rộng trên khắp ca-bin."
Trong những năm qua, đã có rất nhiều nỗ lực để tôn vinh di sản của Betty Ong. Mười ngày sau vụ tấn công, Thị trưởng San Francisco Willie Brown tuyên bố 21/9/2001 là Ngày Betty Ann Ong. Năm năm sau, anh chị em nhà Ong thành lập Quỹ Betty Ong, nhằm ngăn chặn bệnh béo phì ở trẻ em và tài trợ cho một loạt các chương trình dành cho người cao tuổi và thanh thiếu niên ở Khu Phố Tàu của San Francisco.
“Các đồng nghiệp của Betty chia sẻ với chúng tôi rằng cô ấy luôn dành sự quan tâm nhiều hơn đến người già và trẻ em trên các chuyến bay,” Harry nói, “Vì vậy rất nhiều chương trình của chúng tôi hướng đến trẻ em và người cao tuổi.”
Một số bộ phim, bao gồm series tài liệu mới của Netflix về các cuộc tấn công và bộ phim đoạt giải Oscar 2013 "Zero Dark Thirty", đã sử dụng bản ghi âm cuộc gọi của Ong trong phân đoạn mở đầu.
Nhưng có lẽ sự cống hiến đáng chú ý nhất bắt nguồn từ một phong trào cấp cơ sở ở quê hương của Betty.
Linh mục Norman Fong, cựu giám đốc điều hành lâu năm của Trung tâm Phát triển Cộng đồng Phố Tàu ở San Francisco, cho biết rất ít phương tiện truyền thông đưa tin về hành động của Betty trong vài năm đầu sau sự kiện 11/9. Phải mất một thập kỷ để thành phố công nhận cô là một anh hùng địa phương.
Năm 2011, Fong dẫn đầu chiến dịch đổi tên Trung tâm Giải trí Trung Quốc mới được cải tạo theo tên của Betty. Là một trụ cột của Khu Phố Tàu từ năm 1951, tòa nhà đứng đằng sau các chương trình sau giờ học và các cơ sở thể thao cho trẻ em và người cao tuổi có thu nhập thấp. Fong yêu cầu gia đình Ong cùng kêu gọi sự ủng hộ của mọi người nhằm đệ đơn kiến nghị đổi tên tòa nhà. Trong vòng ba ngày, Harry Ong cho biết, gia đình đã huy động được hơn 3.000 chữ ký từ hàng xóm và các đồng nghiệp làm tiếp viên hàng không của Betty, kéo theo một cuộc bỏ phiếu của Ủy ban Công viên và Giải trí.
Trước lễ kỷ niệm 10 năm vụ tấn công, tòa nhà được biết đến với tên gọi Betty Ann Ong Rec Center - Trung tâm Giải trí Betty Ann Ong.
Malcolm Yeung, giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển Cộng đồng Phố Tàu. "Cộng đồng này có lịch sử lâu đời về việc góp phần xây dựng nên nước Mỹ. Betty là một phần của lịch sử này. Điều quan trọng phải tuyên dương những người anh hùng như Betty Ong không chỉ vì đây là dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của cô cũng như sự kiện Tháp Đôi, mà còn vì chúng ta đang ở giữa bối cảnh có quá nhiều thù ghét chống lại người châu Á ở đất nước này.”