Nỗi đau chung!

Sau 23 Chạp, trên mọi ngõ ngách của Hà Nội tràn ngập sắc xuân. Trái ngược với sự chộn rộn ngoài phố, ngoài làng, những nơi chúng tôi đến vẫn dàn dụa nước mắt… và trĩu nặng nỗi đau!

1.Đau đến câm lặng. Đó là những gì mà nhiều người đến viếng 3 liệt sỹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Nguyễn Công Huy, Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân vào ngày 16-1 tại Nhà tang lễ quốc gia chứng kiến khi gặp bà Lê Thị Bích (mẹ liệt sĩ Quân) - góa bụa từ năm 25 tuổi, bà Bích đã vò võ nuôi đứa con duy nhất mới lên 2. Quân là điểm tựa, là hy vọng để bà sống và bước tiếp khi người chồng yêu thương đã ra đi…

Khi Quân ngày một lớn khôn, đặc biệt là khi anh được rèn luyện, trưởng thành trong lực lượng CAND, tâm nguyện của bà gần như toại nguyện. Thế nhưng, vào ngày 9-1 định mệnh, Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân đã vĩnh viễn ra đi.

Thanh xuân của đồng chí Tiểu đội trưởng, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Thủ đô, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động khép lại ở tuổi 27. Còn mẹ anh – người đã dành cả thanh xuân, cả cuộc đời và đặt tất cả hy vọng vào anh thì đau xé lòng. Nỗi đau của bà hóa câm lặng vì thế.

Chúng tôi đến nhà bà Bích sau ngày ông Công, ông Táo về trời. Không chỉ trên phố, trong con ngõ 279 Đội Cấn, mà tận trong các ngóc ngách nhỏ, đâu đâu cũng ngập tràn không khí xuân. Còn trong căn nhà nhỏ của mẹ con bà, bước qua cánh cửa là bàn thờ ngập màu hoa trắng. Đứng trước di ảnh Quân, lặng người trước đồng chí Thượng úy Cảnh sát trẻ măng có khuôn mặt sáng ngời và nhìn mẹ, chúng tôi không cầm được nước mắt.

Năm nay, 58 tuổi, lẽ thông thường giờ này bà cũng đang rộn ràng sắm Tết như bao gia đình khác. Rồi mừng vui khấp khởi khi con tranh thủ ngoài ca trực về đón Tết cùng. Rồi thúc giục con khoe người yêu, cưới vợ… Thế mà lúc này đây, bà ngồi thẫn thờ không cất nên lời, trĩu nặng nỗi thương nhớ con. Chị đau đến mức không nói được nên lời. Rồi khi được gợi mở, nước mắt người mẹ ấy tuôn rơi xối xả. Ngôi nhà nhỏ trong ngõ nhỏ, ngách nhỏ, giờ đây chỉ còn hiu hắt bóng người mẹ đã bước sang tuổi xế chiều…

2.Bên cạnh bàn thờ Đại úy Nguyễn Công Huy, có 3 bộ quần áo. Trên cùng là bộ trang phục Cảnh sát nhân dân thu đông. Thứ đến là bộ lễ phục CAND. Và cuối cùng là bộ trang phục của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH). Bộ trang phục Cảnh sát nhân dân vẫn còn nguyên mùi mồ hôi của anh Huy. Bởi mẹ anh nói, Huy mặc bộ này lần cuối trước lúc đến đơn vị nhận nhiệm vụ.

Khi Huy mất đi, bố mẹ và cả vợ anh thống nhất không giặt. Họ cùng muốn lưu lại những gì còn là của Huy. Bộ lễ phục CAND thì còn mới nguyên, trên ngực áo vẫn còn đính tờ giấy ghi tên tuổi, số đo… Em Đỗ Như Quỳnh – vợ anh Huy tâm sự, “khi mang bộ lễ phục này về, anh ấy bảo, không biết đến bao giờ được mặc. Nay thì anh ấy mặc lễ phục rồi, đó là bộ lễ phục do đơn vị chuẩn bị và mọi người được nhìn thấy trong lễ truy điệu…”.

Ngoài 3 bộ quân phục gắn với những chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH, gia đình anh Huy còn đặt bên cạnh chiếc mũ kê pi, giày, tất và cả chiếc điện thoại iPhone mà anh thường sử dụng. Nhìn những quân trang bên bàn thờ của liệt sỹ Huy, chúng tôi – Những người đồng đội của anh chỉ biết cúi đầu.

Sinh ra và lớn lên ở ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Huy học giỏi Toán, Lý, Hóa và thi vào Trường Đại học PCCC vì yêu nghề chống giặc lửa. Bố anh – Người hằng ngày cùng vợ bán hàng tạp hóa tại cửa hàng nhỏ của gia đình trong ngõ chia sẻ rằng, ông yêu và tự hào vô cùng khi thấy con trai mặc trên mình bộ quân phục.

Còn vợ Huy thì cho biết, chồng mình đã mặc quân phục khi họ chụp ảnh cưới. Ngày Huy ra đi, bức ảnh chú rể trong trang phục Cảnh sát cùng cô dâu mặc áo dài đã gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Bức ảnh được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội bởi nó cho thấy hình ảnh cặp vợ chồng trẻ thật đẹp đôi, dung dị và vô cùng hạnh phúc. Giờ đây, nhìn Quỳnh nước mắt lã chã cúi nhìn cô con gái 6 tháng tuổi đang ngủ ngon trong lòng, chúng tôi thật khó nói nên lời.

3.Mẹ Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô năm nay 74 tuổi. Ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà nằm sâu trong làng Vàng 3, xã Cổ Bi, Gia Lâm. Cây bưởi, cây mít ngoài vườn lúc lỉu quả. Chúng tôi đến khi bà đang cúng cơm trưa cho con trai…

Bà chia sẻ, anh Thịnh là con trai cả trong gia đình có 4 anh em. Do đơn vị đóng quân ở Sóc Sơn, nên anh cùng vợ con có một ngôi nhà nhỏ gần đây để tiện công tác và học tập và nay, vợ con anh đã về trên đấy. Anh Thịnh đã có kế hoạch sẽ về quê sửa nhà, khi các con học hết phổ thông, vợ chồng anh sẽ về quê cho để sớm khuya bên mẹ. Thế mà…

Tại đây, chúng tôi đã gặp đồng chí Thượng tá Phùng Toàn Thắng - Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc, Bộ Tư lệnh CSCĐ. Hóa ra, đồng chí Thắng là em rể anh Thịnh. Trước đây họ vốn dĩ họ là những người bạn cùng một ngày nhập trường, cùng gắn bó với nhau trong suốt quá trình rèn luyện trên thao trường và có một thời gian dài cùng đơn vị.

Mẹ anh Thịnh chia sẻ, vì là bạn nên hay đến nhà chơi và đồng chí Thắng đã tìm hiểu một trong hai cô em gái sinh đôi của anh Thịnh. Thế là, từ hai người bạn, người đồng chí, họ lại là người cùng một nhà.

Theo đồng chí Thắng, trong ngày 9-1, anh và anh Thịnh đều có mặt tại Đồng Tâm. Mỗi người chỉ huy một mũi công tác. Từ người lính, đến người chỉ huy cao nhất, mỗi khi làm nhiệm vụ đều đặt lên vai mình trách nhiệm cao nhất.

Khi anh Thịnh ngã xuống, anh nén nỗi đau cùng đồng đội tiếp tục làm nhiệm vụ. Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Thắng cho biết, anh đang nấu cho bà nồi thịt đông để hằng ngày bà cúng cơm cho anh Thịnh. Còn anh, anh về Quảng Ninh – nơi đơn vị đóng quân để lo Tết cho anh em cán bộ, chiến sỹ.

4. Máu người chiến sỹ đổ trong thời bình là điều vô cùng đau xót. Đến thăm người thân của các anh vào những ngày khi đất trời thấm đẫm hương xuân, lòng người tràn ngập hương vị Tết, chúng tôi càng thấm thía nỗi đau xé lòng của những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ… Như Quỳnh - 25 tuổi, vợ liệt sỹ Huy rơi nước mắt khi nói rằng, mẹ liệt sỹ Quân đã ôm cô thật lâu tại lễ truy điệu ngày 16-1 và bảo rằng, “cô góa bụa ở tuổi 25, sao giờ này cháu cũng thế…”.

Quỳnh xin địa chỉ nhà mẹ liệt sỹ Quân và nói, “em sẽ sớm đến thăm cô”. Những liệt sỹ 9X, ra đi đang giữa thanh xuân, người để lại vợ trẻ, con thơ, người để lại mẹ già cô quạnh… Nhà nước đã tôn vinh các anh bằng những tấm Huy chương cao quý, lực lượng Công an đã tiễn đưa các anh bằng lễ tang trọng thể và lòng khâm phục tinh thần chiến đấu, hy sinh ngăn chặn cái ác, nhân dân mãi ghi công các anh… Còn gia đình các anh, vĩnh viễn mất đi người thân yêu nhất.

Tết Canh Tý này, trong ngôi nhà nhỏ, ở trong ngõ nhỏ, ngách nhỏ giữa lòng Thủ đô Hà Nội, mẹ liệt sỹ Quân lặng lẽ cúng cơm cho con trên chiếc bàn thờ toàn hoa trắng… Tôi lặng người khi hình dung ra hình ảnh này, và nhủ không biết khoảng trống đó bao giờ mới lấp đầy!

Cao Hồng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/noi-dau-chung-578917/