Nỗi đau của giải vô địch quốc gia Indonesia là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam
Đằng sau nỗi đau ở sân Kanjuruhan của Indonesia là hồi chuông cảnh báo cho tất cả về bạo lực trong bóng đá.
Akhmad Hadian Lukita, người điều hành giải VĐQG Indonesia nói: "Chúng tôi vô cùng tiếc nuối về sự cố này. LIB xin gửi lời chia buồn đến người bị nạn. Đây sẽ là bài học cho tất cả chúng ta".
Theo truyền thông Indonesia, lý do xảy ra sự việc đau buồn là CĐV của CLB Arema tức giận sau khi đội nhà nhận thất bại. Nhiều người lao xuống sân và đe dọa đội trưởng Ahmad Alfarizi, hậu vệ Sergio Silva. Tất cả đi quá giới hạn và bi kịch xảy ra khi có 129 người chết.
Đằng sau tấn bi kịch nói trên có những điều đắt giá. Bóng đá Indonesia phải thấu chịu nỗi đau lớn với sự ra đi của nhiều CĐV vì xem bóng đá. Bóng đá xứ vạn đảo đối diện án phạt từ FIFA. Nỗi đau của gia đình các CĐV có người thân đã mất và bị thương. Bài học lớn cho tất cả trong bóng đá…
Đông đảo người hâm mộ trên thế giới chia buồn với bóng đá Indonesia. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng san sẻ nỗi đau với PSSI. “VFF chia sẻ nỗi đau của bóng đá Indonesia, gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình của các CĐV đã mất và bị thương. Đó cũng là bài học lớn cho tất cả, trong đó có bóng đá Việt Nam”, Quyền chủ tịch VFF ông Trần Quốc Tuấn nói với Saostar.
Cũng từ nỗi đau rất lớn và sự chia sẻ của người hâm mộ trên toàn thế giới, bóng đá Indonesia cần phải xem lại chính công tác tổ chức và quản lý. Vì sự xấu xí vốn tồn tại trong thời gian qua nhưng PSSI (Liên đoàn bóng đá Indonesia) không thể chấn chỉnh.
Gần nhất, hai đội bóng của Việt Nam đều ngao ngán với người hâm mộ Indonesia. Họ ném đồ xuống sân khi U16 Indonesia đối đầu U16 Việt Nam. Ở một giải đấu khác, U19 Việt Nam phải bỏ tập vì CĐV Indonesia làm “loạn”. Vấn đề chính PSSI và HLV Shin Tae Yong cũng có những phát biểu chẳng khác gì tạo thêm sức nóng cho U19 Việt Nam và U19 Thái Lan.
Ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, CĐV Indonesia tấn công khán giả và cầu thủ Malaysia. Họ tức giận vì đội nhà thua 2-3.
Xâu chuỗi lại một loạt sự việc nói trên và chuyện quá khứ, có thể hiểu chuyện đau buồn xảy ra ở sân Kanjuruhan của Indonesia là hậu quả cho một thời gian dài không quyết liệt với sự xấu xí. Đúng ra, PSSI phải mạnh tay, xử lý thật mạnh và nghiêm cấm các CĐV Indonesia gây quá khích.
Tiếc thay là cái giá phải trả quá đắt, thật đau buồn cho bóng đá Indonesia nói riêng và bóng đá thế giới nói chung.
Tôi hoàn toàn đồng ý với phát biểu của Quyền chủ tịch VFF ông Trần Quốc Tuấn trên Saostar. Đó là một quan điểm đúng và trúng, có sự san sẻ về nỗi đau nhưng đúc kết để tránh xảy ra sự cố tương tự.
“Chúng ta đau buồn, san sẻ vì sự cố đáng tiếc của bóng đá Indonesia, nhưng cũng phải nhìn nhận như một bài học lớn để bóng đá Việt Nam làm tốt trong công tác tổ chức các trận đấu. Đây là bài học cho tất cả.
Mọi hành vi bạo lực trong và ngoài sân vận động cần phải bị lên án, giảm tối thiểu các hành vi quá khích trên khán đài để không xảy ra chuyện khán giả tràn xuống sân và mất kiểm soát. An toàn trong mọi trận đấu là vấn đề phải được đảm bảo và thực hiện thật tốt…”, ông Trần Quốc Tuấn nói với Saostar.
Mọi hành vi bạo lực trong và ngoài sân vận động phải bị lên án. Đó là cách để tránh xảy ra các câu chuyện đáng tiếc trong bóng đá, giống như tấn bi kịch ở sân Kanjuruhan của Indonesia!