Nỗi đau của trẻ thơ trong những vụ án hậu ly hôn
Thời gian qua, đã có rất nhiều những vụ án đau lòng xảy ra, nạn nhân đều là những đứa trẻ bị người tình của cha, mẹ bạo hành...
Những vụ án đau lòng
Dư luận chưa kịp nguôi ngoai sau vụ việc bé V.A. (8 tuổi, ở TP HCM) bị người tình của bố đánh đập, hành hạ man rợ dẫn đến tử vong, thì mới đây, vụ việc bé Đ.N.A. (3 tuổi, ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) bị người tình của mẹ đóng 9 chiếc đinh ghim (loại đinh bắn gỗ) vào đầu lại khiến cả xã hội xót xa, phẫn nộ. Hiện bé A. đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, tiên lượng xấu.
Thời gian qua, đã có rất nhiều những vụ án đau lòng xảy ra, nạn nhân đều là những đứa trẻ bị người tình của cha, mẹ bạo hành. Chắc hẳn chúng ta chưa thể quên hình ảnh chằng chịt các vết thương trên khuân mặt, cơ thể của cháu B. (12 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội).
Cháu B. đã bị người tình của mẹ bạo hành dã man nhiều lần. Thậm chí còn có hành vi xâm hại tình dục bé trong suốt thời gian dài. Đáng chú ý, sau khi bị mẹ đẻ truy hỏi về việc bị xâm hại tình dục, cháu B. bị mẹ bắt nằm úp xuống giường, trói chân tay lại rồi dùng roi tre vụt bầm dập vì "tội không chịu nói cho mẹ biết".
Hồi tháng 5/2021, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 1 người phụ nữ ở tỉnh Bình Dương bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu của bé mặc cho bé khóc thét. Một lúc sau, người này nằm xuống đất rồi dùng chân đạp liên tiếp vào người cháu bé. Mặc cho người phụ nữ vừa đánh đứa bé vừa chửi thề, nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh lại không có biểu hiện can ngăn.
Ngay sau khi đoạn clip được chia sẻ, cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định được danh tính, mối quan hệ của người phụ nữ có hành vi bóp cổ, bạo hành bé trai. Cụ thể, người phụ nữ trong video clip được xác định tên là T.L (SN 1986, ngụ xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương), là mẹ kế của bé trai 5 tuổi bị bóp cổ, đánh đập trong video clip.
"Không đảm bảo an toàn được cho con thì đừng đến với người khác"
Trước sự việc trên, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng, những vụ con bị bạo hành trong thời gian dài cũng do bố hoặc mẹ sau khi ly hôn ít có thời gian quan tâm tới con. Họ cho rằng nếu tòa đã phán quyết rằng đứa con ở với bố, hay với mẹ, thế là trách nhiệm nuôi dạy con thuộc về "người kia" nên bản thân mình yên tâm.
Hơn nữa, sau ly hôn, nhiều người mải đi tìm cho mình cuộc tình duyên mới, say sưa với mối tình hay cuộc hôn nhân sau, quên rằng mình đã có con và nó đang không ở với mình. Hiện nay trẻ em cũng không được an toàn khi ở trong nhà của bố hay mẹ đẻ của mình. Vì vậy, người không nuôi con cũng đừng quá yên tâm, hãy để mắt, quan tâm đến con, thăm hỏi, quan sát, nhạy cảm để nhận ra những thay đổi ở con, kịp thời có những biện pháp hỗ trợ, tránh trường hợp trẻ bị bạo hành trong thời gian dài mà không ai biết.
Nếu sống với nhau không thể hạnh phúc, thì ly hôn cũng là một lựa chọn văn minh. Tuy nhiên nếu đã có con, không đảm bảo đươc sự an toàn cho con thì tốt nhất là đừng đến với người khác.
Cần những quy định cụ thể khi sửa luật
Trao đổi với PV, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - cho biết, vụ cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu khiến dư luận bàng hoàng đau xót. Vụ việc một lần nữa dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đặt ra lo ngại về tình trạng bạo hành trẻ em hiện nay, đặc biệt là trong các gia đình có bố/mẹ ly hôn.
Bà Hồng cũng lo ngại, những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian gần đây đang xảy ra với mức báo động. Tỷ lệ ly hôn, ly thân tại các gia đình trẻ ngày càng nhiều. Ở một số gia đình sau ly hôn, trẻ em bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe nặng nề.
"Ở các gia đình "rổ rá cạp lại", bên cạnh trách nhiệm nuôi dạy con của bố mẹ, người thân cũng phải có trách nhiệm quan tâm, để ý đến cuộc sống của trẻ, xem trẻ có được sống an toàn, đảm bảo không? Nếu có dấu hiệu bị bạo hành, xâm hại, gia đình cần có biện pháp như thay đổi quyền nuôi con, hoặc báo cho cơ quan chức năng địa phương để kịp thời can thiệp, không để những vụ việc đau lòng tiếp tục xảy ra", bà Hồng kiến nghị.
Theo Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi đang soạn thảo cần có những điều luật cụ thể trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em tại các gia đình. Các cấp chính quyền cần tuyên truyền để người dân hiểu và có ý thức tố giác tội phạm, bảo vệ trẻ em ngay trong cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống.