Nỗi đau đuối nước và những cảnh báo
Dù những hồi chuông cảnh báo đã gióng lên từ lâu, nhưng số vụ đuối nước ở trẻ em vẫn xảy ra ở miền núi lẫn miền biển, cả nông thôn và thành phố, để lại nỗi đau khôn cùng cho các bậc cha mẹ. Làm thế nào để ngăn chặn tai nạn đuối nước, để không còn những thảm kịch thương tâm đang tiềm ẩn từng ngày trong cuộc sống mỗi gia đình? Câu hỏi đã được đặt ra rất nhiều, nhưng lời hồi đáp dường như vẫn còn 'mắc kẹt' trong các giải pháp…
Hiểm họa sông nước
Có lẽ, ám ảnh và đau thương nhất trong các trường hợp trẻ em đuối nước gần đây phải kể đến vụ 3 anh em ruột Nguyễn Văn N. (lớp 5), Nguyễn Văn A. (lớp 4) và Nguyễn Văn H. (lớp 3), cùng là học sinh của Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 7-5, sau khi 3 cha con anh Nguyễn Văn T. đi cắt cỏ cho bò về thì 2 em N. và H. xin cha đi câu cá tại ao của gia đình một hộ dân cách nhà khoảng 500 m. Ít phút sau, em A. cũng xin phép cha đi câu cá.
Đến tối, gia đình không thấy các con về nên đi tìm. Khi đến hồ thì phát hiện 3 đôi dép trên bờ nên hô hoán nhờ người dân xung quanh và lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm. Khoảng 20 giờ cùng ngày, thi thể 3 em được tìm thấy dưới ao. Người cha bàng hoàng không nói được lời nào, còn người mẹ đã ngất lịm khi người ta khiêng các con trở về nhà. Gia đình anh T. thuộc diện khó khăn, những đứa con ngoài giờ học phải làm việc phụ giúp gia đình, thời gian rảnh thường đi câu cá cải thiện bữa ăn. Cũng vì nghèo khó, đông con nên vợ chồng anh T. không có nhiều thời gian quan tâm, theo dõi con cái dẫn đến bi kịch mà người làm cha mẹ không bao giờ lường trước được. Nỗi đau thật khó mà nguôi ngoai, sự mất mát khủng khiếp này có lẽ sẽ ám ảnh người lớn đến hết cuộc đời.
Trước đó vài ngày, vào chiều 2-5, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra một vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Vụ việc xảy ra vào đúng dịp nghỉ lễ, em N.H (lớp 3) và em A.T (lớp 5), cùng là học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuật đã xin phép gia đình rủ nhau đi chơi.
Đến khoảng 15h cùng ngày, không thấy 2 em đâu, gia đình đi tìm thì phát hiện 2 em đã tử vong dưới hồ nước, thuộc địa bàn huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk.
Hai em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, cha mẹ ly hôn nên em N.H ở với bà nội từ nhỏ. Còn cha mẹ em A.T làm thuê và ở trọ trên địa bàn xã Hòa Thuận. Sau khi xảy ra vụ việc, thi thể em A.T được đưa về nhà ông bà nội ở phường Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột) để lo hậu sự. Các thầy cô, phụ huynh trong trường đã tổ chức quyên góp được hơn 40 triệu đồng để chung tay lo hậu sự cho các em. Đáng chú ý, từ cuối tháng 3 -2022 đến nay, đây là vụ đuối nước thứ 8 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến 19 em học sinh tử vong.
Bình Phước là tỉnh có địa hình đa dạng, có nhiều ao hồ, sông suối, dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Từ đầu năm 2022 tới nay, tại địa phương này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em, học sinh.
Vụ đuối nước mới nhất xảy ra đối với cháu bé tên P.Đ.T. (8 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng), học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Đức Liễu. Cháu P.Đ.T. bị đuối nước khi đi tắm tại lòng hồ Thủy điện Thác Mơ, thuộc địa bàn thôn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước vào ngày 2-5-2022.
Trước đó, ngày 1-5, nhóm 9 học sinh lớp 11 của Trường THPT Bù Đăng rủ nhau vào nhánh sông Đồng Nai (thuộc thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng) để chơi và tắm sông do được nghỉ lễ 30-4, 1-5. Trong lúc tắm, do bơi vào vùng nước sâu, nguy hiểm nên 4 em trong nhóm học sinh này đã bị đuối nước.
Ngày 19-4, UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tăng cường phối hợp giữa các ngành, các tổ chức nhằm truyền thông, hướng dẫn đến từng hộ gia đình, từng trường học, lớp học kiến thức, kỹ năng quản lý, giám sát và trông giữ trẻ em; triển khai bàn giao và tổ chức việc phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân tình nguyện quản lý chặt chẽ học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời điểm thiên tai để bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước…
Cấp bách trang bị kỹ năng bơi lội và cứu người đuối nước
Về vấn đề “rất nóng” hiện nay và mùa hè sắp đến, riêng tại TP Hồ Chí Minh, nguy cơ đuối nước rất cần người lớn ý thức và cảnh báo đối với trẻ em. Hẳn người dân ven con kênh trên đường TX33, (phường Thạnh Xuân, quận 12, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa hết xót thương về vụ việc xảy ra vào khuya ngày 9-5 vừa qua, khiến hai anh em ruột, N. (6 tuổi) và C. (4 tuổi) tử vong.
Nhiều người không thể cầm được nước mắt, nấc nghẹn trước cái chết thương tâm của hai anh em N. Căn nhà tạm bợ, nhuốm màu tang tóc luôn vọng ra tiếng khóc oán than của người lớn trong gia đình. Hai vợ chồng nghèo khó, mượn được căn nhà cũ kỹ, tạm bợ ven dòng kênh “oan nghiệt” chỉ khoảng một năm nay. Người chồng làm phụ hồ, vợ đi phụ quán cơm, thời gian gần đây thì ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái. Nhưng chỉ một chút lơ đễnh khỏi tầm mắt, họ đã phải trả giá quá đắt.
Chiều 9-5, khi không thấy hai con đâu, người mẹ vội đi tìm. Nghĩ hai bé gặp chuyện chẳng lành, nhiều người cũng hô hoán đi tìm. Trong lúc tìm, người thân cùng một số người thấy hai đôi dép của hai bé cùng một chiếc điện thoại ở gần khu vực bờ kênh. Nghi ngờ hai bé bị đuối nước, nhiều người mau chóng lội xuống kênh để tìm.
Thi thể bé N. được tìm thấy tại đoạn kênh gần căn nhà tạm của gia đình. Một lát sau, thi thể em gái của N. cũng được tìm thấy tại đoạn kênh đó.
Hai đứa trẻ hay vui đùa cùng nhau, có hôm chúng vẫy vùng dưới cơn mưa, nô đùa khúc khích, dòng kênh trước nhà đã quá quen thuộc với chúng. Không hiểu vì sao hôm gặp nạn, một đoạn lan can chắn bờ kênh lại không có, nó bị khuyết khoảng 1,5 m. Hai đứa trẻ bị nạn trong tình huống nào, ở vị trí nào, vùng vẫy tuyệt vọng dưới nước ra sao đã không một ai chứng kiến, mọi nhận định chỉ là suy đoán mà thôi. Chỉ có một sự thật đau đớn, đều tử vong vì đuối nước.
Sau vụ việc thương tâm của hai em nhỏ tại quận 12, TP Hồ Chí Minh, nhiều bậc phụ huynh đã giật mình và chú tâm hơn vào việc quan tâm, chăm sóc con cái. Anh Nguyễn Văn Trường, ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh cho biết, hai đứa con của anh rất hiếu động, lại rất thích nước. Hễ thấy hồ bơi hay sông suối là đòi nhảy xuống tắm. Vừa rồi anh cho con đi bơi ở một hồ bơi của chung cư, cũng chỉ vài phút lơ đễnh nghe điện thoại mà đứa nhỏ bị sặc nước, may là xung quanh có nhiều người phát hiện sơ cứu kịp thời. Từ lần đó, anh Trường rất hoảng sợ, mỗi khi cho con đi bơi là anh không dám rời mắt một phút nào.
Tình trạng đuối nước không chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ, mà ở độ tuổi thanh thiếu niên, nguy cơ vẫn hiện hữu. Biết bơi thôi chưa đủ, mà cần phải thường xuyên trang bị kỹ năng, cứu người đuối nước cho cả người lớn và trẻ em. Bi kịch xảy ra, nhìn lại và rút kinh nghiệm thì đã quá muộn màng.
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo: Người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ cứu nạn trực 24/7. Trẻ em khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Trên tàu, thuyền phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi không may có tai nạn xảy ra. Nếu không may trẻ bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao... ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để tìm người ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, cả người cứu nạn.
Theo ghi nhận, có trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ em tắm ở ao hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi kèm… Đuối nước ở trẻ vị thành niên vẫn luôn tiềm ẩn trong sự chủ quan, thiếu quyết liệt ở từng gia đình và ở chính những đứa trẻ. Chính vì vậy, điều cần nhất vẫn là sự quan tâm, nhắc nhở thường xuyên từ phía gia đình. Người lớn, các bậc cha mẹ phải luôn để mắt tới con nhỏ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi. Nếu trẻ lớn hơn, phải dặn dò các em không được đến gần sông, hồ, không xuống nước nếu không có người lớn đi cùng. Trẻ nhỏ ham chơi có thể quên ngay lời nhắc, bởi thế, phụ huynh cần giám sát và liên tục nhắc nhở để trẻ in sâu trong đầu. Các em cần được người lớn chỉ dẫn vui chơi ở đâu, chơi như thế nào để đảm bảo an toàn…
Trước thực trạng liên tục xảy ra đuối nước gây tử vong ở trẻ em, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và xã hội thì một vấn đề cấp thiết được đặt ra là cần phải quan tâm giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh các nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ. Trên thực tế, chương trình phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng đã được triển khai trong môi trường học đường. Trong đó có giải pháp là dạy bơi, xây bể bơi cho các em. Nhưng có vô vàn cái khó được chỉ ra, như có nơi thiếu quỹ đất xây bể bơi; trường học có quỹ đất để xây bể bơi thì lại không có kinh phí vận hành, không có giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp…Thành thử việc dạy và học bơi trong nhà trường phổ thông lâu nay mới chỉ là một phong trào mạnh đâu nấy làm, chưa thật sự phát huy hiệu quả. Nhất là ở vùng sâu, vùng xa nơi có điều kiện kinh tế khó khăn thì việc dạy bơi vẫn là một “môn học” xa vời.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/noi-dau-duoi-nuoc-va-nhung-canh-bao-i653835/