Nỗi đau F1: Đau ví mua kit test giá ngất ngưởng, nay nháo nhào thanh lý giá rẻ
Sau khi nháo nhào vét sạch ví tiền mua kit test nhanh với mức giá cao ngất ngưởng, nay nhiều gia đình lại vội thanh lý kit test với giá chỉ bằng một nửa so với lúc mua.
Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 vẫn liên tiếp lập đỉnh mới. Song, mặt hàng kit test đã không còn sốt giá, khan hiếm như thời điểm nửa cuối tháng 2 vừa qua. Trên “chợ mạng”, nhiều chủ hàng xả bán số lượng lớn, giá giảm mạnh từ 10.000-30.000 đồng/bộ kit test, thậm chí có loại giá giảm gần một nửa.
Chị Đào Vân ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa đăng bán xả lô kit test nhanh bằng nước bọt EasyDiagnosis với giá chỉ 55.000 đồng/bộ, mua nguyên hộp 20 bộ giá chỉ còn 50.000 đồng/bộ.
Đáng nói, chỉ cách đây khoảng 3 tuần, loại kit test này chị Vân bán với mức giá ngất ngưởng, lên tới 85.000 đồng/bộ. Tức, giá đã giảm 30.000-35.000 đồng/bộ.
“Giữa tháng 2 thì kit test cháy hàng, nhập bao nhiêu về cũng không đủ bán. Nhưng từ đầu tháng 3 tới giờ nguồn kit test dồi dào, tôi ôm mấy chục thùng. Giá kít dịp này cũng giảm mạnh”, chị Vân chia sẻ.
Cũng đang xả gấp kit test sản sản xuất bởi Labnovation Technologies xuất xứ Quảng Đông (Trung Quốc) với giá chỉ 50.000 đồng/bộ, chị Nguyễn Thị Thu ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nguồn hàng mới về ồ ạt nên giá kit đang giảm sâu.
Chị Thu tâm sự, cuối tháng 2, kit test nhanh sốt giá. Lúc đó chị nhập về 200 hộp, bán hết veo với giá 70.000 đồng/bộ kit. Nay về thêm 100 hộp nhưng tiêu thụ chậm hơn nhiều. Chị quyết định xả hàng bán cho hết để thu hồi vốn.
Một số loại kit test nhanh có xuất xứ từ Trung Quốc, Đức, Pháp cũng đang được dân buôn xả hàng với giá từ 45.000-55.000 đồng/bộ tùy loại.
Dịp này, không chỉ có dân buôn xả hàng kit test mà trên các khu chợ online, nhiều gia đình cũng thanh lý vội với giá rất rẻ sau khi lỡ trữ quá nhiều.
Sau khi đăng bán thanh lý hơn 40 bộ kit test nhanh với giá chỉ 40.000 đồng/bộ cho cư dân tại khu chung cư nhà mình, chị Lê Thùy Liên ở Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội) nói: “Bán với giá này tôi lỗ gần 2 triệu đồng so với giá khi mua, nhưng không bán bỏ ở nhà cũng không dùng đến, lãng phí”.
Chị Liên chia sẻ, giữa tháng 2 số ca F0 ở Hà Nội bùng nổ. Tại khu nhà chị sống, đồng nghiệp bạn bè liên tục dương tính với Covid nên chị vội đi mua 10 bộ kit test để xét nghiệm nhanh cho các thành viên trong gia đình. Cứ 2-3 ngày test một lần, dù không có triệu chứng gì để yên tâm.
Đến cuối tháng kit test hết, lại thấy trên thị trường sốt giá, khan hàng nên chị vét sạch túi tiền mua luôn 3 hộp (tổng cộng 60 bộ) về dùng dần. Lúc đó giá cao ngất ngưởng, chị vẫn đặt mua với giá 85.000 đồng/bộ. Ba hộp kit với giá 1,65 triệu/hộp đã ngốn của chị hơn 5 triệu đồng.
Đầu tháng 3, gia đình chị chính thức có thành viên nhiễm Covid-19. Bác sĩ tư vấn F0 cách ly để theo dõi và điều trị tại nhà, 7 ngày sau mới cần test lại. Còn các thành viên khác trong gia đình là F1 cũng không cần phải test nhanh liên tục, chỉ xét nghiệm khi có triệu chứng.
“Nghe xong tư vấn, tôi nhẩm tính vậy không tốn quá nhiều kit test. Số kit mình trữ quá nhiều so với lượng cần dùng”, chị nói. Thế nên, chị Liên đành đăng tin lên nhóm chợ chung cư online để thanh lý kit test nhanh với giá rẻ.
Chị Đặng Thị Phương ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng phải đăng bán thanh lý hộp kit test với giá chỉ bằng nửa giá lúc mua, bởi gia đình không dùng đến.
“Tôi nghĩ phải dùng liên tục nên mua nhiều về trữ sẵn trong nhà. Đến lúc cả 4 thành viên trong gia đình đều là F0 và đã điều trị khỏi, số lượng kit test dùng cũng chỉ khoảng 10 bộ”, chị nói. Do vậy, chị Phương chịu lỗ để bán thanh lý số kit còn lại.
Trước đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên tích trữ kit test nhanh. Với F0 triệu chứng nhẹ điều trị tại nhà, không nhất thiết phải test nhiều, mà quan trọng là xét nghiệm đúng thời điểm. Chỉ cần test lại sau 7 ngày khi phát hiện dương tính.
Với những người tiếp xúc với F0 chưa cần xét nghiệm ngay mà nên xét nghiệm ở ngày thứ 3, sau khi xuất hiện triệu chứng như ho, sốt, khó thở... Việc test nhanh nhiều là không cần thiết, lãng phí. Chưa kể, ồ ạt tích trữ kit test còn gây thiếu hụt ảo, khiến người cần thì không thể mua được còn người không cần lại tích đầy trong nhà.