Nỗi đau hậu chiến
Chúng tôi tạm biệt nhau vào một buổi chiều cuối thu năm 1972 bên dòng sông Vệ, tỉnh Quảng Ngãi. Và, như một định mệnh cuộc đời, tôi đã tìm được thương binh Đồng Văn Khải, đang buôn bán ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Anh và tôi đều bị thương trong trận đánh ở thị xã Kon Tum và điều trị vết thương trên núi rừng Tây Nguyên.
Trên vai người đồng đội hôm nay là chiếc ba lô, trang phục bộ đội bạc màu, có mấy miếng vá. Đồng đội ôm nhau, cùng nhớ về một thời gian khó…
Trên đường về nhà, anh đã kể cho tôi nghe nỗi đau sau cuộc chiến của vợ chồng anh. “Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mình được ra Bắc an dưỡng rồi xuất ngũ về làng, xây dựng gia đình, làm ăn sinh sống. Đã có những tháng năm vợ chồng sống thật hạnh phúc. Kết hôn xong, vợ mình mang thai, gia đình ai cũng mừng lắm. Thế rồi chẳng được bao lâu, vợ bị sảy thai. Chạy chữa khắp nơi, mấy năm sau thì sinh được hai đứa con, một trai một gái, nhưng cả hai đều mang hậu quả tàn khốc của chiến tranh gây ra. Chất độc da cam đã cướp đi quyền làm người của hai đứa con của mình. Thằng con trai mười mấy năm liền quằn quại trên giường bệnh như con rắn, chạy chữa khắp nơi mà vẫn không thành; đứa con gái thứ hai thì loạn điên, phá phách. Gia đình trở nên nghèo khó và túng quẫn. Để có tương cà mắm muối qua ngày, ai thuê việc gì mình cũng làm.
Vào những năm 1980 - 1985, lúc đó rất nhiều người dân chưa hiểu về những nỗi đau của người lính từ chiến trường trở về, nên đã xì xầm nhiều câu thật đau lòng “do ăn ở của gia đình, rồi do mồ mả đất cát... ”Vợ chồng mình đau đớn, nuốt nước mắt vào lòng, nuôi con trong nỗi buồn thảm khốc. Bệnh tật hai đứa con ngày một thêm trầm trọng, kinh tế kiệt quệ. Đưa các con đi cứu chữa, mà trong nhà không có nổi mấy chục nghìn. Vay khắp thôn xóm mới được gần một triệu đồng để đưa con đến viện. Thế nhưng đứa con vẫn chẳng thể sống được, mà số tiền đi vay mượn cũng không thể nào trả nổi. Đứa con thứ hai đã đến tuổi đi lấy chồng, nhưng hàng ngày vẫn phải chăm sóc phục vụ nó. Nhiều hôm, nó cào cấu, cắn xé, chạy ra ngoài, lao phải xe cộ; không ít lần nó ra cầu cống moi móc chuột bọ cắn nuốt…
Gia đình đã cố gắng chạy chữa, nhưng vẫn không sao qua được căn bệnh tàn ác. Đã có lúc mình định liều mình xóa đi tất cả, nhưng trấn tĩnh lại, thấy mình còn may mắn hơn bao đồng đội nằm lại chiến trường…Chúng tôi trò chuyện với nhau về những người đồng đội - CCB bị nhiễm chất độc da cam, hiện sống trong nỗi đau dằn vặt. CCB Hạnh, quê Thái Bình sinh được bốn đứa con, thì ba đứa đã chết. CCB Tôn, quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương sinh mấy đứa con đều điên dại. CCB Nguyễn Đại Số, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sinh được ba đứa con, lúc nhỏ đứa nào cũng học hành khá giỏi, rồi tham dự giải cờ vua của tỉnh. Nhưng đến năm 16, 17 tuổi, cả ba đều bị bệnh thần kinh, loạn điên, phá phách. CCB Nguyễn Văn Xoay ở Đông Triều (Quảng Ninh) cũng có những người con bị bệnh tâm thần do lây nhiễm CĐDC từ bố… Và nữa, chúng tôi đến thăm hai cháu Nguyễn Thị Thương và Nguyễn Văn Tâm, con vợ chồng Nguyễn Văn Liên ở huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đã không sao cầm được nước mắt khi nhìn thấy cơ thể của các cháu bị nứt vỡ như xác rắn lột. Đã biết bệnh tật của hai cháu như vậy, mà khi gặp ai cũng choáng váng, tăng huyết áp.
Trong mỗi gia đình CCB, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến trường, rất nhiều người bị nhiễm chất độc hóa học. Tội ác chiến tranh đó của Mỹ thật đáng lên án và các công ty sản xuất chất diệt cỏ của Hoa Kỳ phải có trách nhiệm về hậu quả đặc biệt nghiêm trọng này!
Tạm biệt đồng đội của tôi - người thương binh nghèo Đồng Văn Khải. Một thời chiến tranh khói lửa đã qua từ lâu, tôi và anh cùng biết bao đồng đội may mắn trở về, vậy mà cuộc chiến vẫn quẩn quanh…
----------------
(*Trích trong tác phẩm “Ký ức thời binh lửa” của cựu chiến binh Nguyễn Đăng San, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
- Chiến tranh và kể cả chất độc hóa học không ngăn nổi bước chân người lính
Trái tim người lính
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/noi-dau-hau-chien-a15516.html