Nỗi đau mang tên tai nạn giao thông
Tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ khiến người bị tai nạn trả giá bằng sức khỏe hay tính mạng mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về vật chất lẫn tinh thần cho gia đình, người thân mà không có gì bù đắp được.
Đứa trẻ đáng thương
Ở tuổi 15, đáng lẽ em Đặng Thị Như Quỳnh (ấp Nguyễn Bảo, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) phải được đến trường như các bạn cùng trang lứa nhưng vì cha bị TNGT, không ai chăm sóc nên em đành gác lại giấc mơ đến trường, lo mưu sinh để có tiền mua thuốc cho cha. Như Quỳnh nhớ lại: “Em đang ngồi trước cửa nhà chơi thì thấy cha chạy xe về và va chạm với một chiếc xe khác đang đậu bên đường. Lúc đó, em vừa khóc, vừa kêu người đưa cha đi bệnh viện. Giây phút đó cứ ám ảnh em đến tận bây giờ”.
Được biết, sau khi uống rượu, anh Đặng Duy Khương (cha Như Quỳnh) chạy xe quá tốc độ, không đội nón bảo hiểm, không làm chủ được tay lái nên xảy ra va chạm với một chiếc xe khác đang đậu bên đường. Vụ tai nạn làm anh bị chấn thương sọ não nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) điều trị hơn 1 tháng. Hiện anh được các bác sĩ cho về nhà nhưng phải uống thuốc thường xuyên, đợi ngày sức khỏe tốt sẽ tiếp tục lên Bệnh viện Chợ Rẫy để lắp hộp sọ.
Bà Nguyễn Thị Sấm (mẹ anh Khương) nghẹn ngào nói: “Cách đây hơn 1 năm, cha mẹ Như Quỳnh ly hôn. Như Quỳnh theo cha, còn em trai theo mẹ. Cha Như Quỳnh nghề nghiệp không ổn định, sống chủ yếu bằng nghề lái máy gặt đập liên hợp thuê, bình quân thu nhập 300.000 đồng/ngày. Số tiền này cũng đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình nhưng con trai tôi lại nghiện rượu, dù gia đình nhiều lần nhắc nhở, khuyên răn nhưng vẫn không từ bỏ. Giá như tôi kiên quyết hơn với con thì đâu đến nỗi này, cháu tôi cũng không phải nghỉ học để vừa đi làm thuê, vừa chăm sóc cha”.
Ngày anh Khương bị TNGT, trong nhà lại không có tiền. Để cứu sống con trai, bà Sấm phải cầu cứu sự giúp đỡ của các con và hàng xóm. Hiện bà Sấm phải "gánh" thay con trai số nợ hơn 50 triệu đồng. Không có tiền, cha lại bị tai nạn, Như Quỳnh quyết định nghỉ học, phụ người quen bán nước giải khát, vừa chăm sóc cha. Như Quỳnh cho biết: “Tâm trí cha không tỉnh táo, thường bỏ nhà đi lang thang, sinh hoạt cá nhân cũng không tự làm được, cần có người chăm sóc. Thương cho hoàn cảnh hai cha con, một người quen tạo điều kiện cho em vừa bán quán, vừa chăm sóc cha. Em cũng muốn đi học nhưng gia đình khó khăn quá, cha lại bị bệnh nên đành bỏ học”.
Sống trong gia đình không trọn vẹn, thiếu tình cảm của mẹ, chỉ còn cha con nương tựa lẫn nhau, vậy mà TNGT lại cướp đi chỗ dựa tinh thần duy nhất của Như Quỳnh, thậm chí em còn phải "gánh" trên vai trọng trách chăm sóc cha và lo kinh tế trong gia đình.
Nỗi đau mất con
Trong nhiều nỗi đau, có lẽ mất đi người thân là đau đớn hơn cả. Với những bậc làm cha mẹ, không có gì xót xa bằng thảm cảnh “lá xanh rụng trước lá vàng”. Đã 7 năm trôi qua nhưng mỗi khi lướt nhìn di ảnh của con trai mình, ông Lê Văn Ngon (ấp 6, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) vẫn không kìm được những giọt nước mắt đau đớn. Ông Ngon bộc bạch: “Nghe con dâu thèm bún riêu, con trai lấy xe chạy đi mua nhưng không ngờ đó là lần đi cuối cùng. Nó ra đi để lại đứa con trai nhỏ dại. Cha mất, mẹ đi thêm bước nữa, giờ đây, hai vợ chồng tôi thay con chăm sóc cháu nội”.
Vợ chồng ông Ngon tuổi đã cao nhưng vẫn phải làm lụng để nuôi cháu trai đi học. Lau vội những giọt nước mắt, ông Ngon ngậm ngùi kể lại những vất vả, khó khăn của vợ chồng ông sau khi anh Lê Đức Trung (con trai ông Ngon) qua đời. Ước mơ cuối cùng của vợ chồng ông là có sức khỏe, sống lâu một chút để có thể lao động, chăm sóc cháu trai đến tuổi lớn khôn, có thể tự lo cho bản thân.
Sau khi cha mất, em Lê Đức Trải (cháu nội của ông Ngon) cũng trở nên ít nói, nhút nhát và sợ gặp người lạ. Theo đó, vợ chồng ông Ngon phải thay nhau nghỉ việc ở nhà tâm sự, bầu bạn cùng cháu. Trải nói: “Từ nhỏ, sống thiếu tình cảm của cha mẹ nhưng bù lại, em được ông bà nội và các cô, chú thương lắm! Giờ đây, em chỉ biết cố gắng học thật giỏi, có nghề nghiệp ổn định để sau này có điều kiện chăm sóc ông bà”.
Hàng ngày, hàng giờ trôi qua, TNGT vẫn xảy ra, cướp đi mạng sống của nhiều người và khiến biết bao nạn nhân bị tàn tật suốt đời. Đó là những nỗi đau, sự mất mát không có gì bù đắp được. Hãy cùng chung tay lan tỏa thông điệp “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” góp phần thay đổi nhận thức của nhiều người khi tham gia giao thông nhằm hạn chế TNGT xảy ra./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/noi-dau-mang-ten-tai-nan-giao-thong-a142371.html