Nỗi đau người ở lại
Sau những thảm họa về lũ quét, sạt lở đất do bão Yagi gây ra vừa qua, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, hơn 100 em nhỏ rơi vào hoàn cảnh mồ côi, cơ nhỡ. Không còn người thân, không nơi ở, không tài sản, tương lai của các em ra sao?
Sống sót nhờ ở lại trường
Hoàng Xuân Phúc (sinh năm 2009) và Hoàng Gia Bảo (sinh năm 2017) là 2 trong số 17 trẻ em tại thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai), rơi vào cảnh mồ côi sau vụ lũ quét, sạt lở kinh hoàng sáng 10/9. Thảm họa đã cướp đi bố, mẹ của các em cùng toàn bộ nhà cửa, tài sản. Hiện Phúc và Bảo ở với bà nội, bà Hoàng Thị Hiến.
Bà Hiến kể, đêm ngày 9/9, do mưa to, Phúc ở lại trường học, còn bố, mẹ và em Bảo vẫn ở nhà. Mấy hôm sau, Phúc trở về thì thấy Làng Nủ tan nát hết, lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm thấy thi thể bố, còn mẹ vẫn mất tích. Bảo may mắn được dân làng cứu khỏi dòng lũ, nhưng bị chấn thương sọ não và gãy xương đùi.
Từ khi mất bố mẹ, em nằm viện, Phúc như người mất hồn. Cậu gần như không nói chuyện, không chia sẻ gì, kể cả với người thân. Phúc bỏ bữa liên miên, thức trắng nhiều đêm. Kết quả học hành của Phúc ngày càng sa sút. “Cháu không nói, nhưng tôi biết nó buồn vì người ta vẫn chưa tìm thấy mẹ cháu. Tôi chỉ mong có một phép màu để sau này còn có một ngôi mộ để cháu về thắp hương cho mẹ…”, bà Hiến nói.
Bảo hiện đã chuyển tuyến điều trị lên Hà Nội vì vết thương trở nặng. Đi cùng cháu chỉ có một người bác ruột. Sức khỏe của Bảo rất kém, chỉ ăn được một chút cháo mỗi ngày. Bác sĩ tiên lượng Bảo sẽ phải nghỉ hết năm học này.
Sau thảm họa, Phúc và Bảo chẳng còn gì ngoài mấy bộ quần áo. Bà Hiến đã 64 tuổi, mắc bệnh tim, thường xuyên phải lên Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên điều trị. Chồng bà Hiến bị tai biến, ngồi liệt trên xe lăn mấy năm nay. Giờ hai ông bà không biết phải làm gì để trả tiền viện phí cho Bảo, nuôi hai cháu ăn học.
“Nguyện vọng của chúng tôi là làm sao chữa khỏi cho cháu Bảo, rồi lo cho Bảo và Phúc học hành đến hết cấp 3. Chúng tôi già rồi, không có nhu cầu gì cả. Quan trọng là hai đứa bé…”, bà Hiến nói thêm.
Quyết tâm nuôi cháu ăn học
Một trong những địa bàn khác của tỉnh Lào Cai bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất là thôn Hòa Bình, xã Sán Chải, huyện Si Ma Cai. Vụ sạt lở đất vào sáng 9/9 đã cướp đi sinh mạng của 4 người trong một gia đình 5 người, chỉ còn cháu bé 3 tuổi tên Sùng A Nhà. Cháu may mắn được cứu ra khỏi đống đổ nát. Hiện cháu Nhà ở với gia đình bác ruột là anh Sùng Seo Chớ và vợ là chị Giàng Thị Chà.
Chị Chà kể, sau khi đón Nhà về, hàng xóm đến gặp hỏi bố mẹ đâu, cháu nói hồn nhiên: “Bố mẹ cháu, chị cháu, em cháu chết hết rồi. Lúc đấy, cháu nhìn thấy núi sạt xuống chôn cả bố mẹ cháu, chị cháu, em cháu rồi”. Nhà không kêu khóc gì vì tuổi còn quá nhỏ, chưa nhận thức được rằng chết nghĩa là âm dương cách biệt, không bao giờ gặp lại nhau nữa...
Nhưng rồi những ngày sau không gặp được bố, mẹ, chị và em, Nhà bắt đầu cảm nhận được nỗi đau mất người thân. Đêm đến, nằm ngủ là Nhà giật mình rồi quấy khóc cả đêm. “Cháu vừa khóc vừa gào lên, bảo cho cháu gặp mẹ, gặp bố, rồi hỏi chị cháu đâu, em cháu đâu… Tôi cũng chỉ biết ôm cháu vào lòng, cố gắng dỗ dành cho cháu ngủ”, chị Chà kể.
“Mình chưa thể chăm sóc cháu chu đáo, cẩn thận được như bố mẹ cháu từng làm. Chẳng hạn như ngày trước, cháu rất thích ăn món cháo gà do mẹ nấu. Nhưng chắc mình nấu không ngon nên cháu hay bỏ ăn, rồi quấy khóc đòi gặp bố mẹ. Chúng tôi rất thương cháu mà không biết phải làm như thế nào…”, chị Chà tâm sự.
Sau một thời gian điều trị các chấn thương do bị đất, đá đè lên, hiện Nhà đi học bình thường ở trường mầm non tại xã. Ở lớp, Nhà giao tiếp nhiều hơn với cô giáo và bạn bè. Nhưng về đêm ngủ vẫn khóc đòi gặp bố, mẹ, chị và em.
Vợ chồng anh Chớ cũng không dư dả gì. Hiện anh chị nuôi hai con nhỏ. Cả nhà trông chờ ruộng lúa, vườn ngô. “Giờ chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức để lo cho các con, cháu thôi”, anh Chớ nói.
Dù vậy, anh Chớ và chị Chà vẫn khẳng định rằng, cả hai sẽ làm tất cả để nuôi dưỡng cháu Nhà, giúp cháu học hết cấp 3. Tuy nhiên, với hoàn cảnh thực tế khó khăn như vậy, hai vợ chồng có lo liệu được?
Hưởng ứng lời kêu gọi của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ GD&ĐT, báo Tiền Phong phối hợp các đơn vị tổ chức Lễ phát động “Cùng Tiền Phong nâng bước em tới trường” vào sáng 30/9, tại Trường THCS Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội), với mong muốn chung tay nâng đỡ những trẻ mồ côi, học sinh nghèo, trẻ có hoàn cảnh khó khăn và cùng tái thiết một số ngôi trường bị hư hỏng thiết bị dạy học, chưa có nhà vệ sinh đảm bảo chất lượng...
Mọi đóng góp, nghĩa cử của bạn đọc, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xin gửi về tài khoản báo Tiền Phong: 1230062175, Ngân hàng BIDV, chi nhánh Quang Trung, Hà Nội. Hoặc, bạn đọc liên hệ qua đường dây nóng Ban Bạn đọc và Công tác xã hội: 0977456112.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/noi-dau-nguoi-o-lai-post1677170.tpo