Nỗi đau từ những vụ cha dượng lạm dụng con riêng của vợ, nếu quyết định đi bước nữa cần nhớ?
Nhiều vụ cha dượng lạm dụng con riêng của vợ gần đây gây bức xúc trong dư luận. Sự xuống cấp của đạo đức đó đã mang lại nhiều nỗi đau với trẻ. Đáng nói không ít trẻ bị xâm hại từ chính sự thờ ơ của cha mẹ khi đi bước nữa.
Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã xảy ra nhiều sự việc trẻ bị xâm hại bởi cha dượng bị phanh phui. Sự việc khiến dư luận không khỏi bức xúc vì sự xuống cấp đạo đức trầm trọng. Gần nhất là việc cháu bé 12 tuổi ở phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội bị người tình của mẹ xâm hại suốt thời gian dài mà không được phát hiện. Người đàn ông này nhiều lần dùng vũ lực ép bé gái quan hệ tình dục. Hắn thường chọn lúc mẹ nạn nhân không có nhà để hành động.
Một câu chuyện đau lòng khác cũng đã xảy ra ở quận Thủ Đức, TP HCM. Cháu H, 14 tuổi là con riêng của chị Nguyễn Thị G. Theo mẹ về sống chung cùng với người cha dượng, H đã bị người cha này xâm hại tình dục. May mắn, người em trai ruột đã nhìn thấy, dùng điện thoại quay phim gửi lại cho mẹ xem. Chị G đã đi trình báo công an. Cơ quan chức năng mới đây đã tuyên phạt người cha dượng 30 tháng tù vì tội "giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi".
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, việc những người bố, người mẹ sau khi tan vỡ hôn nhân lựa chọn tái hôn để có cuộc sống mới không còn là điều gì quá xa lạ. Thế nhưng bên cạnh những đứa con riêng khi người mẹ tái giá mang theo sống chung với người chồng mới được người cha dượng yêu thương, quan tâm như con đẻ, không ít trẻ gặp phải nguy cơ bạo hành, xâm hại tình dục từ chính người cha dượng. Bé trai có nguy cơ bị bạo hành thể xác khi gặp phải người cha dượng độc ác, còn bé gái thường gặp nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục.
Thủ phạm dâm ô, xâm hại trẻ em chắc chắn không phải chỉ đến từ người lạ mà có tới 60-70% các vụ xâm hại đến từ người thân quen. Đó có thể là bố nuôi, cha dượng, hàng xóm, thậm chí có thể là ruột thịt…
Trẻ nhỏ tâm lý ngây thơ, chúng lại nghĩ cha dượng đã yêu thương mẹ, lấy mẹ của chúng làm chồng đương nhiên sẽ là người tốt. Bởi vậy, trẻ có tâm lý mất cảnh giác, không đề phòng. Người cha dượng sống chung dưới một mái nhà với tư cách là cha con lại có cơ hội gần gũi, tiếp cận trẻ hơn. Nếu có ý nghĩ đồi bại sẽ dễ dàng khống chế, thực hiện điều "bậy bạ" với con gái riêng của vợ.
"Với một đứa trẻ bị xâm hại cho dù sau đó có được chữa chạy về cơ thể, tâm lý vẫn ảnh hưởng nặng nề. Vết sẹo lớn mà trẻ mang trong người khiến chúng trở thành một con người khác. Nhiều nạn nhân bị quấy rối khi còn nhỏ, lớn lên, thậm chí đã có gia đình vẫn còn nguyên ký ức đau buồn đó. Đáng ra họ đã có một tuổi thơ trong sáng nhưng lại phải sống trong ám ảnh.
Với những đứa trẻ bị xâm hại đến có thai, tâm lý còn ảnh hưởng dai dẳng hơn suốt cuộc đời. Chúng không thể phát triển lành mạnh được, luôn khiếp sợ những người đàn ông hoặc có thái độ căm thù với họ. Khi mang thai quá sớm nếu không có sự hỗ trợ và hướng dẫn từ người thân, các em dễ rơi vào trầm cảm, suy nhược cơ thể và nhiều hệ lụy khác…" – chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa chia sẻ.
Theo bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, hành động cha dượng lạm dụng con riêng của vợ là điều mất nhân tính, không chấp nhận được và cần pháp luật trừng trị nghiêm minh. Trẻ là người thiệt thòi nhất khi bố mẹ tan vỡ, đi tìm hạnh phúc mới. Chẳng may đứa trẻ phải sống với người cha dượng vô tâm, thậm chí có hành vi không đúng mực, lạm dụng càng đau đớn hơn.
Đa phần trẻ bị xâm hại tình dục, thậm chí là nhiều lần vẫn không được phát hiện. Nhiều sự việc chỉ được phanh phui khi đứa trẻ đã mang thai. Để không dẫn đến những câu chuyện đau lòng, phụ nữ trước khi quyết định "đi bước nữa", ngoài tình yêu, hạnh phúc của bản thân mình cần nghĩ tới con. Nên tìm hiểu kỹ xem người đàn ông đó có tốt hay không, có quan tâm đến con cái hay không?. Người mẹ phải cân nhắc khi quyết định đón họ về sống chung với mẹ con mình.
Trong thời gian sống chung, hơn hết dành thời gian cho con, trò chuyện, lắng nghe những tâm sự của con. Sự quan tâm của người mẹ sẽ biết con có biểu hiện gì khác không. Trẻ bị xâm hại có trường hợp sẽ sợ hãi, khóc lóc, có những trường hợp có dấu hiệu bất thường. Nhiều em không khóc nhưng lại chỉ chui vào ngồi im một góc, không giao tiếp, tránh gặp mọi người hay đột nhiên căm ghét những người khác giới. Khi quan tâm, cha mẹ dễ dàng nhận ra sự khác biệt.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, điều quan trọng hơn cả là các gia đình cần trang bị sớm cho trẻ những kĩ năng cần thiết. Hãy dạy con biết cách tự bảo vệ mình, biết cách phòng vệ, thoát thân khi bị xâm hại vào cơ thể. Cùng với đó, cần mạnh dạn lên tiếng tố cáo, nhờ sự giúp đỡ để bảo vệ con em mình một cách đúng đắn nhất. Suy nghĩ "tốt khoe, xấu che" mà không dám lên tiếng, nói sự thật của người lớn thêm lần nữa sẽ làm tổn thương trẻ.