Nội địa hóa công nghệ hạt nhân: TQ tìm cách phá tan mọi 'xiềng xích' từ Mỹ, mở đường cho tham vọng của 'Rồng'

Trung Quốc ngừng sử dụng công nghệ hạt nhân của Mỹ mà bắt đầu áp dụng những công nghệ phát triển trong nước.

Trung Quốc đã chuyển đổi từ việc sử dụng công nghệ hạt nhân Mỹ sang công nghệ phát triển nội địa giữa lúc có nhiều mối quan ngại về an ninh năng lượng và bất ổn địa chính trị gia tăng.

Công nghệ AP1000, được thiết kế bởi công ty Westinghouse Electric của Mỹ, từng là nền tảng của công nghệ hạt nhân thế hệ 3 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại Trung Quốc có nhiều lò phản ứng thế hệ 3 dựa trên công nghệ Hualong One (Hoa Long số Một) hơn là số lò phản ứng theo AP1000.

Hiện tại, có tổng cộng 12 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc - đang được xây dựng hoặc đã được chấp thuận - sử dụng công nghệ Hualong One. Trong khi đó, không có lò phản ứng AP1000 nào được chấp thuận trong hơn 10 năm qua. Các lò phản ứng cuối cùng sử dụng công nghệ Mỹ - tại tỉnh Sơn Đông và Chiết Giang - được đưa vào hoạt động thương mại từ năm 2018.

Hualong One dựa trên công nghệ ACP 1000 của Hiệp hội Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc và công nghệ ACPR 1000 của Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc - cả hai đều được xây dựng dựa trên công nghệ Pháp.

Hualong One vượt qua bài đánh giá quốc gia vào năm 2014 - 3 năm sau thảm họa hạt nhân Fukushima - và được sử dụng bởi nhiều nhà máy năng lượng mới ở Trung Quốc. Được biết, nhà máy năng lượng hạt nhân thứ 5 và thứ 6 ở tỉnh Phúc Kiến sẽ sử dụng thiết kế lò phản ứng áp lực nước.

AP1000 được coi là công nghệ tiên phong được sử dụng cho các nhà máy hạt nhân thế hệ 3 ở Trung Quốc nhờ vào tiêu chuẩn an toàn được đơn giản hóa, cấu trúc mô-đun và các thành phần nhỏ cho phép nội địa hóa thiết bị dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, một chuyên gia cho biết nội địa hóa công nghệ, tự phát triển công nghệ năng lượng hạt nhân, xây dựng và vận hành nhà máy năng lượng hạt nhân độc lập đã luôn là mục tiêu của Trung Quốc từ khi quốc gia này bắt đầu "hành trình hạt nhân" từ hơn 50 năm trước.

"Các nhà máy điện hạt nhân sẽ chọn Hualong One trong tương lai bởi vì đây là công nghệ do Trung Quốc phát triển độc lập và tốt ngang AP1000," chuyên gia này nói.

"AP1000 là công nghệ của Westinghouse và Trung Quốc sẽ bị họ kiểm soát mỗi khi chúng tôi muốn xây lò phản ứng, bán hoặc xuất khẩu tới các nước khác".

Bất ổn địa chính trị cũng là một mối quan ngại khác. Mối quan hệ bấp bênh giữa Mỹ - Trung đe dọa mọi lĩnh vực có liên quan tới hợp tác giữa hai bên và ngành năng lượng cũng nằm trong số đó. Bắc Kinh đã khuyến khích các nhà máy và tổ chức quân sự tăng cường nội địa hóa tất cả trang thiết bị.

Trung Quốc tuyên bố rằng lò phản ứng hạt nhân Hualong One đã đạt mức nội địa hóa 85%.

Khi Mỹ trừng phạt Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Trung Quốc (CGN) và 3 công ty con vào năm 2019 với cáo buộc đánh cắp công nghệ Mỹ để sử dụng cho mục đích quân sự, CGN nói ảnh hưởng đối với công ty là "nằm trong tầm kiểm soát".

Theo Bloomberg ước tính, Trung Quốc sẽ vượt Pháp để trở thành quốc gia sản xuất năng lượng hạt nhân nhiều thứ 2 thế giới vào năm 2022 và vượt qua Mỹ sau 4 năm tiếp theo đó.

Tất Đạt

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/noi-dia-hoa-cong-nghe-hat-nhan-tq-tim-cach-pha-tan-moi-xieng-xich-tu-my-mo-duong-cho-tham-vong-cua-rong-82020149141918652.htm