Nội địa hóa nhà máy nhiệt điện than: Lực đẩy từ chính sách
Qua thực tế đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện trong những năm gần đây, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam đã từng bước nắm bắt công nghệ, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện than công suất đến 600MW…
Quyết tâm nội địa hóa
Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng - Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) - cho biết, theo hồ sơ Quy hoạch điện VII, từ năm 2011 đến 2030, sẽ có trên 50 nhà máy nhiệt điện than được đầu tư xây dựng với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư cho phần xây dựng và thiết bị khoảng 60-70 tỷ USD. Đây là thị trường lớn để phát triển các ngành cơ khí phụ trợ nói chung, cho ngành cơ khí chế tạo nhiệt điện nói riêng.
Để Việt Nam có thể độc lập, tự chủ trong thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt điện cũng như đầu tư các dự án nhiệt điện, giảm giá thành đầu tư và tránh lệ thuộc nhà thầu nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 về cơ chế thí điểm thực hiện thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện giai đoạn 2012-2025.
Mục tiêu chung của cơ chế là giúp các DN cơ khí trong nước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ thiết kế, chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước. Cụ thể, đảm bảo làm chủ 80% giá trị thiết kế, 70% giá trị chế tạo cho 11 hạng mục thiết bị của nhà máy nhiệt điện vào năm 2025.
Theo đó, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt Dự án "Nghiên cứu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than công suất đến 600MW - một tổ máy phù hợp với điều kiện Việt Nam" với 12 nhiệm vụ nhằm hỗ trợ các DN nghiên cứu hoặc nhận chuyển giao công nghệ làm chủ việc thiết kế, chế tạo các thiết bị kể trên.
Làm chủ công nghệ
Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí - nhấn mạnh, thời gian qua, các viện nghiên cứu, DN cơ khí đã và đang nỗ lực để nâng cao năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Điển hình, Viện Nghiên cứu cơ khí đã được giao chủ trì thực hiện đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy khoảng 600 MW". Sau hơn 5 năm thực hiện, hệ thống bốc dỡ và vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã và đang hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, được chủ đầu tư và tổng thầu EPC đánh giá cao.
Cũng với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN và Bộ Công Thương từ chương trình KH&CN cấp nhà nước, viện đã thực hiện thành công Dự án hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện 1.000.000 Nm3/h với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 90% về khối lượng, chất lượng sản phẩm lọc bụi tĩnh điện tương đương tiêu chuẩn châu Âu, G7. Sản phẩm đã được ứng dụng trực tiếp cho các dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 1 và đang cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Tiến sĩ Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí:
Cần có cơ chế cho phép chủ đầu tư được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam đối với các gói thầu nội địa hóa; đồng thời cho phép bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay từ nước ngoài để thực hiện các dự án theo cơ chế thí điểm tại Quyết định 1791/QĐ-TTg.