Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm
Chương IV: Chống dịch. Công bố dịch gồm 4 điều, bao gồm các quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch; nội dung công bố dịch; điều kiện và thẩm quyền công bố hết dịch; đưa tin về tình hình dịch.
Ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, gồm các quy định về nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch; nội dung ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch; thẩm quyền bãi bỏ tình trạng khẩn cấp khi hết dịch; đưa tin trong tình trạng khẩn cấp về dịch.
Các biện pháp chống dịch, gồm các quy định về thành phần Ban chỉ đạo chống dịch; khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; tổ chức cách ly y tế; vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch; các biện pháp bảo vệ cá nhân; các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch; kiểm soát ra, vào vùng có dịch đối với bệnh dịch thuộc nhóm A; các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về dịch; huy động, trưng dụng các nguồn lực cho hoạt động chống dịch và hợp tác quốc tế trong hoạt động chống dịch.
Về công bố dịch, luật quy định mọi trường hợp có dịch đều phải được công bố nhưng để tránh tình trạng công bố dịch không chính xác, gây hoang mang cho nhân dân và ảnh hưởng đến sự phát triển KT - XH, luật quy định cụ thể về thẩm quyền công bố dịch, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể điều kiện công bố dịch. Bên cạnh đó, về bản chất, việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch cũng là một hình thức công bố dịch, nhưng do đặc thù của tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh đòi hỏi phải có các biện pháp đặc biệt để khống chế dịch, hạn chế đến mức tối đa các thiệt hại về người và tài sản cho Nhà nước và nhân dân nên luật đã tách việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thành một mục riêng.
Về các biện pháp chống dịch, luật quy định về việc áp dụng các biện pháp có tính cưỡng chế cao nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan của dịch bệnh như kiểm soát ra, vào vùng có dịch, tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch, hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.
Chương V: Các điều kiện bảo đảm để thực hiện phòng, chống bệnh truyền nhiễm (BTN), gồm các quy định về cơ sở phòng, chống BTN; đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác phòng, chống BTN; chế độ đối với người làm công tác phòng, chống BTN và người tham gia chống dịch; kinh phí cho công tác phòng, chống BTN; dự trữ quốc gia cho phòng, chống dịch và quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch.
Nội dung của chương này tập trung vào việc quy định về các nguồn lực nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống BTN; chế độ, chính sách đối với người làm công tác phòng, chống BTN..., đặc biệt là quy định xem xét để công nhận là liệt sỹ hoặc thương binh, hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, đối với trường hợp dũng cảm cứu người trong khi tham gia chống dịch mà chết hoặc bị thương.
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)