Nội dung Tọa đàm 'Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới'
Tại Tọa đàm 'Nghị quyết 128 - Hướng tới bình thường mới' do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia đã phân tích, bình luận, làm rõ hơn các thông tin, nội dung cụ thể liên quan đến Nghị quyết; tư duy và sự chuyển hướng chiến lược của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch cũng như việc đưa Nghị quyết vào thực thi hiệu quả trong cuộc sống...
Thưa Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, với tư cách là lãnh đạo Bộ Y tế, ông có thể nêu khái quát những kết quả nổi bật trong phòng chống dịch thời gian qua và chúng ta đã vượt qua những khó khăn như thế nào, lớn như thế nào trong phòng chống dịch, nhất là tại TPHCM thời gian qua? Những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống dịch?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Đất nước chúng ta đến hôm nay đã trải qua 4 đợt dịch. Về kết quả nổi bật trong công tác chống dịch thời gian qua, nhất là đợt dịch lần thứ 4, với sự nỗ lực đoàn kết, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã hết sức cố gắng, đồng tâm hiệp lực, quyết liệt thực hiện các chủ trương, biện pháp, cùng sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nên cơ bản khống chế được dịch, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 (với biến chúng Delta lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong dự báo).
Qua đợt dịch này, Bộ Y tế tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia ban hành các hướng dẫn về cách ly, khoanh vùng, dập dịch, xác định các địa bàn có nguy cơ cao, nguy cơ rất cao để có biện pháp cụ thể, khoanh vùng hẹp nhất có thể.
Chúng ta xét nghiệm thần tốc, tiến độ xét nghiệm đi trước khả năng lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, xác định biện pháp, giải pháp phòng chống dịch phù hợp với từng thời điểm, từng diễn biến dịch bệnh.
Đồng thời, tích cực làm tốt ngoại giao vaccine, huy động được nguồn vaccine trong bối cảnh cả thế giới khan hiếm. Đến ngày hôm nay, chúng ta đã đạt được diện bao phủ vaccine nhất định trong cộng đồng, tạo tiền đề cho việc khôi phục lại phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống, an sinh xã hội của người dân.
Tiếp theo, chúng ta ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, đặc biệt Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2. Cùng với đó, chúng ta đang tích cực nghiên cứu đẩy mạnh sản xuất vaccine trong nước. Chúng ta đã có vaccine đang triển khai thí điểm giai đoạn 3 và các loại vaccine khác đang triển khai thử nghiệm. Chúng ta đã có hệ thống kết nối được trên 1.000 điểm cầu để tiến hành hội chẩn, thảo luận; gần đây nhất, tất cả điểm cầu xã phường, thị trấn đã kết nối được với điểm cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia để thuận tiện trong công tác chỉ đạo, điều hành chống dịch. Đặc biệt ứng dụng công nghệ mạnh mẽ trong truy vết, khai báo y tế, thông qua hợp nhất các ứng dụng phòng, chống COVID-19 thành PC-Covid, tạo thuận lợi cho người dân truy cập và trong công tác phòng, chống dịch.
Cùng với đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực đồng hành cùng các cấp ủy đảng, chính quyền để làm tốt phòng, chống dịch bệnh.
Về khó khăn, không chỉ ở tất cả các tỉnh, thành phố khác trên cả nước mà đặc biệt là TPHCM và các tỉnh phía nam trong đợt dịch thứ 4 vừa qua với bến chủng Delta, lúc đầu công tác chỉ đạo điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chưa thống nhất, còn bị động. Công tác chỉ đạo một số biện pháp cụ thể còn nóng vội, chưa kịp thời điều chỉnh theo tình hình dịch bệnh. Các quy định chưa bao quát hết được các tình huống để ứng phó với dịch bệnh vì đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện.
Tôi nhận thấy khâu tổ chức vẫn yếu. Việc tổ chức thực hiện ở từng khu vực, từng vùng, từng địa bàn, nhưng chưa tính đến hết nhu cầu của ngươi dân và khả năng đáp ứng tại chỗ nên một số nơi thực hiện còn lúng túng, chưa đảm bảo theo hướng dẫn của cơ quan cấp trên.
Hệ thống y tế còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là y tế cơ sở y, y tế dự phòng chưa đáp ứng được nhu cầu phòng dịch diễn biến nhanh với chủng Delta. Người dân rất khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế khi dịch bùng phát rộng dẫn đến tình trạng quá tải, tăng nguy cơ tử vong. Hầu hết trang thiết bị y tế, sinh phẩm, thuốc men, vaccine chúng ta đều phải nhập khẩu, chưa sản xuất được nên bước đầu còn bị động, chưa đảm bảo phương châm 4 tại chỗ ở các địa phương.
Công tác truyền thông có lúc có nơi chưa được chuẩn bị kỹ, kịp thời, nên còn lúng túng nhất trong thời gian đầu. Ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn đầu chưa được tích hợp thành 1 nền tảng thống nhất.
Từ tồn tại, hạn chế ở TPHCM và ở một số địa phương khác mà chúng tôi đã rút kinh nghiệm, thấy rằng để làm tốt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới, chúng ta cần có bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ban ngành và phải huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động tất cả các nguồn lực ở trong nước cũng như nước ngoài, nguồn lực của người dân, doanh nghiệp để tham gia phòng, chống dịch.
Phân cấp phân quyền và phát huy tính chủ động linh hoạt ở từng cấp để tổ chức thực hiện, nhất là cấp cơ sở, đi đôi với tăng cường kiểm tra giám sát hướng dẫn hỗ trợ thực hiện, kết hợp hài hòa giữa việc thực hiện 4 tại chỗ. Kịp thời huy động mọi người lực từ Trung ương đến địa phương, tập trung nguồn lực hỗ trợ các địa phương đang hoặc có nguy cơ bùng phát dịch.
Bám sát thực tiễn, nắm chắc và dự báo sát tình hình dịch bệnh để đưa ra các biện pháp kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động xây dựng kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, đồng bộ tại các cấp để thực hiện.
Bình tĩnh, không hốt hoảng, đồng thời không lơ là chủ quan vì chúng ta chống dịch chưa có tiền lệ, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; kịp thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và các biện pháp, giải pháp mà chúng ta đã thực hiện, được chứng minh hiệu quả. Đồng thời kiên định, kiên trì, nhất quán trong lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống dịch, đặc biệt khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội thì phải thực hiện nghiêm, dứt khoát, xác định rõ mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời triển khai các biện pháp một cách linh hoạt theo phạm vi, đối tượng, thời gian và thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội cũng như trật tự an toàn xã hội.
Huy động tổng lực ngành y tế và điều trị từ sớm từ xa để giảm nguy cơ tử vong. Hình thành được trạm y tế lưu động để cung cấp dịch vụ y tế cho người dân ngay từ cơ sở, đặc biệt là các địa bàn thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách, để đảm bảo cho người dân tiếp cận được dịch vụ y tế ban đầu, không chỉ y tế cho phòng chống dịch mà cả chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Cùng với đó, chúng ta phải tiếp cận và chuẩn bị các nguồn lực vaccine, thuốc điều trị để chủ động trong phòng chống dịch.
Cuối cùng, làm tốt công tác thông tin, truyền thông tạo sự đồng thuận cho người dân. Thông tin phải chủ động đi trước một bước từ đó để người dân hiểu, đồng cảm, thống nhất, đồng thuận với các biện pháp để thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp cách ly để phòng chống theo các Chỉ thị 15, 16, 19 của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp cách ly đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động vận tải và ngành giao thông vận tải đã có những phải pháp gì để khắc phục những khó khăn, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa, thưa Thứ trưởng Lê Đình Thọ?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ:Trước hết, chúng ta phải hiểu và nhận thức đúng là trong mọi điều kiện, kể cả trạng thái bình thường hay trong giai đoạn chống dịch thì ngành GTVT luôn luôn phải đáp ứng được mọi yêu cầu. Từ nhận thức đó và từ quan điểm, chỉ đạo của Chính phủ và của ngành, chúng tôi xác định là khi đất nước đang ở trạng thái bình thường bắt đầu phòng chống dịch thì chúng ta chuyển sang trạng thái mới. Khi đã chuyển sang trạng thái mới rồi thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời và phải đảm bảo phục vụ lưu thông hàng hóa, phục vụ đi lại của người dân và phục vụ phòng chống dịch tốt nhất.
Chính từ quan điểm chỉ đạo, từ nhận thức đó, trước hết chúng tôi quán triệt toàn ngành, từ Trung ương đến địa phương, phải nắm được quan điểm này để tổ chức thực hiện đồng bộ, thể hiện vai trò của ngành trong phòng, chống dịch. Kết quả này cho thấy tuy chúng ta tổ chức triển khai giãn cách xã hội, có những địa phương thực hiện theo Chỉ thị 15, nhưng cũng có địa phương thực hiện theo Chỉ thị 16, và có những địa phương thực hiện trên Chỉ thị 16, điều kiện còn ngặt nghèo hơn. Hoặc sau này, chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 19. Tức là theo cấp độ phòng chống dịch thì ngành GTVT cũng phải thích ứng kịp thời.
Có thể nói năm 2020, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và vận tải hành khách, đến giờ chúng tôi nhận định và đánh giá ngành GTVT vẫn đang đáp ứng được nhu cầu phục vụ phòng, chống dịch đồng thời thực hiện mục tiêu kép là phục vụ phát triển kinh tế và sự đi lại của người người dân, đáp ứng rất kịp thời, thể hiện ở một số lĩnh vực.
Thứ hai, đối với ngành GTVT, trước tình hình diễn biến như thế, ngoài đưa ra quan điểm chỉ đạo sát tình hình, sát chủ trương của Đảng, của Chính phủ trong chỉ đạo phòng, chống dịch, chúng tôi còn đưa ra giải pháp cụ thể sát với tình hình của ngành.
Đó là chúng tôi xác định không thể đứt được chuỗi cung ứng, trong đó khâu lưu thông là vấn đề vô cùng quan trọng phục vụ cho phòng chống dịch. Chúng tôi đã xác định những nơi áp dụng cấp độ khác nhau nhưng vẫn phải tổ chức vận tải, kể cả vùng có dịch hay vùng không có dịch. Rồi vấn đề phối kết hợp, ví dụ như chúng tôi phải duy trì được cầu hàng không vận chuyển từ Hà Nội tới TPHCM, vừa vận chuyển vật tư thiết yếu, thuốc men, đồng thời, vận chuyển nguồn nhân lực để hỗ trợ cho các tỉnh phía nam phòng, chống dịch; phục vụ sự đi lại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Đối với hàng hóa, chúng tôi cũng xác định không để đứt gãy chuỗi hàng hóa nên phải duy trì bằng mọi cách, ví dụ như tại TPHCM là khu vực cảng Cát Lái, và một số cảng của Đồng Nai , Bình Dương gắn liền với những khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở đây, chúng ta vẫn tổ chức thực hiện sản xuất tại chỗ, duy trì sản xuất để vẫn có sản phẩm cho xuất khẩu hàng hóa. Do đó, chúng tôi phải tổ chức làm sao giữ vững được chuỗi vận tải và đến bây giờ, có thể khẳng định hàng hóa xuất khẩu trong dịp vừa rồi, nhất là qua cảng biển lớn như Hải Phòng, khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, khu vực Đồng Nai, Quy Nhơn… vẫn được duy trì.
Vấn đề thứ hai nữa là khi tổ chức giao thông, chúng tôi cũng phải đưa ra những giải pháp đế thích ứng kịp thời. Ví dụ phải xác định đối tượng vận chuyển được ưu tiên, ưu tiên thì phải có nhận diện. Từ đó, chúng tôi đưa ra mã QR để nhận diện những phương tiện được ưu tiên để cho phép lưu thông kịp thời.
Một vấn đề nữa là khi phòng chống dịch, chúng tôi cũng đã chỉ đạo một trong những giải pháp chúng ta phải sẵn sàng là phương tiện và nguồn nhân lực để khi có yêu cầu là chúng ta đáp ứng. Việc này vừa rồi đã thể hiện rất rõ, đặc biệt tại TPHCM, lực lượng giao thông ở Thành phố đã có kế hoạch thích ứng rất kịp thời trong từng giai đoạn nên khi có điều động, có huy động người, phương tiện, nhân vật lực để phục vụ chống dịch là chúng tôi đáp ứng được.
Ví dụ như thiếu phương tiện vận chuyển hay cấp cứu người bệnh, đã phải huy động đến lực lượng taxi 7 chỗ, chúng ta đưa những điều kiện y tế để huy động được lực lượng taxi phục vụ. Hoặc chúng ta sử dụng lực lượng shipper vận chuyển bằng xe máy có điều kiện để phục vụ đời sống nhân dân cũng như vận chuyển hàng hóa, phòng chống dịch. Có thể nói, chúng ta đều có những phương án rất cụ thể, rất chi tiết.
Chúng ta đều biết, vừa rồi người dân trở về quê, đi qua các tỉnh, thành phố. Các địa phương đã chỉ đạo và các sở đã chuẩn bị sẵn sàng từ xe vận chuyển hàng hóa, đến vận chuyển người, khi có điều kiện là đưa lực lượng này tiếp ứng kịp thời… Tất cả những việc này, chúng tôi phải có chỉ đạo theo ngành dọc để luôn sẵn sàng và đáp ứng được mọi yêu cầu. Có thể khẳng định đến thời điểm này, lĩnh vực GTVT, từ huy động nguồn lực đến phương tiện, con người để phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân… chưa bị đứt gãy.
Là địa phương ứng phó khá tốt với dịch bệnh thời gian qua, xin ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay tình hình dịch bệnh tại địa phương đã được kiểm soát như thế nào, đâu là những kết quả nổi bật trong công tác phòng chống dịch của địa phương? Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu: Khánh Hòa là một trong những tỉnh mà tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, trong đó tập trung ở hai địa bàn TP. Nha Trang và thị xã Ninh Hòa.
Ngày 30/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã nhận được thông báo của tỉnh liền kề xác định có ca nhiễm COVID-19 từng đến cảng cá Hòn Rớ của tỉnh Khánh Hòa. Qua truy vết, chúng tôi thấy ca F0 đi qua rất nhiều địa bàn của tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt tiếp xúc với các F1 ở các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Qua đánh giá cho thấy, tình hình dịch hết sức phức tạp, F2 cũng thành F0.
Chính vì vậy, ngày 9/8, sau 10 ngày xác định ca nhiễm đầu tiên, tỉnh Khánh Hòa quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Tỉnh dự kiến ban đầu trong khoảng thời gian 14 ngày sẽ kiểm soát tình hình dịch bệnh. Giải pháp ban đầu chúng tôi đưa ra theo hướng dẫn chung của ngành y tế là giãn cách triệt để và về mặt y tế sẽ tổ chức tầm soát xét nghiệm, đưa các ca F0 đi điều trị, F1 đi cách ly tập trung. Tuy nhiên, đây là lần đầu dịch bệnh bùng phát mạnh do biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguồn lây xuất phát từ các chợ truyền thống nên ăn sâu vào cộng đồng; địa bàn truy vết cũng rất phức tạp, nhiều khu dân cư chật chội, điều kiện sinh sống rất khó khăn nên việc giãn cách không được triệt để. Trong các lần tầm soát cũng để bị sót đối tượng. Vì vậy, sau 2 lần giãn cách, tỉnh quyết định giãn cách thêm 2 lần nữa, tức là đã thực hiện giãn cách 4 lần với tổng thời gian giãn cách 56 ngày.
Bắt đầu từ ngày 8/9, Khánh Hòa cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh và nới lỏng giãn cách; sản xuất kinh doanh, các công trình xây dựng bắt đầu tổ chức hoạt động lại. Đến ngày 1/10, tỉnh Khánh Hòa nới lỏng thêm một lần nữa, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.
Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.600 ca bệnh, đã điều trị hơn 8.000 ca; trong các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến còn hơn 500 ca bệnh. Trong tổng số các ca bệnh, chúng tôi xác định chưa tới 2% các ca bệnh nặng và nguy kịch. Hiện nay các ca bệnh đang điều trị chỉ có 11 bệnh nhân ở mức độ nặng, không có trường hợp nào phải sử dụng biện pháp can thiệp xâm lấn. Có 89 người tử vong, chiếm tỉ lệ 1,02%, đa số từ 60 tuổi trở lên và có bệnh nền. Như vậy, công tác điều trị cũng đạt được kết quả đáng mừng.
Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, chúng tôi thấy, diễn biến dịch diễn ra từng ngày, công tác lãnh đạo chỉ đạo cũng phải điều chỉnh linh hoạt từng ngày, cảm xúc và áp lực của lãnh đạo tỉnh cũng theo từng ca nhiễm. Thời gian đầu mặc dù đã có kịch bản, đã xây dựng phương án cụ thể, nhưng công tác phòng chống dịch còn lúng túng, nhất là khi ca nhiễm tăng nhanh, trong khi vật lực nhân lực, trang thiết bị còn thiếu. Nhưng sau đó, lãnh đạo của tỉnh từ Tỉnh ủy đến UBND tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã bắt đầu củng cố lại, điều chỉnh công tác tổ chức phòng chống dịch. Hằng ngày, vào 7h sáng Thường trực Tỉnh ủy họp giao ban về phòng chống dịch COVID-19 để xử lý các tình huống phát sinh kịp thời. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch đã có chuyển biến và sau 4 lần giãn cách tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát.
Thực tiễn phòng chống dịch cho thấy ở giai đoạn đầu, công tác truy vết xét nghiệm thần tốc, đưa nhanh các F0 ra cộng đồng là việc làm rất cần thiết. Chính nhờ vậy mới nhanh kiểm soát được dịch bệnh. Tỉnh Khánh Hòa, nhất là thành phố Nha Trang, có lúc đã huy động trong một ngày nguồn nhân lực ở tất cả địa bàn lên đến 6.500 người phục vụ, 1.300 tổ lấy mẫu, lấy mẫu trên toàn địa bàn thành phố Nha Trang đến 8h-9h đêm. Qua đợt lấy mẫu đó, chúng tôi cố gắng không để sót đối tượng, bởi những đối tượng bỏ sót sẽ trở thành F0, F1 tiếp tục lây lan trong cộng đồng. Danh sách được rà soát đến từng thôn, xóm. Qua đợt xét nghiệm lớn như vậy, tỉnh Khánh Hòa đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Trong quá trình tổ chức phòng chống dịch, phát sinh nhiều việc làm mới, Khánh Hòa xác định mức độ nguy cơ đến cấp thôn, tổ dân phố, như vậy công tác quản lý được đưa vào diện hẹp hơn, tạo thuận lợi cho người dân trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong quá trình thực hiện còn có khó khăn như các đối tượng nghiện ma túy là các F0, điều trị các đối tượng này rất vất vả. Khánh Hòa đã truy vết và xác định có 94 trường hợp F0 là đối tượng nghiện ma túy nên tỉnh đã thành lập riêng một bệnh viện dã chiến để điều trị cho họ. Đến nay, 94 đối tượng nghiện ma túy vừa cắt được cơn vừa được điều trị khỏi COVID-19.
Công tác an sinh xã hội là rất quan trọng giúp người dân thực hiện giãn cách xã hội yên tâm hơn, đảm bảo được cuộc sống tối thiểu. Ngoài chính sách của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa cũng có những chính sách riêng của tỉnh. Đến nay đã hỗ trợ được hơn 125.000 người với kinh phí khoảng 245 tỷ đồng. Trong thời gian giãn cách, rất nhiều doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã đóng góp tích cực để hỗ trợ cho người dân bớt khó khăn. Tỉnh đã lập Trung tâm Cứu trợ xã hội để thực hiện ngay nhiệm vụ này, đáp ứng được nhu cầu của người dân khi gặp khó khăn.
Qua quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch thời gian qua, chúng tôi đã đúc kết những bài học kinh nghiệm. Trước hết là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, từ tỉnh đến cơ sở, và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là bài học sâu sắc được thể hiện trong đợt huy động 6.500 người trong vòng 1 giờ để hỗ trợ 1.300 tổ lấy mẫu xét nghiệm.
Một bài học nữa là các cấp dù ở đâu, người đứng đầu tập trung chỉ đạo thì ở đó công tác phòng, chống dịch đạt kết quả.
Một vấn đề nữa là công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân cùng tham gia phòng chống dịch bệnh, đây là nhân tốt quyết định thành công trong công tác phòng chống dịch. Người dân thực hiện giãn cách tốt, thực hiện phòng bệnh tốt thì công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả cao.
Bài học nữa là sự chia sẻ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã nhận được rất nhiều hỗ trợ về cả nhân lực, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm để giúp cho Khánh Hòa kiểm soát được dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị phù hợp với tình hình, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt xử lý các tình huống xảy ra. Đó là những nội dung mà tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Chúng ta đã chịu một "cú sốc" lớn nhưng không rơi vào hỗn loạn
Thưa TS. Lưu Bình Nhưỡng, ông đánh giá, nhìn nhận như thế nào về vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng thuận, tích cực chủ động vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch thời gian qua?
Việc thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân vừa khôi phục phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, ông có nhận định gì về những khó khăn, thách thức trong thực hiện mục tiêu này thời gian tới?
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta phải khẳng định nếu không có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, không có sự tuân thủ một cách nghiêm túc và đặc biệt là sự hợp tác, đồng thuận của người dân trong thời gian vừa qua thì có lẽ công cuộc phòng chống dịch bệnh và duy trì sinh hoạt xã hội và sản xuất chắc chắn sẽ không đạt được kết quả như hiện nay. Chúng ta không chỉ đạt mục tiêu kép mà còn hướng tới thực hiện đa mục tiêu, có 2 mảng rõ rệt: Mảng thứ nhất là phòng, chống dịch bệnh, thứ hai là duy trì toàn bộ hoạt động của xã hội bao gồm những vấn đề mà tôi xin đề cập dưới đây.
Thứ nhất, trong duy trì hệ thống sản xuất, chúng ta không để đứt gãy chuỗi sản xuất, có thể ở mức độ này, mức độ khác, địa phương này, địa phương khác, lĩnh vực này, lĩnh vực khác… còn có những khó khăn nhưng có thể nói Chính phủ cũng như các địa phương và nhất là các doanh nghiệp vẫn duy trì được những hoạt động căn bản. Chúng ta chỉ chịu dừng lại một số hoạt động mà ở đó chúng ta không có điều kiện để duy trì hoặc dịch bệnh tàn phá nặng nề, còn lại vẫn tiếp tục duy trì sản xuất.
Thứ hai, chúng ta đã biết khi Hà Nội phát hiện bệnh nhân số 17, thì có xu hướng vơ vét tất cả nguồn lực xã hội, tất cả siêu thị tràn ngập người dân mua tích trữ lương thực, nhà nào cũng phòng bị, nhưng đến đợt dịch lần thứ 4, câu chuyện đó không tồn tại nữa. Nhưng lại vướng phải vấn đề do quá trình phòng, chống dịch lâu dài, dẫn đến thiếu thốn của các hộ gia đình. Lúc đó chúng ta đã tăng cường năng lực an sinh xã hội và sự giúp sức của người dân, cho nên chúng ta đã bảo đảm một phần rất lớn sinh hoạt của người dân và giúp người dân tiếp tục trụ vững.
Tuy nhiên quá trình chống dịch quá lâu dẫn đến một số người dân, nhất là đối tượng nông thôn về đô thị kiếm công ăn việc làm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có rất nhiều vấn đề chưa dự báo hết tình hình, thậm chí còn lúng túng, trong đó có việc tập hợp và phân bổ các nguồn lực, kể cả nguồn lực phục vụ cho phòng, chống dịch cũng như nguồn lực phục vụ cho đời sống của người dân. Trung ương đã có chỉ đạo nhưng các địa phương cũng không dự liệu được hết, dẫn đến lúng túng.
Hệ thống y tế chưa dự phòng, dự liệu đến trường hợp dịch càn quét quá nặng nề như giai đoạn này, chúng ta đã bị động. Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng có cách làm sáng tạo, Trung ương cũng quyết liệt cho nên chúng ta đã có các Chỉ thị 15, 16 và 19. Chúng ta cũng có 2 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết 105 và Nghị quyết 116. Hai Nghị quyết vô cùng quý giá và chúng ta cũng thực hiện nhiều biện pháp khác như nghiên cứu sản xuất vaccine, ngoại giao vaccine… Trong nỗ lực chung, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đề cập đến vấn đề vaccine và công nghệ sản xuất vaccine trong cuộc gặp với các phái đoàn để chúng ta có vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể.
Chúng ta đã chịu đựng một cú sốc lớn nhưng đã không chấp nhận đóng băng toàn bộ hoạt động xã hội, vì nếu chúng ta để mạch máu giao thông đứt gãy tức là cơ thể rơi vào trạng thái hôn mê và sẽ chết, chúng ta rất may không rơi vào tình trạng đó, không rơi vào tình trạng hỗn loạn, đây là vấn đề rất tốt đối với khía cạnh quản lý xã hội.
Vấn đề thứ hai, chúng ta rất trân trọng người dân đã đóng góp lớn, không chỉ công sức mà còn cả sự đồng thuận bằng toàn bộ nguồn lực của mình, vai trò to lớn của các nhà thiện nguyện, các nhà hảo tâm cho công tác phòng chống dịch, an sinh xã hội nói chung, đến mức vượt qua tưởng tượng của chúng ta.
Với tư cách là đại diện cũng như tiếp xúc nhiều ý kiến của cử tri, tôi cho rằng sức mạnh to lớn của người dân có vai trò to lớn để chúng ta duy trì được trạng thái như bây giờ. Nếu không có điều đó, Chính phủ cũng không có điều kiện để ban hành Nghị quyết 128 ngày 11/10/2021 để đất nước dần sớm trở về trạng thái bình thường mới. Chúng ta đã giữ được ổn định mới bắt đầu từ trạng thái mới.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp chống dịch, theo quan điểm của cá nhân ông, những vấn đề y tế đặt ra hiện nay là gì, thưa GS. Nguyễn Anh Trí?
GS. Nguyễn Anh Trí: Để thực hiện hiệu quả hơn nữa các biện pháp chống dịch, theo tôi cần tập trung vào những vấn đề sau.
Đầu tiên là người dân tiếp tục phải tuân thủ 5k và quan trọng là khai báo y tế, đưa ứng dụng PC-Covid vào để kiểm soát rộng hơn.
Thứ hai là vấn đề tiêm phủ vaccine bây giờ rất cấp thiết, ai ai cũng cần vaccine, tỉnh thành nào cũng cần vaccine. Bộ Y tế hiện nay vẫn đang ưu tiên tuyến đầu chống dịch. Theo tôi cần ưu tiên thêm đội ngũ shipper là rất quan trọng và đối tượng học sinh, sinh viên cũng phải ưu tiên tiêm vaccine để các em có thể đi học lại bình thường.
Tuy nhiên tôi thấy có một vấn đề là ở một số nước, mới đầu mọi người rất hăng hái tiêm vaccine nhưng sau khi dịch tạm ổn thì lại không tích cực tiêm nữa. Ví dụ ở Mỹ, người dân bây giờ lại không chịu tiêm, hay LB Nga - nước sản xuất vaccine - nhưng giờ mới có chừng 35% dân số tiêm đủ dẫn đến vài ngày gần đây Nga có rất nhiều người chết vì COVID-19.
Thứ ba là vấn đề dập dịch, chúng ta đã có kinh nghiệm trong công tác dập dịch suốt thời gian vừa qua nhưng bây giờ làm phải gọn, phải đúng, phải trúng, không phong tỏa diện rộng nữa. Các biện pháp cách ly, phong tỏa phải làm rất nhanh và hợp lý.
Thứ tư là vấn đề xét nghiệm, tôi cho rằng không bao giờ được bỏ khâu này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo phải xét nghiệm. Nhưng bây giờ chúng ta phải rút kinh nghiệm là xét nghiệm phải thần tốc, nhưng thần tốc phải có trọng điểm, hợp lý, hiệu quả. Vừa rồi như tỉnh Khánh Hòa báo cáo, tôi rất đồng tình. Là nhà khoa học trong xét nghiệm, tôi cho rằng nếu ta không xét nghiệm đúng và trúng, để bỏ sót ca F0 nào trong cộng đồng sẽ dễ gây ra lây lan rất nguy hiểm.
Thứ năm, chúng ta tổ chức điều trị phải tốt và hiệu quả. Vừa qua những kinh nghiệm điều trị các ca bệnh ở TPHCM và Bình Dương là bài học quý báu về vấn đề này và cần tiếp tục phát huy.
Thưa ông Đỗ Xuân Tuyên, ông đánh giá thế nào Nghị quyết 128 lại được ban hành trong thời điểm này? Ông có thể phân tích sự phù hợp của Nghị quyết với diễn biến tình hình phòng chống dịch và phát triển kinh tế ở nước ta hiện nay?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Sau đợt dịch thứ 4 vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Số ca nhiễm vẫn có thể tăng cao, việc bao phủ vaccine của chúng ta cũng đang ở mức còn khiêm tốn. Chính vì vậy, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch. Việt Nam cũng đang trong xu hướng như vậy.
Tại Việt Nam, qua 4 đợt dịch, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, công tác phòng chống dịch của chúng ta đã đạt được những hiệu quả nhất định. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Song song áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có hiệu quả ở các thời điểm, nhất là thời điểm hiện nay, là rất đúng thời điểm, để kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch phải điều chỉnh linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tiễn cùng với việc đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine.
Đồng thời cũng cần phải phát hiện sớm các ca bệnh, không để sót ca bệnh. Khi phát hiện thì phải tiến hành khoanh vùng và cách ly ở diện hẹp nhất có thể, thậm chí có thể khoanh vùng một vài hộ gia đình...
Cùng với đó, hạn chế khoanh vùng cách ly kéo dài trên diện rộng và triển khai quyết liệt các biện pháp điều trị từ sớm, từ xa để giảm số ca tử vong. Các trường hợp F1 cũng phải cách ly phù hợp, không chỉ cách ly tập trung mà có thể cách ly tại hộ gia đình, tại nơi lưu trú, để ngăn chặn nguồn lây. Đồng thời phải tuân thủ nghiêm các biện pháp "5K+vaccine+thuốc+công nghệ thông tin+ý thức của người dân".
Cùng với đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, du lịch, giáo dục và đào tạo, sản xuất các ngành nghề... để từng bước có lộ trình đưa ra các giải pháp vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp và đảm bảo an toàn phòng chống dịch với nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hoạt hiệu quả phòng chống dịch.
Vì vậy, thời điểm này, Chính phủ ban hành Nghị định 128 hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay cũng như công tác phòng chống dịch, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội.
Dứt khoát giải quyết bất cập, vướng mắc trong lưu thông
Trong thời gian qua, việc lưu thông hàng hóa và di chuyển của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương thực hiện giãn cách. Theo ông Lê Đình Thọ, Nghị quyết 128 sẽ có vai trò, ý nghĩa như thế nào trong việc khắc phục những bất cập trên để thực hiện lưu thông hàng hóa, nhất là giao thông, đi lại của người dân thống nhất trên cả nước?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Nghị quyết 128 không phải chỉ khắc phục riêng lưu thông hàng hóa mà Nghị quyết là quyết sách đúng đắn trong thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới. Quyết sách này cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay. Trước đây, chống dịch chúng ta thực hiện theo Chỉ thị 15, 16, quyết sách của Chính phủ là phù hợp và với sự đồng lòng của nhân dân đã đạt được những thành quả. Ngành giao thông cũng thích ứng linh hoạt, có những giải pháp hết sức cụ thể cho từng lĩnh vực vận tải mới có hiệu quả được.
Trong quá trình lưu thông hàng hóa, không tránh khỏi một số tồn tại bất cập. Đến thời điểm hiện nay, Nghị quyết 128 đã chỉ rất rõ và cố gắng khắc phục để chúng ta phục hồi phát triển kinh tế, phòng chống dịch tốt. Một loạt chủ trương, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết 128 là rất phù hợp.
Khi có Nghị quyết rồi, từ đánh giá giai đoạn đầu và đưa ra những giải pháp, khâu tổ chức vẫn là khâu quyết định sự thành công khi triển khai Nghị quyết. Lúc nào chúng ta cũng nói là cả hệ thống chính trị vào cuộc, vậy thì các thành viên trong hệ thống chính trị phải làm rõ, làm đúng trách nhiệm của mình.
Vừa rồi, trong lĩnh vực GTVT, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp đều phản ánh về những khó khăn, vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tổ chức chưa đồng bộ dẫn đến những bất cập. Dứt khoát lần này chúng ta phải giải quyết bất cập này. Chúng ta phải đồng bộ từ công tác tuyên truyền, tập huấn. Chủ trương là đúng nhưng thực hiện ở các chốt kiểm dịch còn chưa đồng bộ, hiểu chưa đúng, triển khai chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong vấn đề lưu thông. Chỉ dừng 1 chiếc xe trên đường 5 phút có thể kéo dài đến 1 tiếng và nhiều km, gây bức xúc cho doanh nghiệp, người dân, gây lãng phí.
Chúng tôi đã nhận thức được vấn đề này khi phân tích đánh giá và đưa ra các giải pháp. Ví dụ tại các chốt kiểm dịch, chúng ta phải phân luồng các đối tượng, ví dụ xe container một vị trí, xe khách một vị trí… không để dừng đỗ trên đường gây ách tắc nhưng vẫn kiểm soát dịch tốt.
Chúng ta phải thống nhất, ứng dụng công nghệ phải qua mã QR để khai báo y tế, chứ có địa phương bắt anh em ngồi ghi từng số xe thì chưa ổn. Ngành y tế đã quy định xét nghiệm 72 giờ thì cả nước thực hiện 72 giờ, có địa phương lại bảo chỉ có giá trị 24-48 giờ. Nếu chúng ta thực hiện chưa đồng bộ sẽ có những bức xúc.
Lần này, khi Nghị quyết 128 ra đời, chúng ta chuyển trạng thái từ đỉnh dịch đang xuống dần, phải thích ứng dần và gắn liền với giải pháp, khắc phục những tồn tại, góp phần vào việc phục hồi kinh tế nhanh nhưng vẫn chống dịch tốt. Nghị quyết 128 đưa ra rất kịp thời, rất đúng và trúng, rõ ràng về quan điểm chỉ đạo để chúng ta quán triệt, thực hiện.
Ông nhận định như thế nào về những điểm mới, có tính đột phá trong Nghị quyết 128 về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 do Chính phủ vừa ban hành?Các quy định này giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn thế nào, thưa GS. Nguyễn Anh Trí?
GS. Nguyễn Anh Trí: Nghị quyết 128 ra đời kịp thời đúng lúc, phù hợp với hoàn cảnh, tình hình; hướng dẫn cách thức bảo đảm tích ứng an toàn, linh hoạt để phòng chống dịch hiệu quả.
Đáng chú ý, Nghị quyết này thay thế cho các Chỉ thị trước đó là 15,16, 19. Đây là một dấu mốc cho việc cả nước chúng ta chuyển qua giai đoạn bình thường mới, từ nay cơ bản là coi như vùng xanh, đang an toàn, thay cho việc nhiều vùng đỏ trước kia, không còn phù hợp.
Tất nhiên, thực tế, chắc chắn vẫn còn xuất hiện các ca nhiễm mới (F0), vẫn có những điểm đỏ, vùng đỏ nên chúng ta tuyệt đối không chủ quan…
Gần đây, Thanh Hóa, Phú Thọ vẫn xuất hiện ca mắc nhưng không chủ quan nhưng không hoảng sợ, lo lắng quá mức.
Nghị quyết xây dựng dựa trên 3 tiêu chí, thứ nhất, số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần; thứ hai, số người đã tiêm; thứ ba là khả năng thu dung điều trị... Đó là những tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung áp dụng cho toàn quốc.
Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Nghị quyết 128 cần phải thống nhất trong cả nước. Các địa phương không tự ý quy định xét nghiệm chỗ 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ mà phải thống nhất mới giải quyết được mọi việc.
Trong Nghị quyết 128 có nhấn mạnh về tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất ở các địa phương. Vậy theo ông, các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo như thế nào để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả? Cái khó khăn của các địa phương trong áp dụng Nghị quyết 128 như nào, thưa ông Lưu Bình Nhưỡng?
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Trước hết tôi muốn đi từ một cách tiếp cận như thế này để chúng ta cùng thực hiện, nếu không Nghị quyết 128 chỉ là trên giấy thôi. Tôi thống nhất với các khánh mời và các vị là Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo, khi Nghị quyết 128 ra đời xã hội đón nó như luồng gió mới. Nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề. Chúng ta rất buồn với các chốt liên tỉnh. Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, thống nhất quan điểm không có giá trị gì, xét về mặt dịch tễ không có giá trị, xét về mặt giao thông vận tải thì càng tệ, dẫn đến câu chuyện mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đề cập là không được cát cứ. Đây là câu chuyện thứ nhất chúng ta phải khắc phục.
Thứ hai là cách ly tập trung, rất rủi ro. Tôi đã nghiên cứu các bệnh viện ở Bình Dương là 12.000 bệnh nhân với 12.000 giường bệnh tập trung vào đấy. Một con số khủng khiếp.
Thứ ba là chuyện người dân về quê, chuyện không được đi lại, trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở 1 hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít 1 hơi dài.
Thứ tư là tình hình y tế, bây giờ chúng ta phải củng cố lại. Câu chuyện này như là đi vào trận, vừa tiến công, phải vừa bắn vừa chạy. Chúng ta không thể cầm súng ngồi để mà chờ bắn được.
Câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. Trên mạng xã hội người ta nói rất nhiều là trên bảo dưới không nghe, đặc biệt là người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp Trung ương, đây là câu chuyện rất khó hiểu.
Thứ sáu là đã có chuyện tham nhũng trục lợi, đục nước béo cò, lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm ăn, để vơ vét. Thủ tướng đã phải chỉ đạo rồi, cương quyết nếu có dấu hiệu thì chúng ta phải lập tức điều tra xem xét xử lý.
Khi trở lại trạng thái bình thường mới thì chúng ta phải giải quyết những vấn đề đó với các mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh; phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng an ninh; các hoạt động bình thường và tiếp tục các hoạt động đối ngoại quốc tế.
Chuyển trạng thái như thế thứ nhất cần đảm bảo tính thống nhất, thứ hai đảm bảo tính tuân thủ cao, thứ ba đảm bảo thông tin phản ánh kịp thời. Nghị quyết chúng ta có rồi, trong trường hợp có gì phản hồi lại thì có sự điều chỉnh. Thứ tư, tôi phải lưu ý là chúng ta đang có chuyện hiểu lầm. Khi chúng ta tạm dừng Chỉ thị 15, 16, 19 và Khoản 1 Điều 1 của Nghị quyết 86 thì các địa phương hình dung là không biết có dừng an sinh xã hội không, có dừng các gói hỗ trợ không. Tôi nói là không thể dừng được, đặc biệt thi đua là không thể dừng được. Chỉ thị 19 là về thi đua, giờ mà dừng thi đua thì không đươc. Thế nên chúng ta có 3 điều chống khủng hoảng.
Thứ nhất là chống khủng hoảng y tế, cương quyết không được khủng hoảng y tế nữa, từ câu chuyện vaccine đến thuốc chữa COVID… Chúng ta cũng phải vận dụng đông tây y, cả nam dược, đông được, đặc biệt củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thứ hai là không được để khủng hoảng an sinh cho người dân trực tiếp và những người về quê.
Không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt là ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Từ Nghị quyết đến hành động chúng ta có 3 vấn đề lớn, một là phải hiểu đúng; hai là đánh giá đúng tình hình địa phương; ba là phải đúng quy định nhưng quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này mai chỉ đạo cái khác. Các địa phương trên cơ sở Nghị quyết 128 thống nhất ban hành các văn bản để quy định ở địa phương mình. Trên cơ sở đánh giá tình hình thì chúng ta mới có thể vận dụng đúng được.
Các địa phương phải tuân thủ sự chỉ đạo từ Trung ương, thống nhất nhưng vận dụng có sự linh hoạt. Chúng ta đang ngồi ở đây là chúng ta đang ngồi ở địa điểm rất xanh, tất cả chúng ta đều tiêm hết, đều xét nghiệm hết, nhưng không được chủ quan. Đề nghị tiếp tục có sự tuyên truyền một cách đúng đắn, phổ biến sâu rộng cho người dân và đặc biệt hỗ trợ để người dân hiểu và thực hiện. Từ đó chúng ta mới đưa Nghị quyết vào thực hiện có hiệu quả thời gian tới.
Trước những kết quả tích cực đạt được trong công tác phòng chống dịch, Khánh Hòa đã và đang triển khai mạnh các biện pháp phục hồi nền kinh tế, duy trì ổn định đời sống nhân dân, ông nhìn nhận và kỳ vọng gì về Nghị quyết 128 trong tiến trình phục hồi của địa phương sau cao điểm phòng chống dịch thưa ông Đinh Văn Thiệu?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu: Chúng tôi có thể khẳng định Nghị quyết 128 là một quyết sách rất đúng đắn, rất hợp lý trong thời điểm hiện nay. Người dân và cộng đồng DN rất phấn khởi đón nhận Nghị quyết 128. Đối với tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đánh giá là ở cấp độ 2 theo 4 cấp độ phòng, chống dịch mà Nghị quyết quy định.
Chúng tôi đã và đang triển khai thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế. Chúng tôi quyết tâm thực hiện 6 mục tiêu như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng vừa nêu trên địa bàn của tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại sau giãn cách. Đặc biệt, thành phố biển Nha Trang từ ngày 16/10, người dân đã được tắm biển trở lại. Hoạt động trên bãi biển Nha Trang hiện nay đã rất nhộn nhịp. Học sinh, từ cấp THCS và THPT, bắt đầu từ ngày hôm nay (18/10), bắt đầu đi học trở lại. Chúng tôi thấy rằng trạng thái bình thường mới đã bắt đầu, chúng tôi cũng quyết tâm vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế cho giai đoạn từ nay về sau.
Quy định của địa phương không được trái với của Trung ương
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất trong triển khai Nghị quyết 128 là vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là hết sức phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Trong Nghị quyết đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương cũng căn cứ vào những hướng dẫn chung đó để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên, Nghị quyết cũng cho phép các địa phương linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không được trái với quy định của Trung ương, không gây ách tắc về giao thông và hàng hóa, không gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và đi lại của người dân.
Trong trường hợp tổ chức triển khai thực hiện hoặc trong trường hợp cần thiết phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch có quy mô toàn tỉnh, thành phố cao hơn các biện pháp quy định trong Nghị quyết 128; hoặc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, các hướng dẫn của các bộ, ngành các địa phương thấy chưa sát thực tế hoặc khó triển khai thực hiện thì đề nghị các địa phương có đề xuất với các bộ, ngành có liên quan để sớm có hướng dẫn triển khai cụ thể. Đồng thời gửi về Bộ Y tế, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, để báo cáo với Ban Chỉ đạo, với cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế trong tình hình dịch hiện nay.
Tôi vẫn nhắc lại là các quy định của địa phương không được trái với quy định của Trung ương để bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong phòng chống dịch cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, đáp ứng mục tiêu kép của chúng ta.
Theo yêu cầu của Nghị quyết 128, Bộ Giao thông vận tải có kế hoạch gì trong việc rà soát, hướng dẫn hoạt động giao thông vận tải liên tỉnh, bảo đảm lưu thông hàng hóa, chuỗi cung ứng sản xuất để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tạo sự thống nhất trên toàn quốc?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Trong điều kiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, đối với vận tải hàng hóa, ngành giao thông đã duy trì được, không để đứt gãy chuỗi cung ứng vận tải hàng hóa. Nhưng đối với vận tải hành khách, sẽ có một số điều kiện bắt buộc và liên quan đến một số phương thức vận tải khiến chúng ta phải tạm dừng, ví dụ như đối với Hà Nội và TPHCM khi thực hiện Chỉ thị 16 thì xe buýt và taxi phải tạm dừng. Đối với hàng không, các chuyến bay thương mại giảm đi, có thời điểm chỉ phục vụ cho chống dịch, vận chuyển thiết bị, lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ cho chống dịch.
Thời điểm hiện tại khi thực hiện Nghị quyết 128, Bộ GTVT đã rà soát lại và ban hành quy định mới phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung, giải pháp trong Nghị quyết 128, đặc biệt là phù hợp với những quy định mới của Bộ Y tế thể hiện ở Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch.
Quyết định 4800 là khung, phù hợp với tình hình hiện nay, còn vấn đề chi tiết, linh hoạt từng địa phương thì các địa phương chủ động quyết định. Trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Y tế. Tinh thần là Bộ Y tế phải xử lý thật nhanh để các địa phương sớm ban hành, Bộ Y tế kiểm soát vấn đề đồng bộ về các quy định chung, để tránh địa phương tự ban hành mà không có sự kiểm soát, dễ dẫn đến chồng chéo.
Sau khi Nghị quyết 128 ra đời, Bộ GTVT cũng đã ban hành các quy định về lĩnh vực đường bộ, hàng hải và hàng không, mặc dù vẫn dựa vào Quyết định 4800 của Bộ Y tế để xây dựng nhưng Bộ GTVT cũng cụ thể hóa với các lĩnh vực cụ thể của ngành và xin ý kiến của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã chỉ đạo và phối hợp rất nhanh, từ đó Bộ GTVT đã ban hành quyết định hướng dẫn. Đây cũng là cơ sở để các địa phương áp dụng thực hiện đồng bộ trên cả nước, nhất là lĩnh vực vận tải.
Khi đã đi vào triển khai, chúng ta cũng cần lưu tâm đến vấn đề hậu kiểm, lấy quy định đã ban hành để xem xét, để hậu kiểm, từ đó sẽ biết được ai làm đúng, ai làm chưa đúng.
Đối với ngành GTVT, chúng tôi đang tập trung ban hành thí điểm lại 5 lĩnh vực có thời gian. Đến ngày 10/10/2021 chúng tôi đã mở lại phương thức vận tải thí điểm, đối tượng, thời gian cũng rõ ràng; các địa phương phối hợp như thế nào cũng được quy định cụ thể. Đến ngày 20/10, sau khi thí điểm xong, chúng tôi sẽ đánh giá lại, cố gắng sau ngày 20/10, sẽ có một hướng dẫn thích ứng được ban hành theo tinh thần Nghị quyết 128, ví dụ như tần suất có thể tăng lên cả về đường bộ, hàng không.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, vấn đề kiểm soát, theo dõi, kiểm tra hết sức quan trọng, nếu không tổ chức tốt, nhắc nhở kịp thời thì dễ tạo những xung đột mới, điểm nghẽn mới và sẽ tạo ra bức xúc của người dân và dư luận. Thời điểm hiện nay đang hạ nhiệt về dịch để phục hồi kinh tế, vấn đề đi lại của người dân sẽ rất lớn. Vấn đề này liên quan đến nguồn nhân lực, nên cần sự điều tiết giữa các bộ, nếu không tốt cũng không được.
Một số nơi vận chuyển hàng hóa là các nguyên, vật liệu cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời phải bảo đảm đưa hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu hay phân phối cho thị trường trong nước được lưu thông an toàn. Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch trong 5 lĩnh vực đường bộ, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường thủy rất kịp thời, phù hợp. Trong quá trình thực hiện Bộ GTVT luôn kiểm soát, điều chỉnh thích ứng với tình hình mới.
Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là không thể chấp nhận được
Nghị quyết 128 đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ động, sáng tạo của các địa phương. Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, liệu có xảy ra tình trạng mỗi địa phương sẽ hiểu và áp dụng Nghị quyết khác nhau, không tạo sự thống nhất trên toàn quốc và nếu có, theo quan điểm của ông phải xử lý vấn đề này thế nào?
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Nguyên tắc của chúng ta là tính thống nhất toàn quốc và vấn đề này được ghi thành 1 câu riêng biệt trong Nghị quyết 128.
Câu đó là: "Các địa phương không được cục bộ cát cứ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết", có nghĩa là không được vượt qua các tiêu chuẩn, tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành. Những tiêu chí này là những tiêu chí nguyên tắc, các địa phương không được ban hành quy định vượt quá, đấy là tính cần thiết.
Trong Nghị quyết 128 quy định 9 biện pháp cho 9 lĩnh vực khác nhau, áp dụng 4 cấp độ dịch cho DN, cơ sở, cơ quan, tổ chức và có 4 biện pháp áp dụng cùng 4 cấp độ dịch cho cá nhân. Lưu thông vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh thì cấp độ 1, 2, 3 đều được hoạt động bình thường, cấp độ 4 hoạt động với một số điều kiện. Hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm thì quy định rất chặt chẽ, bắt đầu từ cấp độ 1 là đã có điều kiện đi kèm rồi, còn đến cấp độ 4 thì phải dừng hoạt động. Vận tải hành khách công cộng hoạt động bình thường, từ cấp độ 2 đến 4 hoạt động có điều kiện hoặc ngừng hoạt động.
Đây là những nguyên tắc bất di bất dịch, không thể thay đổi.
Thứ hai là tính linh hoạt, vấn đề này Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã nêu. Đó là địa phương phải đưa ra phương án trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch của từng nơi và của toàn tỉnh. Đây là những phương án linh hoạt, là yêu cầu "thích ứng linh hoạt" đã được nêu trong Nghị quyết 128.
Thứ ba, phải kiểm soát được.
Chúng ta có 3 mảng rất quan trọng hiện nay.
Một là đảm bảo mạch máu lưu thông phải thông suốt, không cẩn thận sẽ thành "xơ vữa động mạch giao thông". Tôi lấy ví dụ như ở Cần Thơ vừa qua hơn 4.000 xe ùn tắc gây ra 3 nguy cơ lớn: Lây nhiễm chéo, an ninh trật tự và nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất.
Hai là nền tảng nông nghiệp. Hàng hóa phải lưu thông để sản xuất, hàng nông sản phải vận chuyển ra, không để cho khủng hoảng về lương thực thực phẩm và an sinh được.
Ba là phải bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất và khu công nghiệp hoạt động trở lại. Đây không chỉ là câu chuyện sản xuất mà còn là giải quyết công việc cho người lao động, từ đó tác động trở lại ngân sách và an sinh xã hội.
Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng Chỉ thị 15, 16, 19 và thêm Nghị quyết 128, Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng "nhịp đập" của cả nước hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được. Đặc biệt, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", Trung ương điều hành mà địa phương không tuân thủ là việc không thể chấp nhận được.
Tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền, từ Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm, trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm. Vào trận mà không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát.
Phải có Nghị quyết 128 như thế này
Tính chất, mức độ dịch bệnh ở mỗi địa phương là khác nhau, GS. Nguyễn Anh Trí nhận định và đánh giá thế nào về tính phổ quát của Nghị quyết được triển khai thực tế tại mỗi địa phương?
GS. Nguyễn Anh Trí: Dịch ở mỗi địa phương có tính chất, mức độ khác nhau về số lượng, điều kiện, nhưng quan trọng nhất là có những điểm chung, không chỉ ở mỗi địa phương, không chỉ ở Việt Nam mà là điểm chung trên toàn thế giới. Đó là dịch diễn biến rất phức tạp và lây rất nhanh, khó lường, vì vậy đòi hỏi phải có một quyết định phổ quát để thống nhất về ý chí, thống nhất về hành động, thống nhất về cách làm... tất cả phải đồng bộ.
Ví dụ, quy định của Bộ Y tế về xét nghiệm, về kiểm tra người đi từ vùng dịch về thì phải phù hợp, thỏa đáng, để Bộ Giao thông vận dụng hiệu quả.
Phải có Nghị quyết 128 như thế này, có tiêu chí rõ ràng, có tính phối hợp cao để tất cả cùng thực hiện. Cụ thể nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.
Dưới góc độ dịa phương, theo nhận định của ông, Nghị quyết 128 có tạo ra bước ngoặt để Khánh Hòa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch trong thời gian tới, thưa ông? Du lịch là một trong những thế mạnh của Khánh Hòa, xin ông cho biết kế hoạch mở của du lịch của địa phương đang được triển khai như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu: Nghị quyết 128 sẽ tạo ra bước ngoặt mới không chỉ riêng Khánh Hòa mà với cả nước.
Đối với Khánh Hòa, du lịch là một thế mạnh. Trong 2 năm vừa qua, ngành du lịch của Khánh Hòa bị đứt gãy hoàn toàn. Với tinh thần trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và chủ trương của các ban ngành vừa qua, Khánh Hòa đang hướng đến việc khôi phục, phát triển lại du lịch. Ngay khi các chuyến bay nội địa được khôi phục, chúng tôi đã đăng ký ngay là địa phương được thí điểm các chuyến bay nội địa. Chúng tôi đã có phương án đón tiếp khách quốc tế, đã trình Bộ VHTT&DL và Chính phủ, mong rằng sớm được phê duyệt để Khánh Hòa được sớm đón tiếp khách du lịch.
Khánh Hòa có cơ sở vật chất tốt đảm bảo được phương án phòng chống dịch. Hiện nay chúng tôi đã sẵn sàng các điều kiện vật chất, nhân lực phục vụ cho ngành du lịch, chúng tôi đã ưu tiên cho nguồn nhân lực này được tiêm 2 mũi vaccine theo đúng thời gian. Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không trên địa bàn của tỉnh đã sẵn sàng các điều kiện đón tiếp khách du lịch trong nước và quốc tế.
Trên tinh thần Nghị quyết 128, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai xây dựng những hướng dẫn mới hoặc bổ sung, sửa đổi các hướng dẫn đã ban hành theo định hướng như thế nào để tạo sự thống nhất trên toàn quốc?
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Trong quy định về tổ chức thực hiện, Chính phủ đã đề ra 28 vấn đề, trong đó quy định rất rõ các địa phương có 5 nhiệm vụ chính. Các địa phương phải căn cứ vào 5 quy định đã được giao để thực hiện một cách nghiêm túc, tất cả mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các địa phương phải xây dựng được chương trình, kịch bản riêng cho mình về phát triển kinh tế xã hội và tôi thấy TPHCM là địa phương đầu tiên đề ra được kế hoạch phát triển kinh tế thời kỳ hậu COVID.
Nghị quyết 128 được xây dựng trên cơ sở đánh giá tất cả tình hình của các địa phương, ý kiến của địa phương, ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học và Ban Chỉ đạo quốc gia. Tôi nghĩ là ở khía cạnh nào đó, Nghị quyết này rất kín kẽ ở tất cả các mặt. Khi đã đặt ra 5 vấn đề cho các địa phương, địa phương phải tuân thủ, điều đó không có nghĩa là chúng ta buông lỏng những vấn đề chúng ta đã đề ra trong 2 Nghị quyết 105 và 116 được ban hành cách nhau nửa tháng trong tháng 9/2021.
Các địa phương trên cơ sở đó phải phân bổ, huy động nguồn lực cho y tế và cho phát triển kinh tế xã hội, an sinh xã hội.
Trên cơ sở đó dự báo được tình hình, không được chủ quan mà phải dự báo địa điểm nào có. Khi ta mở cửa lại du lịch, mở cửa lại trường học thì phải đánh giá được tình hình để đặt ra các tình huống, kịch bản cụ thể. Đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông. Địa phương mà không truyền thông, không có hướng dẫn, không có tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật cũng như phổ biến sự hiểu biết cho người dân, kể cả các biện pháp phòng chống dịch, vận dụng tất cả các phương pháp mà chúng ta cứu chữa… thì người dân rất khó có thể chủ động.
Đề nghị tất cả các địa phương phải tuân thủ, tiếp tục thực hiện các chiến lược vaccine theo quy định của Thủ tướng và của Bộ Y tế. Đồng thời chủ động linh hoạt trong vấn đề thuốc chữa. Bên cạnh COVID thì chúng ta cũng phải chăm sóc các bệnh nhân khác, chứ không phải chúng ta hút vào vòng xoáy COVID mà quên đi các vấn đề khác.
Phải nghĩ ngay đến vấn đề hậu COVID như thế nào, đặc biệt là đối với những địa phương vừa qua có tổn thất nặng nề. Phải có kế hoạch khắc phục ngay hậu quả, ví dụ như TPHCM số người tử vong như thế, cần phối hợp với các địa phương bạn để xử lý như thế nào, đặc biệt là vấn đề tâm linh. Làm thế nào để người dân ủng hộ để chúng ta thực hiện tốt.
Có 5 vấn đề của địa phương thì địa phương nhất nhất phải tuân thủ, sáng tạo trong các phương án.
Hướng dẫn của Bộ Y tế ban hành tiêu chí phân loại cấp độ dịch, nhưng lại cho phép các địa phương điều chỉnh các tiêu chí này. Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, điều này liệu có lại khiến các địa phương tùy tiện ban hành các quy định không? Đồng thời, việc thực hiện Nghị quyết 128 đặt ra những yêu cầu gì về tinh thần trách nhiệm, sự chủ động đối với các địa phương?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn, trong đó đưa ra 3 tiêu chí đánh giá dịch. Thứ nhất là tiêu chí số ca mắc mới, thứ hai là tỉ lệ người 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 liều vaccine, thứ ba là bảo đảm khả năng thu dung điều trị các cơ sở khám chữa bệnh các tuyến.
Khi đưa ra tiêu chí này, Bộ Y tế đã nghiên cứu kỹ các tiêu chí hướng dẫn của WHO tổng kết kinh nghiệm chống dịch gần 40 quốc gia, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, bảm đảm bao quát, chi tiết. Các địa phương căn cứ vào đó phù hợp tình hình thực tế địa phương mình nhưng lưu ý các địa phương không thay đổi tiêu chí cứng này.
Trong quá trình làm, đã xin ý kiến các địa phương, chuyên gia trong và ngoài nước để tạo sự linh hoạt, chủ động cho địa phương quyết định cho phù hợp.
Thứ nhất, các địa phương không được tự ý điều chỉnh 3 tiêu chí cứng của Bộ Y tế, ngoài ra, các địa phương căn cứ vào Nghị quyết 128, Quyết định số 4800 tổ chức xây đựng kế hoạch bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh với lộ trình cụ thể của địa phương, phù hợp với điều kiện chống dịch của mình.
Thứ hai, thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly người nhập cảnh vào địa phương, người hoàn thành cách ly tập trung hay tại nhà ở nơi cư trú trở lại làm việc, phục vụ khôi phục sản xuất.
Thứ ba, đề nghị các tỉnh cập nhật thông tin dữ liệu căn cứ tình hình dịch, công bố cho người dân, tổ chức biết và thực hiện.
Thứ tư, các địa phương chỉ đạo chống dịch và phục hồi kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo bám sát thực tiễn, không chủ quan khi có dịch đi qua, bảo đảm thực hiện tốt 4 tại chỗ, chống dịch đúng quy định bảo đảm công khai minh bạch, chặt chẽ, chống tiêu cực tham nhũng.
Cuối cùng, cần tăng cường kiểm tra đôn đốc cơ sở, chuẩn bị thích ứng nhanh khi diễn biến dịch bệnh thay đổi.
Ông có kiến nghị gì đối với Trung ương cũng như các bộ, ngành, địa phương cùng chung tay góp sức với Khánh Hòa phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh?
Phó Chủ tịch UBND Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu:Chúng tôi xin có mấy ý kiến.
Thứ nhất hiện nay, việc quản lý người về địa phương rồi việc từ địa phương này đi địa phương khác và ở các địa phương áp dụng rất khác nhau. Vì vậy chúng tôi đề nghị cần có sự tiệm cận giữa các địa phương. Chúng ta đã có quy định các cấp độ dịch, từ cấp 1 đến cấp 4. Do đó, chúng ta nên có quy định từ cấp 1 đi đến cấp 2 thì cần có những giấy tờ gì, tương tự từ cấp 2 về cấp 1 hoặc là cấp 2 đến 3 hoặc là 3 đến 4 và ngược lại, cho có sự tiệm cận giữa các địa phương. Chúng tôi thấy giữa các địa phương đang có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau trong việc quản lý người đi và người đến địa phương. Điều này gây khó khăn cho người dân cũng như cho DN trong việc đi lại để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đối với tỉnh Khánh Hòa, do lượng vaccine, nhu cầu vaccine rất cần thiết cho công cuộc phòng chống dịch, nên chúng tôi kiến nghị với Trung ương phân bổ lượng vaccine với tỉ lệ khá hơn dành cho Khánh Hòa để nâng cao độ phủ vaccine cho người dân.
Một vấn đề nữa, theo ý kiến của cá nhân, qua đợt dịch lần này chúng tôi thấy lộ ra thực tế là đời sống của người lao động hiện nay rất khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Như vậy, chính sách trong dài hạn, chúng tôi cho rằng nên có những chính sách để cải thiện cuộc sống của người lao động như ở TPHCM, ở một số vùng. Hiện nay đời sống, điều kiện ăn ở của họ rất khó khăn, không đủ để tái tạo lại sức lao động. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành nên có chủ trương để hỗ trợ cho người lao động.
Các vị khách mời có ý kiến gì về đề xuất của UBND tỉnh Khánh Hòa không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Trước hết tôi thấy ý kiến của tỉnh Khánh Hòa không chỉ là của riêng tỉnh Khánh Hòa mà qua quá trình thực tế công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế nhận thấy còn một số tỉnh khác nữa cũng đưa ra những khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai như vậy. Tuy nhiên, về phía chuyên môn, tôi vẫn đề nghị các địa phương tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của Bộ Y tế để đảm bảo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt sự thống nhất này đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết 128.
Thứ hai là vấn đề phân bổ vaccine. Đây là vấn đề không chỉ riêng của tỉnh Khánh Hòa mà các tỉnh khác trong cả nước đều đề nghị phân bổ vaccine cho các địa phương một cách nhanh nhất, sớm nhất để tổ chức tiêm nhanh nhất, bảo đảm độ bao phủ vaccine. Tuy nhiên, như ban đầu tôi đã đề cập, vấn đề tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới còn rất khó khăn. Vaccine về đến đâu Bộ Y tế phân bổ ngay đến đó. Chúng tôi cũng đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng ngay kế hoạch phân bổ, cung ứng vaccine của địa phương mình ở những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Trong đó kế hoạch tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, có tiêm mũi 1, mũi 2.
Vừa qua Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương xây dựng, thống kê danh sách để có số liệu tổng thể về tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi ở địa phương mình và đối tượng cần phải tiêm mũi 1, đối tượng tiêm mũi 2.
Chúng tôi đang dự kiến tới đây tính toán tổ chức tiêm nhắc lại cho một số đối tượng theo khuyến cáo của các tổ chức, các hãng vaccine khác nhau. Từ đó, đề nghị các địa phương rà soát lại, địa phương nào chưa gửi về Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương gửi để Bộ tổng hợp, xây dựng kế hoạch tiêm vaccine những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia để đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine cho các địa phương nhằm tăng diện bao phủ vaccien.
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Tôi rất chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, là địa phương có mũi nhọn về du lịch nhưng đồng thời đây cũng là lĩnh vực rất dễ bị tổn thương. Nhưng nếu các đồng chí có kế hoạch vững thì sẽ đạt được hiệu quả. Linh hoạt nhưng chúng ta bảo đảm kiểm soát được.
Tỉnh Khánh Hòa nói riêng cũng như tất cả các địa phương trên cả nước nói chung phải phát huy sự giám sát của cơ quan dân cử và MTTQ, báo chí và người dân để họ vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền. Nếu chúng ta chỉ sử dụng chính quyền đơn thương độc mã thí rất khó thành công, đặc biệt là các vấn đề về chính sách phòng, chống dịch và an sinh xã hội, sản xuất.
Bộ Y tế cũng đã có 1 văn bản hết sức quan trọng là Văn bản 1306 ngày 17/3/2020 về việc tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng thuốc và các phương pháp y học cổ truyền, trong đó có việc tập trung tất cả các nguồn lực và kết hợp các lĩnh vực khác nhau về Đông Tây y để hướng dẫn cho người dân phương án phòng, chống dịch và chữa các loại bệnh hiệu quả hơn.
Mặc dù Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ, tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và 19 và theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế không yêu cầu người dân xét nghiệm nhưng hiện nay một số địa phương vẫn duy trì các chốt kiểm soát gây khó khăn và bức xúc trong việc đi lại của người dân, GS. Nguyễn Anh Trí nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
GS. Nguyễn Anh Trí: Nghị quyết 128 ra đời ngày 11/10, ngày 12 thì phổ biến, ngày 14 đoàn ĐBQH TP. Hà Nội có cuộc buổi làm việc với Thành ủy, UBND Thành phố tại HĐND Thành phố. Tại đó, tôi phát biểu đề nghị Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khi tôi được biết có khoảng trên 20 chốt chặn khắp các cửa ngõ Thành phố, tôi mong muốn giải tỏa được việc đó. Tôi cho rằng ở góc độ khoa học, sự lưu thông trên đường không gây ra dịch bệnh. Chính thái độ, hành vi của người tham gia giao thông và cách tổ chức giao thông mới gây ra dịch bệnh. Rất điển hình ở Cần Thơ, một chỗ mà tập trung mấy nghìn chiếc xe, sự lây lan là kinh khủng. Những chốt chặn ở thành phố, mọi người bị ách tắc lại, nguy cơ lây lan rất cao và nhiều bất lợi khác xảy ra.
Nhìn chung, các địa phương đã giải quyết tốt hơn sau khi có Nghị quyết 128. Ý kiến của Thủ tướng, các cơ quan Trung ương đã thể hiện rất mạnh mẽ. Nhu cầu giao thông, đi lại, mở cửa là vô cùng quan trọng, tự thân của xã hội, tự thân của nhân dân có ý kiến cũng rất mạnh mẽ. Tôi nghĩ các quyết định nào của các tỉnh, thành phố đều từ nhân dân. Tôi cho rằng nếu đâu đó còn chưa mở cửa thì các đồng chí lãnh đạo ở địa phương đó chưa thực sự thấm nhuần, chưa thực sự hiểu hết Nghị quyết 128. Truyền thông rất quan trọng, trong đó những buổi Tọa đàm như thế này góp phần làm sáng tỏ hơn. Tôi tin các địa phương sẽ đi vào thực hiện thật tốt Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ.
Triển khai Nghị quyết 128, việc đi lại của người dân giữa các vùng, nhất là từ các vùng có nguy cơ khác nhau sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng Lê Đình Thọ?
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ: Vấn đề lưu thông vận tải, điểm nghẽn là do các chốt kiểm dịch. Cần lưu ý, trước tiên cần hiểu là các chốt không phải kiểm tra phương tiện mà kiểm tra người điều khiển phương tiện để phòng chống dịch.
Quy định của Bộ Y tế đã rõ ràng nhưng cần tránh tình trạng các chốt mỗi nơi một kiểu, một quan điểm, tự ý quy định thêm, gây bức xúc. Ví dụ, nếu hướng dẫn Bộ Y tế thống nhất 72h có hiệu lực, tại sao lại bắt test lại? Những phát sinh dù nhỏ sẽ dẫn đến vấn đề lớn.
Hay vấn đề tổ chức kiểm soát dịch, lực lượng dừng kiểm tra xe là công an, thanh tra giao thông, quân đội. Không thể để lực lượng y tế ra đầu xe dừng…, hay để phụ nữ đứng trong điều kiện mưa gió chỉ để làm mỗi việc kiểm tra xem giấy đúng hay không. Vấn đề tổ chức phải nghiêm túc xem lại, có kiểm tra, chấn chỉnh.
Thứ hai là khi thực hiện Nghị quyết 128, ngành giao thông vận tải có họp trao đổi thảo luận cho hiệu quả thiết thực…
Tôi đề nghị, thứ nhất, các địa phương căn cứ Nghị quyết 128, Quyết định 4800 của Bộ Y tế về cấp độ như trước đây là vùng: Xanh, vàng, cam, đỏ. Giờ đã có các khái niệm rõ ràng các cấp độ 1, 2, 3, 4. Các địa phương phải công khai càng sớm càng tốt không chỉ liên quan đến giao thông mà còn một loạt lĩnh vực khác trên cơ sở điều kiện y tế. Ngoài tỉnh còn có huyện, xã, đối tượng cuối là xóm, khu phố…, phải rõ ràng, rành mạch, tổ chức rõ.
Thứ hai là các địa phương cần tạo điều kiện đi lại của người dân. Về vấn đề vaccine, F0, các đối tượng đi lại theo hướng dẫn, như người đã tiêm 2 mũi, 1 mũi, người mắc nhưng chưa khỏi, F0 hay các đối tượng đi cùng thế nào… Căn cứ vào đó để tổ chức sản xuất, đi lại sinh hoạt.
Thứ ba là vấn đề lưu trú. Các địa phương đang áp dụng quy định về xét nghiệm, tiêm, lưu trú thế nào?
Xét nghiệm cũng cần tính toán, nếu xét nghiệm nhiều nhưng không cẩn thận sẽ gây tốn kém, không hiệu quả.
Tóm lại là Bộ Y tế đã hướng dẫn, địa phương phải cụ thể công khai. Địa phương hết sức lưu ý trong giai đoạn hiện nay, cố gắng tập trung tháo cả vấn đề phục hồi du lịch. Nếu không làm rõ, công khai thì sao khách yên tâm được, nên cần có kế hoạch rõ ràng…
Nghị quyết 128 có sự đầu tư xây dựng hết sức công phu, song đây vẫn là 1 Nghị quyết mang tính tạm thời để ứng phó linh hoạt với tình hình dịch bệnh hiện nay và thực tế áp dụng Nghị quyết có thể các tình huống phát sinh, ông có khuyến nghị gì với các địa phương trong áp dụng cũng như việc hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách về phòng chống dịch? Các khó khăn, vướng mắc, cách tháo gỡ khi thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế và Nghị quyết 128, thưa Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên?
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Tùy mỗi thời điểm phòng chống dịch khác nhau, chúng ta đưa ra những giải pháp khác nhau, phù hợp với tình hình thực tế. Đợt dịch thứ 1, 2, 3, chúng ta đều đưa những giải pháp phù hợp. Đặc biệt đợt dịch thứ 4 này, sau thời gian dài triển khai các biện pháp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới và của các nước trên thế giới, chúng ta thấy, trong bối cảnh hiện nay, phải thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt, an toàn, kiểm soát dịch hiệu quả.
Chính vì thế, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Quyết định 4800 của Bộ Y tế và các hướng dẫn của các bộ, ban ngành được quy định trong Nghị quyết 128, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.
Sau khi ban hành các hướng dẫn của Bộ Y tế cũng như của các bộ, ngành khác, trong trường hợp các quy định, hướng dẫn của Trung ương khả năng thực thi chưa kịp thời hoặc khó khăn, đề nghị các địa phương báo cáo kịp thời về các cơ quan của Trung ương để các bộ, ngành có hướng dẫn kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn ngay cho các địa phương. Đồng thời, các địa phương tổng hợp báo cáo về Bộ Y tế để chúng tôi tổng hợp, báo cáo với Ban Chỉ đạo quốc gia, để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, có điều chỉnh cho phù hợp.
Tuy nhiên, đây là Nghị quyết hiện nay được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận rất tích cực, vì vậy, tôi đề nghị một lần nữa các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.
Nghị quyết 128 được ban hành là hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Đây là Nghị quyết được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội mong đợi, đồng tình, đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch. Chính sách chống dịch sẽ quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, góp phần bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.