Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới
PGS. TS Bùi Đình Phong là một người nghiên cứu sâu và dày về tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bộ sách 3 tập gần 2.000 trang với tựa đề: 'Nghiên cứu Hồ Chí Minh - Một số công trình tuyển chọn', tác giả dành trọn tập 3 để tìm hiểu xuyên suốt từ tác phẩm 'Đường cách mệnh' đến 'Di chúc'. Tư tưởng nhất quán đó là sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển đất nước của Hồ Chí Minh luôn đổi mới, hội nhập và phát triển. Sự nghiệp cách mạng đó thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo với trí tuệ, bản lĩnh trách nhiệm cao trước Nhân dân. Nhớ về Người trong tháng 5 lịch sử, mỗi người dân Việt Nam thầm nhắc: Hồ Chí Minh tên Người sáng với non sông Việt Nam, một con người thanh bạch, cả cuộc đời vì nước, vì dân.

Trong công trình nghiên cứu của mình, tác giả Bùi Đình Phong đã nhiều lần khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn, dựa trên một nền tảng triết học vững chắc với thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp luận đúng đắn. Hơn thế ở Người có sự nhất quán đến độ tuyệt đối giữa tư tưởng, phong cách, tư duy, lời nói và việc làm.
Tìm hiểu tư tưởng về đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Bùi Đình Phong cho rằng: đó là hệ thống quan điểm mang tính định hướng cho sự thay đổi tiến bộ, khắc phục tình trạng lạc hậu trì trệ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Linh hồn của tư tưởng đổi mới chính là thể hiện ở chỗ: cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì ta phải làm. Yếu tố quyết định thắng lợi phải kể đến việc thành công trong xây dựng “trận địa lòng dân”.
Tìm hiểu về cơ sở hình thành, nội dung và bản chất, đặc điểm tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới, hội nhập và phát triển, tác giả đi đến các luận điểm quan trọng đó là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, trong đó chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa là tính khoa học và cách mạng, giữ vị trí chủ yếu nhất. Tư tưởng đổi mới Hồ Chí Minh xét đến cùng là tư tưởng chính trị, không chỉ biểu hiện dưới dạng quan điểm mà còn chứa đựng giá trị hành vi. “Hồ Chí Minh là người hành động đổi mới có chất lượng tư tưởng”.
Nhận thức mới về phương châm bước đi, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp cho kho tàng lý luận của nước ta. Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một cuộc chiến đấu khổng lồ để chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi. Điều có ý nghĩa quyết định là phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta không chỉ mạnh ở cương lĩnh, đường lối đúng, đảng viên có tư cách tốt mà còn ở đội ngũ cán bộ, công chức. Một quan điểm đáng chú ý nữa đó là phải dựa vào quần chúng để sửa đổi nghị quyết, tổ chức và cán bộ. Từ sự trăn trở về Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, đảng viên phải không ngừng chăm lo đời sống cho Nhân dân. Dân chỉ biết rõ giá trị của độc lập, tự do khi ăn no, mặc đủ. Tự do, hạnh phúc con người được giải phóng và phát triển toàn diện không chỉ là mục tiêu cuối cùng của cách mạng mà còn là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Vì vậy phải thực hiện làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở và làm cho dân có học hành.
Khi khẳng định, phân tích và nghiên cứu về sự trưởng thành của Đảng ta, tác giả cho rằng những mốc thời gian “cầm quyền” và “đổi mới” cho phép tất cả chúng ta nhìn sâu hơn vào sự trưởng thành của Đảng theo cả bề rộng và chiều sâu, với những bước chuyển lớn đưa đất nước và dân tộc vươn lên những nấc thang mới, tầm cao mới, trình độ mới.
Và rõ ràng đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa là thước đo giá trị của độc lập dân tộc. Với ý nghĩa ấy, trong bài viết: “Tầm nhìn, cách nhìn 30 năm đổi mới”, tác giả đã có những phân tích sâu sắc: văn hóa đổi mới nằm ngay ở chính sự hiểu biết quan trọng, tức là cần nhận thức cho đúng chủ nghĩa xã hội, loại bỏ những sai lầm giáo điều, chủ quan duy ý chí để xây dựng hệ thống lý luận và cách làm đúng quy luật của chủ nghĩa xã hội, phù hợp với đặc điểm Việt Nam. “Chúng ta có một vũ khí tinh thần - tư tưởng không gì thay thế được đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chủ nghĩa xã hội trong đổi mới phải là một vấn đề hiện thực xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan, từ hiện thực vận động của lịch sử cụ thể.
Nói về vai trò lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng, Tiến sĩ Rôetslan Áp
đungani (Indonesia) phát biểu trong Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người như sau: Trong thế giới ngày nay, không có cái gì có thể chống lại sự đoàn kết của Nhân dân. Trong thế giới ngày nay không có cái gì quý báu hơn Nhân dân. Không có gì mạnh mẽ hơn sức mạnh đoàn kết của Nhân dân. Trong xã hội không có gì đẹp đẽ hơn và vinh dự hơn là phục vụ Nhân dân. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là vị lãnh tụ vĩ đại của Nhân dân Việt Nam. Dân tộc Việt Nam tự hào bởi có Người, mãi mãi đi theo con đường mà Người đã lựa chọn, kiến tạo. Trong hệ thống di sản tư tưởng của Người, tư tưởng về đổi mới vẫn còn nguyên giá trị thời sự bởi đó là sự kết tinh tính hiện đại, phổ quát và tính đặc thù Việt Nam luôn hướng tới tương lai.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/noi-dung-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doi-moi-37234.htm