Nơi duy nhất những vụ tấn công bị lãng quên ở Anh

Dù các ga tàu ở London (Anh) có hàng nghìn camera giám sát, những vụ tấn công do thù ghét (hate crimes) nơi đây hiếm khi được đưa ra ánh sáng, theo VICE World News.

Trong vòng 4 năm, đã có 4.795 vụ tấn công được báo cáo với Cảnh sát Giao thông Anh (British Transport Police - BTP) - bộ phận quản lý mạng lưới tàu hỏa, tàu điện ngầm và xe điện mặt đất ở nước này.

Tuy nhiên, trung bình, chỉ 10% trường hợp có thủ phạm bị bắt giữ hoặc buộc tội.

Đây là một con số rất thấp, dù có hàng nghìn camera theo dõi mạng lưới tàu điện ở London. Tình trạng này khiến người dân cảm thấy kém an toàn khi di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Tội ác thù ghét (hate crimes) là những vụ tấn công nhằm vào nhóm yếu thế về chủng tộc, xu hướng tính dục, tôn giáo, hoặc người khuyết tật, chuyển giới.

Hàng nghìn nạn nhân bị tấn công, cướp bóc và quấy rối vì màu da của mình không đòi được công lý. Kể cả khi có cáo buộc, thủ phạm cũng chưa chắc bị kết án.

 Nhiều vụ tấn công thù ghét tại ga tàu ở London không được đưa ra ánh sáng. Ảnh: Independent.

Nhiều vụ tấn công thù ghét tại ga tàu ở London không được đưa ra ánh sáng. Ảnh: Independent.

Hàng nghìn đoạn băng lỗi

Nhiều nạn nhân cho biết nguyên nhân nằm ở việc điều tra còn thiếu sót cùng mạng lưới CCTV (camera giám sát) kém hiệu quả.

Trong năm 2021, chỉ 7% số thủ phạm bị bắt giữ, cụ thể là 69 vụ trong tổng số 1.027 được báo cáo.

Tỷ lệ bắt giữ cũng rất thấp. Trong năm 2018, chỉ 13% số vụ việc ở tàu điện ngầm và trên mặt đất tại London có thủ phạm bị bắt. Trong năm 2019, 2020 và 2021, con số này là 10%.

Hệ thống tàu điện ngầm tại London được lắp đặt hơn 90.000 camera. Đây là khu vực được theo dõi sát sao nhất trong thành phố. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân cho biết các đoạn băng CCTV thường bị mất hoặc lỗi, khiến họ không thể đưa thủ phạm ra tòa.

Dù nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng CCTV giúp ích đáng kể trong việc điều tra, các tàu điện ngầm và ga tàu ở London vẫn sử dụng thiết bị lỗi thời, khiến hàng nghìn tập tin và video bị mất.

Cảnh sát không chịu trách nhiệm cho việc bảo trì hệ thống CCTV bởi đây là nhiệm vụ của các công ty sở hữu tàu và nhà ga.

 Thủ phạm của nhiều vụ tấn công không bị bắt giữ do lỗi trong hệ thống CCTV. Ảnh: VICE.

Thủ phạm của nhiều vụ tấn công không bị bắt giữ do lỗi trong hệ thống CCTV. Ảnh: VICE.

Bertie Darrell (28 tuổi), nhà soạn kịch ở London, là nạn nhân của một vụ tấn công thù ghét người đồng tính trên chuyến tàu điện tháng 9/2020. Anh bị quấy rối, miệt thị và đá vào mặt. Thủ phạm không được phát hiện vì đoạn băng trên CCTV bị mất.

"Tôi đã rất sốc và lo lắng sau đó. Sự bạo lực khiến tôi nhận ra mình có thể dễ dàng bị tổn thương chỉ bởi xu hướng tính dục của mình", Darrell nói với VICE World News.

Darrell báo cáo vụ việc ngay lập tức và được BTP thông báo rằng cuộc điều tra sẽ bắt đầu sau khi tìm thấy đoạn băng trên CCTV. 4 tuần sau, khi hỏi lại, Darrell được thông báo rằng đoạn băng bị lỗi.

Bất kể nỗ lực của Darrell, cuộc điều tra đã bị hủy bỏ với lý do không đủ bằng chứng. Kẻ tấn công chưa bao giờ chịu tội.

Darrell nói rằng trải nghiệm của anh cho thấy tại sao nhiều vụ án thù ghét với cộng đồng LGBTQ+ không được báo cáo.

“Với thái độ chần chừ từ phía cảnh sát, bạn sẽ không cảm thấy tin tưởng lắm”, anh nhận xét.

Darrell nói rằng vụ tấn công đã thay đổi anh. “Trước đó, tôi là người khá vô tư và gần như chẳng sợ gì. Giờ tôi lo sợ hơn rất nhiều”.

 Nạn nhân nhiều vụ tấn công không sẵn sàng báo cáo vì thái độ chần chừ của cảnh sát. Ảnh: Independent.

Nạn nhân nhiều vụ tấn công không sẵn sàng báo cáo vì thái độ chần chừ của cảnh sát. Ảnh: Independent.

Sợ hãi

Những nạn nhân khác của tấn công thù ghét chia sẻ với VICE World News trải nghiệm tương tự.

Haya M Turkey (30 tuổi), sống tại London, bị quấy rối và tấn công trên một chuyến tàu điện ngầm vào tháng 12/2021. Turkey đến Anh khi là người tị nạn. Cô đang trên đường đi làm về khi bị một người phụ nữ tấn công, chửi rủa.

Sau vụ việc, Turkey đã nhờ nhân viên ga tàu nói chuyện với cảnh sát, nhưng được báo là không có người túc trực vì đang trong ngày nghỉ.

Cuối cùng, cô báo cáo vụ việc lên BTP, bao gồm chi tiết về chiếc túi mà người phụ nữ kia mang. Cảnh sát đáp rằng họ sẽ kiểm tra CCTV tại sân ga, nhưng không thành công.

Sau một tháng kể từ vụ việc, Turkey quá sợ hãi để di chuyển đến nơi làm bằng phương tiện công cộng. Cô đành bắt taxi dù giá thành đắt đỏ.

“Sau lần đó, tôi không dám đi tàu. Nó gợi cho tôi những ký ức xấu”, cô nói.

Tiến sĩ Matt Ashby, giảng viên môn Khoa học Tội phạm, nói với VICE World News rằng việc CCTV bị hỏng, dù hiếm, cũng có thể khiến hàng nghìn nạn nhân mất những đoạn băng quan trọng.

“Việc CCTV bị hỏng khiến cuộc điều tra bị gián đoạn là điều khá hiếm. Trong khoảng 5 năm, theo dữ liệu, chỉ có tổng cộng 6.000 vụ án gặp tình trạng này. Nhưng đó cũng là 6.000 nạn nhân không thể đòi công lý vì CCTV lỗi”, Ashby nói.

 Nạn nhân cảm thấy không an toàn sau khi vụ tấn công xảy ra. Ảnh: My London.

Nạn nhân cảm thấy không an toàn sau khi vụ tấn công xảy ra. Ảnh: My London.

Ngăn chặn tấn công thù ghét

Có nhiều lý do khiến vụ tấn công thù ghét không bị đưa ra tòa, theo Ashby.

"BTP đang nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, cũng có khả năng những vụ điều tra này bị khép lại bởi không đủ nguồn lực. Ngoài ra, họ cũng chịu ảnh hưởng từ tình trạng thiếu điều tra viên trên cả nước", ông nói.

Một đại diện từ BTP nói với VICE World News: “Ngăn chặn và đối phó với tội ác thù ghét là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Không ai cần phải chịu sự quấy rối chỉ vì là chính mình”.

"Chúng tôi khuyến khích nạn nhân hoặc nhân chứng của những vụ tấn công thù ghét báo cáo với cảnh sát sớm nhất có thể. Như vậy, các điều tra viên có thể giữ lại đoạn CCTV và chứng cứ quan trọng để buộc tội thủ phạm", phát ngôn viên nói thêm.

Sasha Misra, phó giám đốc truyền thông của tổ chức Stonewall về quyền LGBTQ+, nhận định: “Những số liệu đáng lo ngại cho thấy sự thù ghét mà cộng đồng LGBTQ+ phải đối mặt trong đời sống hàng ngày đang chưa được xem xét nghiêm túc. Hệ thống giao thông của London nên có đủ thiết bị ghi lại bằng chứng quan trọng của những vụ tấn công. Điều quan trọng là đòi lại công lý cho nạn nhân”.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-duy-nhat-nhung-vu-tan-cong-bi-lang-quen-o-anh-post1342603.html