Nơi ghi dấu những sự kiện trọng đại của dân tộc
Ngày 2-9-1945, tại Vườn hoa Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ một khu đất còn trống vắng và hoang sơ của Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, sau ngày Tuyên bố Độc lập, Vườn hoa Ba Đình đã đi vào lịch sử của dân tộc ta. Trải qua 75 năm, nơi đây đã ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc.
Vườn hoa Ba Đình vốn thuộc khu vực “Chính Tây Môn” tức là cửa Tây của thành Thăng Long dưới triều Nguyễn. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá thành làm một vườn hoa nhỏ gọi là Điểm tròn Puginier (Rond point Puginier) hay còn gọi là Quảng trường Puginier - tên một cha cố người Pháp. Bấy giờ, nơi đây là một khu đất rộng hàng chục hécta, cạnh Phủ Toàn quyền, gồm những bãi đất hoang và hồ ao mới lấp bằng còn đầy cát sỏi, hầu như không có cây cối. Sau khi Nhật đảo chính Pháp và thành lập Chính phủ Trần Trọng Kim, bác sĩ Trần Văn Lai - một người có tinh thần yêu nước đã từng bị thực dân Pháp bắt giam, được mời giữ chức Thị trưởng Hà Nội (về sau, ông Lai đã trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội rồi Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh của chính quyền cách mạng). Bác sĩ Trần Văn Lai đã làm thay đổi rất lớn diện mạo thành phố, trong đó có việc Quảng trường Puginier được đặt tên là Vườn hoa Ba Đình. Chữ Ba Đình là để gợi nhớ đến một cuộc khởi nghĩa lớn đã nổ ra rất oanh liệt trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX.
Cách mạng Tháng Tám thành công, sau khi về nội thành Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã quyết định tổ chức ngày Tuyên bố Độc lập. Trong quá trình chuẩn bị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến thời tiết đang mùa mưa lũ và khoảng không gian cần thiết cho nhân dân dự họp được đông đảo. Người đã chỉ thị nên làm lễ vào buổi chiều để đỡ mưa và tổ chức ở nơi thật rộng rãi. Chủ trương đó của Người được Trung ương Đảng và Chính phủ lâm thời tán thành và giao cho Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện. Lúc đầu, Ban tổ chức ngày lễ Độc lập định chọn khu Quần Ngựa hoặc Đông Dương học xá, song lại thôi vì xa trung tâm thành phố. Còn địa điểm trung tâm là Quảng trường Nhà hát Lớn thì lại quá chật chội. Sau khi cân nhắc, ta đã chọn Vườn hoa Ba Đình. Chỉ có nơi đó mới tập hợp được hàng vạn đồng bào. Ban tổ chức ngày lễ Độc lập đã quyết định dựng lễ đài ở bồn cỏ tròn nằm giữa Vườn hoa Ba Đình. Ông Nguyễn Hữu Đang, Trưởng ban tổ chức lễ Độc lập và ông Trần Quốc Hương đã giao việc này cho ông Phạm Văn Khoa, phụ trách một nhóm văn hóa cứu quốc.
Sáng ngày 1-9-1945, ông Khoa tìm đến một hội viên là kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh giao trách nhiệm thiết kế và chỉ đạo thi công lễ đài này. Ông Quyến, thợ mộc ở phố Hàng Hành và khoảng 10 người thợ nữa được mời ra thi công công trình trong hoàn cảnh hết sức khẩn trương. Khoảng 3 giờ, ngày 2-9, công việc đã hoàn tất. Lễ đài cao 4m, có cấu trúc theo hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa. Bốn mặt hình thang, khung gỗ, có các bậc lên xuống ở bên trong, gần hết diện tích được phủ vải đỏ, giữa có ngôi sao vàng lớn, phía trên phủ vải vàng, bốn mặt trang trí những đường vòng bằng vải đỏ, ở mỗi điểm tiếp giáp thì tết một bông hoa lớn. Cột cờ bằng gỗ cao khoảng 5-6m, nhô lên từ chính giữa lễ đài. Hai mặt bên trên bệ cao bày lư hương lớn bằng gỗ, bên trong đặt đỉnh đồng.
Ngày 2-9, người dân Hà Nội và các vùng phụ cận đã đổ về Vườn hoa Ba Đình để dự lễ Độc lập. 14 giờ, ngày 2-9-1945, các thành viên Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài tiến hành buổi lễ. Mở đầu buổi lễ là lễ chào cờ và cử hành bài “Tiến quân ca”. Sau lễ chào cờ, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Câu hỏi bình dị của Bác: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” đã in sâu vào trái tim những người có mặt ngày hôm đó. Để ghi dấu sự kiện trọng đại này, tháng 12-1945, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định đổi tên Vườn hoa Ba Đình thành Vườn hoa Độc Lập.
Ngày 23-9-1945, quân đội Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Tối 19-12-1946, quân dân Thủ đô đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Sau một thời gian bị cầm chân, một lần nữa thực dân Pháp lại chiếm đóng Hà Nội.
Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, ta đã giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Điện Biên Phủ buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Genève. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Bộ Tuyên truyền của Chính phủ đã ra quyết định đổi Vườn hoa Độc lập thành Vườn hoa Ba Đình (nay là Quảng trường Ba Đình). Từ đây, Quảng trường Ba Đình trở thành nơi thường xuyên có những cuộc mít tinh lớn trong các ngày kỷ niệm lịch sử, hoặc để tiếp đón và chào mừng các phái đoàn quốc tế đến thăm Việt Nam...
Ngày 9-9-1969, tại Quảng trường Ba Đình đã diễn ra lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ. Đúng 7 giờ 30 phút, nghi lễ bắt đầu. Trong không khí trang nghiêm, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đọc Điếu văn bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn đối với Hồ Chủ tịch. Điếu văn có đoạn: “Hồ Chủ tịch kính yêu của chúng ta không còn nữa. Tổn thất này vô cùng lớn lao. Đau thương này thật là vô hạn! Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch - Người anh hùng dân tộc vĩ đại. Và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Ngày 2-9-1973, công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công trên vị trí của tòa lễ đài cũ và được khánh thành vào ngày 29-8-1975. Đây là nơi an nghỉ vĩnh hằng của Người, là đài kỷ niệm hùng vĩ của thời đại, biểu tượng đời đời về lòng tôn kính và biết ơn của dân tộc đối với lãnh tụ kính yêu.
Ngày nay, Quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Thủ đô nằm bên đường Hùng Vương. Cùng với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng mang tên Người, rồi Đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ cùng nhiều di tích lịch sử và cách mạng khác đã và đang trở thành một cái tên quen thuộc và thiêng liêng, một niềm tự hào không chỉ của người dân Thủ đô, mà còn là niềm tự hào và vinh quang chung cho nhân dân cả nước.