Nơi gian khó, luôn có bộ đội
Từ năm 2016 đến nay, thực hiện Chương trình phối hợp làm công tác dân vận giữa lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh với Ban Dân vận Tỉnh ủy; giữa đơn vị quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng và Quân khu 5 đóng quân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đã hình thành một số mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho những vùng đất gian khó.
Chúng tôi có mặt ở huyện biên giới Buôn Đôn, đúng thời điểm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện đang phối hợp với Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện tiến hành đợt dân vận cao điểm hướng đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Trung tá Luk Chính Thành, Chính trị viên Ban CHQS huyện Buôn Đôn cùng chúng tôi đến buôn Rếch B, xã Ea Hoa, là một trong hai xã có bộ đội hành quân về làm công tác dân vận. Tại đây, Ban CHQS huyện huy động 28 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp cùng lực lượng dân quân tại chỗ và đoàn viên thanh niên của xã chia ra nhiều tổ, triển khai các phần việc như tu sửa đường sá, vệ sinh thôn, buôn, trang trí Nhà văn hóa cộng đồng, điểm bầu cử; giúp các hộ dân sửa sang nhà cửa; tuyên truyền vận động nhân dân về thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi công dân trong ngày bầu cử.
Theo Trung tá Luk Chính Thành, một trong những hoạt động chính trong đợt phối hợp làm công tác dân vận này là, Ban CHQS huyện cùng MTTQ khởi công xây dựng nhà tặng gia đình hộ Y Cam H’ra, buôn Rếch B, xã Ea Hoa. Công trình khởi công ngày 5-5, dự kiến khánh thành vào đầu tháng 6 tới đây. Căn nhà có tổng kinh phí 60 triệu đồng, trong đó MTTQ huyện hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình góp thêm 20 triệu đồng; Ban CHQS huyện hỗ trợ một phần vật tư và toàn bộ công xây dựng. Ở hướng xã Ea Wel, Thượng tá Nguyễn Đình Dự, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Buôn Đôn chỉ huy 28 cán bộ, chiến sĩ làm công tác dân vận tại các buôn Ea Prí và Tul A. Và tại thôn 6, xã Ea Wel, cũng trong đợt dân vận cao điểm này, Ban CHQS huyện sẽ khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tặng bà Phạm Thị Tuyết, là vợ liệt sĩ. Dự kiến căn nhà có tổng kinh phí xây dựng 150 triệu đồng, trong đó Quân khu 5 hỗ trợ 80 triệu đồng, gia đình góp thêm 70 triệu đồng.
Hiệu quả của chương trình phối hợp làm công tác dân vận trên địa bàn Đắk Lắk còn thể hiện ở chỗ tìm ra mô hình phù hợp với thực tiễn địa bàn. Điển hình như tại huyện Cư M’gar, từ năm 2016 đến nay, Ban CHQS phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện triển khai mô hình “hỗ trợ con giống” cho hộ nghèo buôn Pốk B, thị trấn Ea Pốk. Sau 3 đợt hỗ trợ, đến nay, cả buôn đã có 10 hộ nghèo được hỗ trợ bò và dê giống, phát triển chăn nuôi hiệu quả và đã có 7 hộ thoát nghèo. Buôn Pốk B có 131 hộ, thời điểm năm 2016 có 45 hộ nghèo, nay giảm còn 5 hộ nghèo. Buôn trưởng Nguyễn Văn Thân khẳng định “Với đặc điểm đa số hộ nghèo đều thiếu đất sản xuất, nên việc nhân rộng mô hình hỗ trợ con giống của Ban CHQS huyện và Hội LHPN huyện đã mở ra hướng cho bà con thoát nghèo bền vững”.
Được biết, thông qua chương trình phối hợp làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, lực lượng quân đội cùng cả hệ thống chính trị đã có mặt ở hầu hết các thôn, buôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, triển khai nhiều phần việc, đạt kết quả thiết thực. Riêng đợt dân vận đặc biệt, từ ngày 4 đến 11-5 này, các đơn vị quân đội trên địa bàn Đắk Lắk phối hợp hành quân về 8 xã của các huyện Cư M’gar, Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Búc và thành phố Buôn Ma Thuột. Ngoài công tác dân vận, tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, bộ đội giúp dân hơn 4.000 ngày công lao động, sửa sang nhà cửa, thu hoạch mùa màng, tu sửa đường sá, vệ sinh thôn, buôn, trang trí các điểm bầu cử; tặng 180 suất quà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; khởi công xây dựng 7 nhà tình nghĩa tặng gia đình khó khăn về nhà ở; xây dựng 1 công trình "Đoàn kết quân dân" cho bà con vùng căn cứ cách mạng, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Nhìn lại 5 năm phối hợp làm công tác dân vận trên địa bàn, Thượng tá Võ Văn Minh, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Thành công lớn nhất từ chương trình phối hợp này chính là đã tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp giữa LLVT và cả hệ thống chính trị ở địa phương và sự thống nhất giữa các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn trong tiến hành công tác dân vận. Từ sự phối hợp, xác định rõ địa bàn và phân công trách nhiệm cho từng lực lượng, từng đơn vị phù hợp với khả năng hiện có; qua đó tiến hành việc gì chắc việc đó; làm ở địa bàn nào dứt điểm và thành công ở địa bàn đó, mới chuyển sang việc khác và địa bàn khác. Có thể nói, dấu ấn nổi bật của chương trình phối hợp làm công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chính là “nơi gian khó, luôn có bộ đội!”.