Nơi 'giữ lửa' các giá trị văn hóa truyền thống
Những năm qua, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện Hà Trung phát triển mạnh mẽ. Nhiều câu lạc bộ (CLB) được thành lập và hoạt động hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Nhạc công của Câu lạc bộ chèo xã Hà Tân (Hà Trung).
Chúng tôi về xã Hà Tân, nơi còn “lưu dấu” những làn điệu chèo truyền thống. Không biết tự bao giờ, những điệu hát chèo đã ngấm vào mạch nguồn tâm thức của các thế hệ người dân nơi đây. Trải qua thăng trầm thời gian, cho đến ngày hôm nay, tiếng hát chèo vẫn vang lên đều đặn. Ông Vũ Văn Quần, Chủ nhiệm CLB chèo xã Hà Tân, tâm sự: CLB chèo xã Hà Tân được thành lập năm 2001, ban đầu chỉ có 4 thành viên tham gia. Đến nay CLB có 10 thành viên, trong đó chủ yếu là nông dân, người lao động có chung một tình yêu sâu sắc với nghệ thuật chèo. Những ngày đầu, hoạt động CLB gặp không ít khó khăn từ kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn, rồi các diễn viên, nhạc công chưa từng học qua một khóa học, lớp học chèo nào nên khả năng ca hát, biểu diễn còn yếu. Song, với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên trong CLB đã không ngừng cố gắng, theo đó mà trình độ biểu diễn cũng không ngừng được nâng cao. Không chỉ tham gia giao lưu, phục vụ các hoạt động văn hóa của địa phương, CLB còn đi biểu diễn và giành được giải trong các cuộc thi do huyện tổ chức.
Ban đầu việc thành lập CLB chỉ với mong muốn là để các thành viên được thỏa sức đam mê với nghệ thuật chèo. Trải qua thời gian, CLB không chỉ là sân chơi, nơi giao lưu văn hóa, gắn kết tình làng, nghĩa xóm mà còn là cơ sở để gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống của địa phương. Nhận thức được điều này nên các thành viên trong CLB đã có ý thức truyền dạy cho thế hệ sau, trước tiên là ngay trong gia đình mình. Nghệ nhân Lê Hồng Triệu, thành viên CLB chèo, chia sẻ: Hiện nay, thế hệ trẻ có nhiều hình thức giải trí nên các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống, trong đó có hát chèo ít được quan tâm. Điều trăn trở của tôi cũng như các thành viên trong CLB là làm sao truyền lại cho lớp trẻ để tiếp tục lưu giữ và phát huy vốn quý từ nghệ thuật hát chèo của ông cha. Do đó, các thành viên đều rất nhiệt tình, chịu khó học hỏi, sưu tầm, luyện tập các bài hát, điệu múa để lưu truyền. Nhiều tiết mục đã được các nghệ nhân trong CLB nghiên cứu, sáng tạo phù hợp và biến tấu sao cho gần gũi với nét sinh hoạt hàng ngày của bà con. Chẳng hạn như các làn điệu chèo cổ, hát xẩm, hát văn, hoạt cảnh, ca cảnh với nội dung ca ngợi Ðảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, ca ngợi quê hương, đất nước, phong trào xây dựng nông thôn mới... Đồng thời thông qua các buổi sinh hoạt, giao lưu CLB cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp bà con hiểu rõ hơn những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mình, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị này.
Cũng xuất phát từ mong muốn những làn điệu chèo mang đậm chất trữ tình, sâu lắng, những bài hát văn sôi nổi, nhộn nhịp hay những bài hát xẩm, ca trù mộc mạc, bình dị vẫn được gìn giữ trong đời sống hàng ngày với cách nghe, cách nhìn mới nhưng vẫn bảo lưu được những làn điệu, những phong cảnh diễn xướng cổ... CLB dân ca và nhạc cổ truyền thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch (VH-TT-TT&DL) huyện Hà Trung được thành lập năm 2017. CLB đã tập hợp và thu hút được 20 “hạt nhân” không chuyên nhưng đều là những “giọng hát hay, tay đàn giỏi” ở các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Với niềm đam mê ca hát, hơn hết là muốn giữ gìn và truyền lại các giá trị văn hóa của địa phương, nên từ khi thành lập đến nay, các thành viên của CLB luôn say mê miệt mài tập luyện và trao truyền cho thế hệ tương lai. Dù là những nghệ sĩ đồng quê “tự biên, tự diễn” nhưng mỗi tiết mục của các thành viên đều chứa đựng những giá trị nghệ thuật cao, sâu sắc về nội dung, độc đáo về ý tưởng. Cũng nhờ đó, các tiết mục của CLB đã vượt ra khỏi “cái ao làng” để đưa những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương mình tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện, hội thi ở các địa phương trong tỉnh và để lại dấu ấn trong lòng khán giả...
Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, những năm qua, huyện Hà Trung đã đa dạng hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhất là khuyến khích thành lập các CLB, đội văn nghệ. Ông Ngô Minh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT&DL huyện, cho biết: Mặc dù còn khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện vẫn phát triển mạnh. Hiện toàn huyện có 5 CLB, chủ yếu là dân ca, hát chèo. Ngoài ra, còn có 151 đội văn nghệ xung kích của 143 thôn, làng. Các thành viên trong các đội, CLB văn nghệ đều hoạt động tự nguyện. Để phong trào phát triển bền vững, hằng năm Trung tâm VH-TT-TT&DL huyện đều tổ chức các lớp bồi dưỡng nghệ thuật cho cán bộ văn hóa xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ ở các đội, CLB. Các xã, thị trấn đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ. Điểm mới là thành viên các CLB, đội văn nghệ ngày càng được trẻ hóa, có năng khiếu nhiều loại hình nghệ thuật. Trong những chương trình lớn như: liên hoan nghệ thuật quần chúng của huyện, các lễ hội xuân, huyện đều mời các CLB tham gia biểu diễn nhằm lan tỏa rộng rãi các làn điệu dân ca trong cộng đồng. Qua đó, tìm ra những hạt nhân mới để làm lực lượng kế cận, tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.