Noi gương Bác, học sinh Hà Tĩnh thực hành tiết kiệm
Từ câu chuyện hũ gạo tiết kiệm của Bác Hồ, nhiều năm qua, phong trào nuôi heo tiết kiệm giúp bạn nghèo vượt khó được nhân rộng tại nhiều trường học ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh). Qua đó, góp phần hỗ trợ học sinh nghèo và giáo dục các em về ý thức tiết kiệm, tinh thần sẻ chia cùng cộng đồng.
Trường Trung học Cơ sở Trung Lương là một trong những điểm sáng về thực hiện phong trào nuôi heo tiết kiệm của thị xã Hồng Lĩnh. Từ những chú heo nhựa này đã có hàng chục triệu đồng quyên góp hỗ trợ cho các trường hợp học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn.
Đầu năm học mới, Liên đội Trường Trung học Cơ sở Trung Lương mua 13 chú heo nhựa phát về 13 lớp học. Việc nuôi heo đất được tổ chức vào ngày cuối cùng của mỗi tuần học bằng tinh thần ủng hộ tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Sau đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ ghi lại danh sách tiền nuôi heo của học sinh.
Thầy Kiều Đình Nam, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Trung học Cơ sở Trung Lương cho biết, toàn trường có 13 Chi đội với 403 học sinh. Vào ngày thứ Bảy hằng tuần, các Chi đội đến nhận heo mang về lớp để học sinh tự nguyện góp tiền bỏ vào heo đất. Mỗi năm, các lớp "đập" heo vào dịp tổng kết năm học để khen thưởng cho sinh nghèo đạt thành tích cao trong học tập. Khi "đập" heo có sự chứng kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh, đại diện Công đoàn, Ban Giám hiệu, Tổng phụ trách Đội, Chi đội các lớp.
Với số tiền tiết kiệm từ 1.000 - 2.000 đồng tiền tiêu vặt hoặc bán phế liệu, những chú heo được các em chung tay “vỗ béo” với mong muốn giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Em Nguyễn Hoàng Phong Nhi, học sinh lớp 7B, Trường Trung học Cơ sở Trung Lương chia sẻ: Ở lớp em ai cũng tham gia rất tích cực vì đã làm được việc có ích. Nhiều bạn không có điều kiện cũng nhiệt tình thu gom lon bia, giấy loại… để bán lấy tiền ủng hộ.
Ở các trường mầm non, phong trào nuôi heo tiết kiệm nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh học sinh. Tại Trường Mầm non Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), từ đầu năm học, mỗi phụ huynh góp 50.000 đồng nhằm hỗ trợ học sinh nghèo ăn bán trú. Theo cô giáo Hoàng Thị Phác, Hiệu trưởng nhà trường, trước đây, nhiều hộ gia đình khó khăn nên nhà trường không thể tổ chức ăn bán trú. Nhiều phụ huynh tự nguyện gây quỹ tiết kiệm để hỗ trợ các em ăn bán trú. Hơn 10 năm qua, hoạt động này vẫn được duy trì tại trường.
Cô Hoàng Thị Phác cho biết thêm, ngoài hỗ trợ ăn bán trú, từ nguồn quỹ này nhà trường tổ chức xét chọn hỗ trợ bằng tiền mặt cho gia đình các em tùy theo mức độ. Theo đó, vào dịp cuối năm, các gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ làm đơn gửi nhà trường. Ban giám hiệu nhà trường mời Ban đại diện cha mẹ học sinh kiểm đếm số tiền tiết kiệm, đồng thời tìm hiểu, lựa chọn mức độ hỗ trợ đối với mỗi trường hợp.
Để phong trào nuôi heo đất tiết kiệm đạt hiệu quả, giáo viên tại thị xã Hồng Lĩnh tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào đến học sinh. Trong các tiết học, sinh hoạt, nhà trường thường tuyên truyền về hoạt động này bằng những câu chuyện gần gũi. Trong đó, có câu chuyện về hũ gạo cứu đói năm 1945 của Bác Hồ, giúp các em thấy được giá trị từ sự đóng góp ít ỏi có thể tạo nên những điều kỳ diệu.
Từ sự chung tay quyên góp của cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh, nguồn quỹ từ phong trào nuôi heo đất đã giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn được nâng bước đến trường.
Tiêu biểu như em Nguyễn Thị Bảo Trâm, học sinh lớp 3A4, Trường Tiểu học Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Để động viên em, nhà trường đã đỡ đầu Trâm từ khi em học lớp 1. Ngoài miễn giảm các khoản đóng góp, Trâm còn được hỗ trợ ăn bán trú miễn phí, tặng sách vở, đồ dùng học tập. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, nhà trường trích quỹ mua quà tặng em và gia đình. Đợt “đập” heo đất vừa qua, Trâm được nhà trường tặng phần quà nhằm động viên em cố gắng, nỗ lực hơn trong học tập.
Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Hồng Lĩnh Nguyễn Trí Bằng cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã triển khai phong trào nuôi heo tiết kiệm tại 10 đơn vị trường học từ hàng chục năm qua. Đến nay, phong trào đã giúp các trường có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ học sinh khó khăn vươn lên trong học tập. Số quỹ thu được từ phong trào đã sử dụng hiệu quả trong công tác khuyến học. Ngoài phong trào nuôi heo tiết kiệm, trong năm học qua, ngành Giáo dục và Đào tạo đã phát động nhiều phong trào ý nghĩa hỗ trợ học sinh nghèo như tặng xe đạp, hỗ trợ thiết bị học trực tuyến…
Giá trị khoản tiền tiết kiệm nuôi heo đất tuy không lớn nhưng chứa đựng tình cảm yêu thương của các em và giáo viên dành cho học sinh nghèo. Đặc biệt, hiệu quả từ phong trào có ý nghĩa rất lớn trong việc rèn luyện và giáo dục phẩm chất của học sinh như đức tính tiết kiệm, tinh thần tương thân tương ái.