Nội hóa bảng mạch điện tử lắp trên tàu
Đến công tác tại Nhà máy Z189 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), chúng tôi được chỉ huy nhà máy giới thiệu một số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đang được áp dụng hiệu quả vào đóng tàu của đơn vị. Trên chiếc tàu du lịch đang dần hoàn thiện để bàn giao cho đối tác, chúng tôi gặp Thượng úy Đỗ Văn Tú, Phó quản đốc Phân xưởng điện, máy, ống.
Anh đang chăm chú điều chỉnh lại bảng mặt tay chuông truyền lệnh liền vỉ phục vụ vận hành tại chỗ khi có sự cố về điều chỉnh máy chính. Đây là sản phẩm được phát triển từ sáng kiến “Nghiên cứu, chế tạo các mạch điện tử lắp trên tàu sử dụng chíp vi điều khiển STM32” của anh.
Trước đây, trên mỗi con tàu đóng mới tại Nhà máy Z189 đều có trang bị các hệ thống: Báo động mức két và nước ngập khoang; báo động chung; tay chuông truyền lệnh; điều khiển giám sát đèn hàng hải… Những hệ thống này nhà máy đều phải nhập hoặc mua ngoài thị trường với giá thành rất cao, trong khi đó, có một số tính năng không đáp ứng được theo yêu cầu của đơn vị, gây khó khăn trong việc sửa chữa, bảo hành. Trước đó, nhà máy cũng đã tự chế tạo hệ thống này theo phương pháp sử dụng rơ-le, mô-đun, nhưng không hiệu quả vì vừa tốn nhiều công, chi phí cao mà lại khó lắp đặt.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, Thượng úy Đỗ Văn Tú đã thiết kế hệ thống bảng mạch điều khiển bằng các vỉ mạch điện tử sử dụng chíp vi điều khiển dòng STM32. Bảng này hoạt động nhờ sử dụng phần mềm Keil uVision5 để lập trình và nạp chương trình cho vi điều khiển thông qua bộ nạp J-Link MH V1.0. Từ hệ thống các mạch này, Thượng úy Đỗ Văn Tú đã chế tạo ra nhiều bảng khác nhau. Trong đó có bảng hệ thống điều khiển giám sát đèn hàng hải, có khả năng giám sát mất nguồn có báo động, giám sát bóng đèn cháy hoặc đứt dây. Bảng hệ thống tay chuông truyền lệnh, gồm hai trạm kết nối với nhau thông qua giao thức truyền thông hai dây RS485, mỗi trạm dùng một vỉ có thể truyền 9 lệnh. Bảng này có chức năng giám sát mất nguồn để cảnh báo. Khi truyền lệnh nào, đèn báo của hiệu lệnh ấy sẽ nhấp nháy ở cả hai trạm, khi đáp lệnh, đèn báo sẽ ngừng nháy và sáng lên. Kết thúc quá trình truyền lệnh, người sử dụng có thể reset lại hệ thống. Đối với bảng hệ thống báo động mức két và ngập khoang, có chức năng thử hệ thống và ngắt còi. Khi có bất cứ công tắc phao nào tác động, đèn báo chỉ thị của phao ấy sẽ sáng, sau 5 giây sẽ có còi báo động; còi sẽ tắt nếu công tắc phao không còn báo động hoặc người điều khiển ấn nút tắt…
Được biết, hiện nay, sáng kiến chế tạo các mạch điện tử lắp trên tàu sử dụng chíp vi điều khiển STM32 của Thượng úy Đỗ Văn Tú đã được lắp đặt cho tất cả các tàu trong nước mà Nhà máy Z189 đóng mới, giúp đơn vị tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng. Qua thử nghiệm cho thấy, sản phẩm này đạt hiệu quả tốt, được cơ quan đăng kiểm trong nước phê duyệt, chủ tàu đánh giá cao. Từ thành công này, sắp tới, nhà máy tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, hướng tới sản xuất hàng loạt bán cho các đơn vị đóng tàu khác với giá thành rẻ và có thể xuất khẩu ra nước ngoài.