Nơi hội tụ những ánh mắt

Đúng như tên gọi, Triển lãm ảnh 'Mexico - Việt Nam: Nơi hội tụ những ánh mắt' được tổ chức tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã giới thiệu các tác phẩm của 6 nhiếp ảnh gia Mexico và Việt Nam: Sergio Camalich, Eunice Chao, Juan Carlos Duran, Hoàng Hải Thịnh, Lưu Việt Hùng và Nguyễn Việt Thanh.

72 bức ảnh được trưng bày là 72 góc nhìn độc đáo, phản ánh sự giao thoa trong cuộc sống đời thường cũng như lễ hội của những con người ở hai đất nước tưởng như xa cách về địa lý nhưng lại gần gũi biết bao về tình cảm, đồng điệu về tâm hồn qua các thời kỳ. Mỗi nhiếp ảnh gia đều phát huy cá tính thông qua cách nhìn, sự cảm nhận và lưu giữ những hình ảnh họ thấy trân quý. Bởi những khoảnh khắc, hình ảnh được lựa chọn đều có chủ ý, không dàn dựng hay chuẩn bị trước, và ngẫu nhiên như ảnh phóng sự. Cũng bởi nhiếp ảnh là ngôn ngữ biểu đạt mang tính toàn cầu, nên một bức ảnh không chỉ thể hiện phong cảnh, địa danh, khuôn mặt, sự vật mà còn thể hiện tất cả những gì vốn có: những mối quan hệ phức tạp của thế giới hay hình ảnh của thế giới xuất phát từ quan điểm cá nhân, đồng thời thể hiện một phần suy nghĩ và sự nhạy cảm của nhiếp ảnh gia.

Tác phẩm Ánh nhìn của NAG Juan Carlos Duran

Tác phẩm Ánh nhìn của NAG Juan Carlos Duran

Tất cả các bức ảnh tại triển lãm này cho chúng thấy những thế giới đơn lẻ không thể đánh đồng. Mỗi khoảnh khắc được chụp phản ánh thế giới trước, sau và bao trùm lấy nó. Mỗi bức ảnh phản ánh sự quyết đoán của nhiếp ảnh gia, nhờ vậy ta có thể khám phá thế giới thông qua cách nhìn, trải nghiệm cá nhân của họ và cho phép hiểu sâu sắc hơn về tác phẩm.Điều này thực sự có giá trị với độc giả khi tiếp cận một bức ảnh, những lý giải và được tự do hình dung theo cách khác nhau. Từ đó, sức mạnh khơi gợi của bức ảnh tăng lên.

Mexico và Việt Nam hiện lên qua ống kính của các nhiếp ảnh gia không phải là những không gian và những nền văn hóa bị thờ ơ, mà còn là những thế giới vừa riêng biệt vừa gắn kết. Nếu như những tác phẩm của Unice Chao chụp ở cả hai đất nước hé lộ những tiêu điểm khiến nước này quy tụ về nước kia. Chúng ta đắm chìm trong một thế giới với những ánh nhìn đan xen qua những khuôn mặt Mexico của Nguyễn Việt Thanh ghi lại - những ánh nhìn là chứng nhân của thế giới mà tác giả được tiếp cận. Những khoảnh khắc hé mở, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiên nhiên và văn hóa… được lan tỏa trong các tác phẩm của Lưu Việt Hùng. Những khoảnh khắc chụp nhanh của Hoàng Hải Thịnh hé lộ những thế giới ẩn giấu đằng sau nó. Trong khi đó, Việt Nam trong các bức ảnh của Sergio Camalich thể hiện sự rung chuyển giữa các vùng đất và ánh nhìn, vượt xa hơn sự thể hiện đơn thuần khi anh kéo sự chú ý của người xem đến những vùng xa xôi của đất nước. Và cuối cùng những ánh nhìn trực diện qua thế giới ảo diệu của Juan Carlos Duran Solorzano đưa ta đến gần với thế giới thân thương mà không thể bỏ qua bối cảnh ra đời của chúng…

Triển lãm ảnh “Mexico - Việt Nam: Nơi hội tụ những ánh mắt” không chỉ nhằm tôn vinh tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai quốc gia. Mà thông qua nghệ thuật, sự trùng hợp và sự hợp tác sáng tạo với các tác phẩm độc đáo, đa chiều làm nổi bật cuộc sống người dân của hai nước, qua đó thúc đẩy tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mexico. Đây cũng là dịp Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tiếp tục khám phá văn hóa ở những vùng đất mới qua lăng kính của các nhiếp ảnh gia. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 25/10/2019.

Nguyễn Hà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/noi-hoi-tu-nhung-anh-mat-92976.html