Nơi hội tụ những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

55 qua, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã trở thành địa chỉ hết sức thiêng liêng, 'là nơi để mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến để hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là để học và làm theo tấm gương vĩ đại của Người. Đến đây mỗi người lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng làm việc xứng đáng với Bác'- như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969 tức ngày 21/7 năm Ất Dậu, tại ngôi nhà 67, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng về với thế giới người hiền. Ngay sau khi Người qua đời, với lòng tiếc thương và biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ thiên tài của đất nước Việt Nam, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã quyết định giữ lại nguyên trạng nơi ở và làm việc 15 năm cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.

Từ đó đến nay, nơi ở và làm việc của Người đã trở thành Khu di tích lịch sử về Người và từ năm 2009, nơi đây đã trở thành di tích quốc gia đặc biệt. 55 qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ hết sức thiêng liêng, là nơi để mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến để hiểu biết về công lao to lớn của Bác và đặc biệt là để học và làm theo tấm gương vĩ đại của Người. Đến đây mỗi người lắng đọng suy ngẫm về bản thân để tu dưỡng làm việc xứng đáng với Bác"- như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói.

Nhà sàn Bác Hồ

Nhà sàn Bác Hồ

Hội tụ những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Kháng chiến chống Pháp thành công, trở về từ chiến khu, Người chọn ngôi nhà nhỏ của người thợ điện nằm trong khu vực dành cho các nhân viên phục vụ của Phủ toàn quyền Đông Dương trước đây để ở và làm việc. Đến tháng 5/1958, sau khi chuyển sang Nhà sàn, hàng ngày Người vẫn trở về đây dùng cơm và khám sức khỏe định kỳ. Nơi đây diễn ra những hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn miền Bắc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà.

Nổi bật trong quần thể Khu Di tích là ngôi nhà sàn nằm bên Ao cá, xung quanh có hàng rào râm bụt đỏ hoa quê, phía trước có cây dừa phủ mát, phía sau tựa bóng cây vú sữa. Trước nhà trồng những loài hoa thơm gần gũi của ruộng vườn xứ sở như: hoa nhài, hoa sói, hoa ngâu, hoa mộc. Ngôi nhà của Người không có chút bóng dáng quyền uy, phú quý mà chỉ thấy hiện hữu một phong cách giản dị, khiêm tốn. Cuộc sống của Người ở nơi đây đã thể hiện đầy đủ, rõ nét, sinh động những đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư.

"Bữa ăn của Người đơn giản, trên mâm cơm thường chỉ có những món ăn mang hương vị quê nhà như cá kho, cà dầm tương. Trời mưa to, nước ao rút không kịp, ngập cả đường đi, Người vẫn tự mình đi từ Nhà sàn sang ăn cơm vì không muốn nhiều anh em phục vụ vất vả. Bác không muốn phiền ai một việc gì, dù nhỏ, khi tự mình có thể làm lấy. Trong từng câu chuyện, từ việc hệ trọng của đất nước đến việc hằng ngày của đời sống như ứng xử, tăng gia sản xuất, chuyện ăn chuyện mặc đều hàm chứa những bài học sâu sắc, thấm thía"- ThS Lê Thị Phượng, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch chia sẻ.

Trải qua hơn ½ thế kỷ, tất cả di tích, tài liệu, hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi này hiện nay vẫn được bảo tồn nguyên trạng như sinh thời Người sống và làm việc.

Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch hội tụ những giá trị sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Suốt cả cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chiến đấu không mệt mỏi để giữ gìn nền độc lập dân tộc, đem lại tự do hạnh phúc cho nhân dân.

Với tình cảm sâu nặng đã đi vào tiềm thức của cả dân tộc thì niềm mong mỏi được đến thăm nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch dường như trở thành một nhu cầu tự nhiên, bắt nguồn từ đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khu di tích luôn gìn giữ cẩn trọng những hiện vật ở Khu Di tích

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khu di tích luôn gìn giữ cẩn trọng những hiện vật ở Khu Di tích

Theo ThS Lê Thị Phượng, đúng vào kỷ niệm 85 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà, Khu Di tích chính thức được mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đến quan, nghiên cứu và học tập. Nhiệm vụ chính trị trung tâm đặt ra đối với Khu Di tích là phải đáp ứng tốt nhất tình cảm và nguyện vọng thiêng liêng của hàng triệu người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động của Khu Di tích của Người tại Phủ Chủ tịch nhận vinh dự vẻ vang, trách nhiệm cao cả trong sự nghiệp bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá tư tưởng, đạo đức cách mạng của Người để Khu Di tích trở thành nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị di sản vô giá mà Người để lại.

Khu Di tích đã sáng tạo, chủ động phối hợp xây dựng chuỗi chương trình sinh hoạt chính trị với hệ thống các cơ quan Trung ương như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp phụ nữ, Thành ủy Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Thành ủy Hà Nội để tiếp tục khẳng định vị thế là "địa chỉ đỏ" hội tụ và lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, trường học đã tổ chức các chương trình học tập thực tế về tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức lễ báo công, kết nạp Đảng, sinh hoạt chính trị... tại Khu Di tích. Khu Di tích phối hợp thường xuyên với Trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử, các viện điều dưỡng các tỉnh thành, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... đón tiếp hàng nghìn người có công với đất nước, các gia đình thương binh - liệt sĩ, các đơn vị có nhiều thành tích. Các đài truyền hình trong nước và nước ngoài như đài truyền hình CNN Úc, VTV, Đài Truyền hình Việt Nam, Hà Nội, Quân đội, Thông tấn xã, VOV, Công an Nhân dân... đã thực hiện các chương trình cầu truyền hình trực tiếp, giao lưu nhân chứng, các phóng sự tư liệu tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh và công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích.

"Càng hiểu hơn về Bác càng khiến bản thân chúng tôi thêm động lực để cống hiến, phấn đấu và tự hào được là thế hệ con cháu của Bác kính yêu. Thiết nghĩ nếu ai cũng học được một phần những lời dạy của Bác thì xã hội và đất nước chắc chắn sẽ phát triển và tốt đẹp hơn rất nhiều". Với vị trí một nhân vật lịch sử tiêu biểu của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của tất cả những dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội. Bạn bè thế giới ở khắp các châu lục cũng hội tụ về Khu Di tích để bày tỏ tình cảm yêu mến, kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh- ThS Lê Thị Phượng cho biết.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khu di tích luôn gìn giữ cẩn trọng những hiện vật ở Khu Di tích

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Khu di tích luôn gìn giữ cẩn trọng những hiện vật ở Khu Di tích

Bồi đắp lòng yêu nước, ý chí và nghị lực trong thế hệ trẻ

Trong 55 năm qua (1969-2024), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tầng lớp nhân dân, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo cùng sự cố gắng không ngừng của tập thể viên chức, người lao động qua các thời kỳ, Khu Di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tới nhân dân trong cả nước cùng kiều bào và bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, làm dày dặn, phong phú, sâu sắc, sáng tỏa rạng rỡ hơn nữa di sản của Người.

Theo ThS Nguyễn Thị Yến, nguyên Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, 55 năm qua, Khu Di tích đã đón trên 90 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham qua, học tập và chiêm ngưỡng. Nhiều nguyên thủ của hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu bút lại với những tình cảm đặc biệt "Những ai muốn biết thế nào là một con người thực sự? Vẻ đẹp của thế giới ở đâu? Sự chiến thắng của chân lý trên trái đất ở đâu? Ở đâu có mùa xuân? Xin hãy đến thăm cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự tồn tại điển hình anh hùng của thời đại chúng ta".

Đến với Khu Di tích Phủ Chủ tịch, thế hệ trẻ được đắm mình trong không gian lịch sử thiêng liêng, được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi điểm di tích, mỗi tài liệu, hiện vật nơi đây đều thể hiện rõ tình yêu đất nước, yêu nhân dân vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ ngôi nhà Bác ở, từ trang phục Bác dùng, từ bữa cơm hàng ngày của Bác và các vật dụng được Bác sử dụng, như: chiếc quạt lá cọ, đôi dép cao su, đến những bông hoa nhỏ xinh trong vườn Bác, hình ảnh cây dừa, cây vú sữa thân thương,... đều ẩn chứa tình yêu thương của Bác đối với con người, với thiên nhiên.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phòng Tuyên truyền, Giáo dục (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) cho biết: Thông qua các tài liệu, hiện vật và những câu chuyện kể nơi đây, các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ thêm hiểu về những chặng đường gian khổ mà Bác Hồ đã trải qua, những cống hiến hy sinh to lớn Người đã dành cho độc lập, tự do của dân tộc. Qua đó, bồi đắp lòng yêu nước, ý chí và nghị lực trong các em, thôi thúc các em học tập, rèn luyện và cống hiến cho Tổ quốc. Qua các hoạt động phát huy giá trị di sản tại Khu Di tích Phủ Chủ tịch, tấm gương đạo đức cao đẹp, lối sống thanh bạch giản dị, hết lòng vì nước vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hiện diện một cách sinh động. Điều này đã tác động không nhỏ đến thế hệ trẻ, giúp các em hiểu biết rõ hơn về giá trị của cuộc sống, biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người là những phẩm chất đạo đức cao quý, cần thiết để mỗi cá nhân trưởng thành có ích cho gia đình và xã hội. Việc học tập và noi theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp thế hệ trẻ tự bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống, trong học tập, trong công tác, góp phần xây dựng và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác lúc sinh thời.

Bác Hồ đời đời sống cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Bác Hồ đời đời sống cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại.

Khu Di tích Phủ Chủ tịch không chỉ là địa chỉ giáo dục thế hệ trẻ, mà còn là điểm du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Mỗi năm, hàng triệu lượt du khách đến thăm Khu Di tích Phủ Chủ tịch để tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, để bày tỏ lòng biết ơn đối với vị Cha già dân tộc và để học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người.

Vào thăm Khu Di tích, mỗi người Việt Nam đều gặp nhau trong tình cảm và nhận thức rằng, Bác Hồ đời đời sống cùng non sông đất nước, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Chúng ta tìm thấy trong cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lưu dấu tại đây những điều mình hằng kính trọng, yêu mến, những giá trị tinh thần mà mình thiết tha, những điều tốt đẹp mà mình khao khát muốn vươn tới./.

Hồng Hà- ảnh: Nam Nguyễn

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/noi-hoi-tu-nhung-gia-tri-sau-sac-ve-tu-tuong-dao-duc-phong-cach-ho-chi-minh-20240901145049969.htm