Nơi hội tụ những người yêu hoa lan

Chi hội Hoa lan trực thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh Long An, chính thức đi vào hoạt động khoảng 2 tháng nay. Đây là sân chơi dành cho những người yêu hoa, muốn sưu tầm, bảo tồn những giống lan quý, đẹp để phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn. Bên cạnh đó, chi hội còn ấp ủ dự định làm công tác thiện nguyện thông qua nguồn quỹ chi hội có được.

Ông Bùi Chí Hữu (bên trái) và anh Trần Trường Vinh (bên phải) cùng chậu lan Dendro nắng Bà Liễu của anh Vinh, đoạt giải ba tại hội thi do Câu lạc bộ Hoa Lan Châu Phú, tỉnh An Giang tổ chức
Nơi hội tụ những người có cùng đam mê

Chi hội trưởng Chi hội Hoa lan - Bùi Chí Hữu chia sẻ, tiền thân của chi hội là nhóm những người bạn đam mê hoa lan, thích bảo tồn các giống lan quý, đặc biệt là lan rừng. Nhóm ban đầu chỉ có 4 thành viên, tập hợp cùng nhau trao đổi cách chăm sóc những giống lan mà mình sưu tầm được. Sau đó, nhóm lập một tài khoản trên Facebook và mời những người có cùng sở thích tham gia. Đến nay, có khoảng 2.600 thành viên với tài khoản Nhóm chơi lan rừng Long An. Không dừng lại ở hoạt động giao lưu trên Facebook, nhóm bàn nhau thực hiện các thủ tục thành lập chi hội để hoạt động tốt hơn. Chi hội bây giờ có khoảng 60 hội viên chính thức, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm.

Ông Bùi Chí Hữu (phường 2, TP.Tân An) hiện sở hữu hơn 200 chậu lan rừng và lan công nghiệp (các loại lan được trồng theo kiểu công nghiệp, trang trại), trong đó có nhiều giống quý hiếm. Ông kể, cái duyên của mình với hoa lan rất tình cờ. Vốn là thầy giáo, năm 1992, ông cùng nhóm học trò tham quan Đà Lạt, ở đây lan rừng được bán khá nhiều, hoa rất đẹp nên mua về. Cũng từ đó, ông mê hoa lan và học cách chăm sóc để lan sinh trưởng tốt, ra hoa đẹp. Và rồi, trong những chuyến đi Đà Lạt hoặc bất kỳ nơi nào khác, hễ thấy có lan rừng đẹp là ông cất công sưu tầm. Bây giờ, ông có thể nuôi cấy mô để bảo tồn những giống lan quý, hiếm. Ông nói: “Mình yêu hoa lan và muốn tình yêu này được lan tỏa. Sau thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, nếu gầy được giống sẽ chia sẻ với những người cùng sở thích. Nếu như lan công nghiệp có vẻ đẹp sặc sỡ, sang trọng thì lan rừng rất tự nhiên, ra hoa đúng mùa, hoa nở dài ngày và mùi hương rất đặc trưng. Chính vẻ đẹp rất riêng này mà không ít người say đắm và trở thành thú chơi của nhiều người dân nơi thị thành. Chỉ một khoảng sân nhỏ, người dân thị thành cũng có thể chơi lan để thưởng ngoạn, nhưng không tốn quá nhiều thời gian cũng như chi phí”.

Giò lan đẹp của anh Trần Trường Vinh

Giò lan đẹp của anh Trần Trường Vinh

Anh Đinh Ngọc Khuyến (phường 3, TP.Tân An) - thành viên Chi hội Hoa lan và cũng là người lên ý tưởng thành lập chi hội. Chia sẻ lý do vì sao cần thiết thành lập chi hội, anh Khuyến nói: “Đây là nơi để mọi người có thể gặp gỡ, chia sẻ, hỗ trợ nhau trong quá trình chăm sóc, thưởng ngoạn cũng như bảo tồn. Hơn nữa, khi hoạt động chính thức, chi hội sẽ có nguồn quỹ riêng để hỗ trợ hội viên đến với các hội thi hoa lan trong và ngoài tỉnh tổ chức. Ở các hội thi này, anh em có thể trao đổi thêm kinh nghiệm, sưu tầm thêm các loài lan đẹp, có giá trị kinh tế để nhân giống phục vụ nhu cầu thưởng thức cũng như kinh doanh”.

Bắt đầu đam mê và chơi lan hơn 3 năm nay, vườn lan nhà anh Khuyến không rộng lớn, chỉ hơn 50m2 nhưng hiện có khoảng 300 chậu lan, trong đó chủ yếu là loài Cattleya. Ưu điểm của loài hoa này là hoa có thể trổ quanh năm, to và rất thơm. Trước đây, anh chỉ chơi lan thôi và không kinh doanh, mua bán. Tuy nhiên, hiện nay, anh bắt đầu chia sẻ cùng mọi người về những giống lan đẹp thông qua sàn giao dịch của nhóm để có thể “lấy lại vốn” và tái đầu tư cho sở thích.

Giò lan đẹp do anh Trần Trường Vinh trồng

Giò lan đẹp do anh Trần Trường Vinh trồng

Ấp ủ thực hiện công tác thiện nguyện

Anh Trần Trường Vinh (phường 4, TP.Tân An) - thành viên Chi hội Hoa lan, được xem là người “mát tay” trong các cuộc thi hoa lan đẹp. Mới đây, chậu lan Dendro nắng Bà Liễu của anh đoạt giải ba tại hội thi do Câu lạc bộ Hoa lan Châu Phú, tỉnh An Giang tổ chức. Hiện tại, anh Vinh sở hữu vườn lan rộng 1.200m2 với gần 500 chậu lan đủ các loại từ lan rừng cho đến công nghiệp, nhiều giống được sưu tầm từ bạn bè hoặc nhập từ nước ngoài về. Anh Vinh đang có điểm bán lan với tên gọi Quang Vinh trên đường Hùng Vương (trong khuôn viên Sân vận động tỉnh). Đây cũng là một trong những nơi các thành viên ở trung tâm TP.Tân An gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm trồng hoa cũng như cách xử lý khi lan bị nhiễm bệnh.

Hiện nay, Chi hội Hoa lan có rất nhiều anh em bán buôn trên sàn giao dịch Facebook và có 3 hội viên có nhà vườn, kinh doanh lan với điểm bán cố định. Một số hội viên khác cũng đang chuẩn bị các điều kiện để kinh doanh tại các điểm cố định. Anh Vinh kể, trước đây, anh chưa đam mê trồng lan nhưng vợ anh thì rất thích. Chị thường sưu tầm nhiều loại lan về trồng, rồi anh phụ chị. Niềm đam mê lan từ chị bắt đầu lan tỏa sang anh. Cả 2 phát triển niềm đam mê thành trang trại để có thể thưởng ngoạn và kinh doanh. Nhưng cũng từ niềm đam mê này giúp kinh tế gia đình anh thêm ổn định. Anh Vinh chia sẻ, trước đây, mỗi năm, anh có thu nhập từ bán lan từ 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Từ ngày mở điểm kinh doanh, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi tháng anh có lãi hơn 20 triệu đồng. Chính vì có thu nhập ổn định nên anh thường xuyên đến với các hội thi. Bởi, ở đó, anh có cơ hội gặp gỡ nhiều nghệ nhân trồng lan hoặc đối tác làm ăn phục vụ kinh doanh.

Theo ông Bùi Chí Hữu, trước đây, nhóm không cho phép các thành viên kinh doanh qua Facebook. Nhưng hiện nay, các thành viên được kinh doanh trên Facebook thông qua sàn giao dịch vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Khi các thành viên có giống lan quý hoặc chậu lan nào cần giao dịch thì đưa lên sàn, cho giá cụ thể để mua bán. Số tiền bán được trích vào quỹ, một phần để dành hoạt động gặp gỡ, hỗ trợ chi phí cho các thành viên có sản phẩm đẹp đi dự thi trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, chi hội cũng thống nhất, trong tương lai, các sản phẩm lan đoạt giải cao ở các cuộc thi hoặc sản phẩm lan đẹp, đột biến mà thành viên chi hội sở hữu sẽ được bán đấu giá, cùng với kinh phí quỹ hội dùng làm các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn trong xã hội.

Hiện Chi hội Hoa lan hướng đến mục tiêu phát triển nuôi cấy mô đối với những giống lan quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao, tạo ra cây con để bán cho nhà vườn tiêu thụ. Ngoài ra, chi hội sẽ mời những người có nhiều kinh nghiệm trồng lan hướng dẫn thêm kỹ thuật cho hội viên nhằm giảm rủi ro trong trồng lan và phát triển kinh tế hộ gia đình từ lan đối với những người muốn kinh doanh./.

Mai Hương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/noi-hoi-tu-nhung-nguoi-yeu-hoa-lan-a85316.html