Nối kết mạch nguồn, bồi đắp giá trị mới

Đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam được kỳ vọng sẽ đưa áo dài trở lại đời sống cộng đồng, hỗ trợ ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Để làm được như vậy, theo một số nhà nghiên cứu, cần nhìn nhận rõ ràng và toàn diện nhất giá trị của áo dài trong văn hóa Việt Nam, cũng như trong văn hóa Huế.

Ký ức về thời vàng son

“Ký ức áo dài trong tôi đơn giản là hình ảnh mạ tôi với chiếc áo dài, cứ tờ mờ sáng đã vội vội vàng vàng tay quắp giỏ, tay kia vơ vội chiếc áo dài lam, vừa đi vừa mặc cho kịp phiên chợ. Và cứ thế, theo thời gian, tà áo dài của phụ nữ Huế, qua hình dáng của mạ đã đi vào trong tôi một cách tự nhiên”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ về thời vàng son của áo dài Huế.

Đạp xe diễu hành chào mừng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. Ảnh: Bảo Minh

Đạp xe diễu hành chào mừng Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế 2023. Ảnh: Bảo Minh

Ông nhớ lại, thập niên 1970 ở Huế, phụ nữ ra khỏi nhà với tà áo dài là điều không bàn cãi. Không chỉ các cô, các chị công chức, giáo viên mới mặc áo dài ra đường, mà cả chị bán gánh chè, o mua ve chai, rồi người đi chợ... Áo dài một thời đã trở thành thường phục của phụ nữ Huế khi ra khỏi nhà. Chiếc áo dài lam khi đi chùa, áo dài màu sẫm khi ra chợ, tà áo trắng, áo xanh thẫm của nữ sinh Đồng Khánh, Thành Nội…

“Áo dài Huế không chỉ là trang phục mà đã trở thành hồn cốt của Huế, của phụ nữ Huế, là giá trị nhân văn của vùng đất Cố đô. Tà áo dài đã đi vào cuộc sống người Huế như con người sinh ra phải ăn, phải mặc”. Vì thế, “tôn vinh nét đẹp áo dài Việt Nam, áo dài Huế nhằm góp phần khôi phục thói quen mặc áo dài trong sinh hoạt đời thường, khi đến công sở, trong dịp lễ, sự kiện quan trọng của năm. Thông qua phong trào mặc áo dài góp phần định hướng áo dài trở thành một xu hướng thời trang của giới trẻ và những người yêu áo dài”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Để phát huy giá trị của di sản áo dài trong đời sống hiện đại, ngày 29.3.2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định phê duyệt đề án Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam. Rất nhiều hoạt động đã và đang được tổ chức, trong đó Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế năm 2023 diễn ra từ ngày 6 - 12.7, nhằm khai thác thế mạnh, thương hiệu và giá trị văn hóa độc đáo của áo dài Huế; xây dựng hình ảnh du lịch địa phương gắn với áo dài, kích cầu du lịch phát triển...

Làm rõ giá trị đặc trưng

Đánh giá cao những nỗ lực trên, và khẳng định, áo dài cũng như một số di sản văn hóa của cố đô Huế vẫn là một tài sản trí tuệ độc đáo, là tài nguyên văn hóa của vùng đất di sản, song nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin Thừa Thiên Huế, cho rằng, trang phục áo dài đã trải qua những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị áo dài Huế trong đời sống đương đại vẫn còn những bước gập ghềnh, cần có những giải pháp để làm sáng tỏ giá trị đặc trưng của bộ trang phục áo dài, giải tỏa tâm lý e ngại của không ít người trước những vấn đề về truyền thống và đương đại.

Sau hơn nhiều thập niên bị gián đoạn vì nhiều lý do, áo dài đang hồi sinh, mà như GS. TS. Thái Kim Lan, Giám đốc Bảo tàng Gốm cổ sông Hương, ví “thoạt đầu có tính huyền thoại như câu chuyện An Tiêm bị đày ra đảo, nhớ về cội nguồn và đi tìm bản lai”. Từ sự khám phá vẻ đẹp của chiếc áo dài đưa đến sự nhận diện bản lai văn hóa trở nên một đề tài văn hóa, đúng hơn nỗ lực làm sống lại chiếc áo dài. Áo dài đang trở thành thời trang trong thời hiện đại. Nhưng GS. TS. Thái Kim Lan cũng nhấn mạnh, giữa thời trang và bản sắc văn hóa, còn một khoảng cách cần vượt qua, mà tập thể cộng đồng chính là chủ thể.

Mục tiêu đưa áo dài trở lại thời vàng son, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, của Thừa Thiên Huế đang từng bước trở thành hiện thực. Tuy vậy, “cần kịp thời đào sâu bản sắc của chiếc áo dài để khi áo dài trở nên quốc túy, là niềm kiêu hãnh của toàn dân”, GS. TS. Thái Kim Lan lưu ý. Bà chỉ ra rằng, ngay trong quá trình cách tân trước đây (từ thời Pháp thuộc cho đến nửa đầu thập niên 1970), áo dài vẫn giữ nguyên bản chất: hai tà (bốn thân), cổ, tay áo và hàng nút gài, và sự biến tấu nhẹ nhàng, cẩn trọng trong ý hướng nhấn mạnh, làm đẹp hơn nữ tính của người mang áo. Thậm chí, chịu ảnh hưởng Âu hóa, nhưng vẫn không đi quá phong cách kín đáo trang nhã, tôn trọng vẻ đẹp của người phụ nữ mà chiếc áo dài hàm chứa.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Hoa, đời sống đã thay đổi, mỗi thời đại có khát vọng mới, hơi thở mới. “Những giá trị truyền thống dù tốt đẹp đến đâu nếu không thích nghi với nhu cầu của thời đại thì phần lớn cũng chỉ được nâng niu gìn giữ trong các viện bảo tàng hoặc xuất hiện trang trọng trong các dịp lễ nghi truyền thống, gắn với lớp người cao niên”; và “tài sản đó cần được bồi đắp thêm những giá trị mới để nối kết với mạch nguồn xưa, nhưng tránh không để bị lai căng, dung tục hóa”.

Hương Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/noi-ket-mach-nguon-boi-dap-gia-tri-moi-i335991/