Nơi kết nối đam mê sinh vật cảnh

Sau 25 năm thành lập, đến nay, Hội quy tụ được 637 hội viên. Các hội viên đều là những người đam mê làm vườn, trồng hoa, cây cảnh, chế tác đá cảnh non bộ, đá phong thủy, gỗ lũa và các sản phẩm từ gỗ...

Trên địa bàn thành phố Hòa Bình xuất hiện ngày càng nhiều các nhà vườn, các cửa hàng hoa, cây cảnh. Ảnh: Khách hàng chọn mua hoa tại cửa hàng hoa, cây cảnh Quyền - Mây trên đường Trần Hưng Đạo - TP Hòa Bình.

Trên địa bàn thành phố Hòa Bình xuất hiện ngày càng nhiều các nhà vườn, các cửa hàng hoa, cây cảnh. Ảnh: Khách hàng chọn mua hoa tại cửa hàng hoa, cây cảnh Quyền - Mây trên đường Trần Hưng Đạo - TP Hòa Bình.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và sinh vật cảnh tỉnh chia sẻ: Trong thời gian qua, Hội tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc, giá trị kinh tế của nghề làm vườn và sinh vật cảnh. Động viên hội viên tiếp tục sáng tạo, tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để tạo sản phẩm đặc thù từ nghề làm vườn và sinh vật cảnh trên địa bàn. Đề xuất với các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ, có những chính sách phù hợp để phát huy, phát triển nghề làm vườn và sinh vật cảnh. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành về KHKT để đưa nghề sinh vật cảnh trở thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao. Theo đó, năm qua, tổ chức Hội đã đứng ra kết nối, tổ chức cho các hội viên tham gia triển lãm, hội chợ, festival hoa, cây cảnh, trình diễn nghề truyền thống, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm làm vườn hữu cơ kết hợp với thị trường; tham gia hội thảo đánh giá hoạt động phát triển sản xuất, thị trường và đổi mới chính sách nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2016-2019 do Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức. Không chỉ tham gia triển lãm ở tỉnh, sản phẩm sinh vật cảnh của các hội viên còn được góp mặt ở triển lãm Festival sinh vật cảnh Bắc Ninh, tham gia triển lãm sinh vật cảnh tại Phúc Thọ - Hà Nội nhân dịp tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới của thành phố.

Sẵn niềm đam mê, có thêm sự động viên, khích lệ và hỗ trợ từ Hội, nhiều hội viên tích cực ứng dụng thành tựu KHKT để phát triển nghề. Riêng với nghề làm vườn, trong năm qua, 42 thành viên HTX Mỹ Tân, xã Tân Thành - nay là xã Cao Dương (Lương Sơn) đã ứng dụng KHCN để chăm sóc 86 ha cây có múi, 20 ha cây ăn quả khác. Kết quả đã thu hoạch 200 tấn quả, doanh thu đạt 50 tỷ đồng, thu lãi 25 tỷ đồng. Một số hội viên như: Trần Hùng, xã Thanh Hối (Tân Lạc); Dương Như Mừng, xã Bình Thanh (Cao Phong); Quản Thế Lợi, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) duy trì việc chăm sóc vườn, trang trại bưởi, cam, cho thu nhập từ 2 - 4 tỷ đồng/năm.

Các hội viên ở mảng sinh vật cảnh cũng không ngừng áp dụng tiến bộ KHKT để phát triển nghề. Từ chỗ để thỏa chí đam mê, các sản phẩm gỗ lũa, cây cảnh bonsai, đá, cá, chim cảnh… trở thành các mặt hàng kinh doanh có giá trị kinh tế cao. Một số sản phẩm cây, đá cảnh của các hội viên: Đinh Đức Kháng, Vương Đình Ninh, Nguyễn Kiều Bình, Nguyễn Mạnh Tiến, Lê Huy Sơn… có giá trị hàng chục tỷ đồng.

Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, trong thời gian tới, cùng với việc chuẩn bị Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 của Hội, các cấp Hội tiếp tục ứng dụng tiến bộ KHKT để tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị. Gắn phát triển sinh vật cảnh với phát triển du lịch sinh thái. Một mặt tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội vững mạnh, là ngôi nhà chung, nơi hội tụ của những người đam mê sinh vật cảnh.

Lam Nguyệt

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/137629/noi-ket-noi-dam-me-sinh-vat-canh.htm